Thứ tư, 20/11/2024 03:22:28
Giáo viên sợ học sinh bỏ học, chuyện có thật ở trường học

Ngày: 19/02/2016

LTS: Trăm thứ việc không tên đều đổ lên đầu thầy cô giáo nhưng đã có “thành tích thi đua” treo lơ lửng trên đầu nên không có ai dám bê trể, ù lì…

Nếu vì kiến thức còn non yếu, giáo viên dạy không tốt, bị khống chế xếp loại đạt yêu cầu thì đành chịu nhưng nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân khách quan mà hoàn toàn không phải lỗi của mình cũng bị hạ thi đua một cách oan uổng.

Một trong những lý do khiến giáo viên thấy “sợ” và bất lực là việc học sinh bỏ học giữa chừng.

Nỗi sợ này được cô giáo Đỗ Quyên mô tả trong bài viết dưới đây, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đa dạng lý do bỏ học

Học sinh nghỉ học giữa chừng cũng có nguyên nhân: học yếu không theo kịp chương trình, gia đình khó khăn, nhà neo người cần lao động phụ giúp hay trẻ ham chơi bời, lêu lổng mà chán học, có em lại hội tụ đủ các yếu tố trên…

Đầu năm vào chủ nhiệm lớp, giáo viên thường có cuộc điều tra lý lịch để nắm chắc các đối tượng học sinh. Những em được thầy cô ghi vào sổ: có nguy cơ bỏ học ngoài việc được quan tâm, ưu tiên cho nhận những phần quà, những suất học bổng, giáo viên chủ nhiệm thường chiếu cố đặc biệt những đối tượng này, vì sợ áp lực quá các em bỏ học giữa chừng thì cô thầy sẽ bị “vạ lây”. 

Mặc dù những em học sinh ấy, có mắc lỗi nhiều đến đâu, thường cũng được xem xét, du di. Nắm được điều này, nhiều em lại càng tỏ ra bất cần và không muốn học. Nhiều em kết bè, kết cánh với những nhóm bạn cùng sở thích giống mình ở các lớp khác để quậy phá. 

Giáo viên thấy “sợ” và bất lực khi học sinh bỏ học giữa chừng. Ảnh minh họa của Hữu Anh/Dân Việt

Khổ nhất là giáo viên chủ nhiệm nào có học sinh nghỉ học, cô giáo phải đi mòn đường, gọi điện thoại đến cháy sim, để vận động, khuyên nhủ các em trở lại lớp. 

Ví dụ như cô giáo Nguyễn Thị Đ. ở một trường trung học tại một tỉnh miền Trung giải trình việc lớp chủ nhiệm có 4 em nghỉ học trong năm: “Em đã tốn rất nhiều tiền điện thoại, tiền xăng xe, để đến nhà phụ huynh vận động học sinh trở lại lớp mà không được. Có phụ huynh lịch sự, mời vào nhà, có người vừa thấy mặt đã mắng xối xả: Con tôi nghỉ học liên quan gì đến cô mà cứ dai dẳng, tôi không có tiền, nó phải đi kiếm tiền nuôi gia đình. Mấy cô kêu đi học, có nuôi luôn cả nhà tôi không”. 

Tương tự, cô Hoàng Ngọc Th. cũng có 3 học sinh nghỉ học trong năm, cô đã đến nhà vận động em đi học lại, thấy giáo viên xuống nhiều lần, nên phụ huynh đã đưa ra “yêu sách”:"Tôi không có tiền đóng học phí, nếu nhà trường miễn cho em, tôi sẽ cho cháu đi học lại" (mặc dù tình hình kinh tế của gia đình em không thuộc dạng khó khăn). 

Nhiều thầy cô muốn học sinh đi học lại, đã bỏ tiền túi mua sách vở, quần áo, thậm chí đóng luôn cả tiền học phí. 

Cũng vì sợ học sinh bỏ học nên đã có nhiều chuyện buồn xảy ra khi phụ huynh đã gây áp lực với giáo viên bằng cách xin cho con được lên lớp và ra điều kiện:“nếu nó phải ở lại lớp, tôi sẽ cho con tôi nghỉ học!”

Có học sinh đến ngày đi thi nhưng cô chủ nhiệm không thấy đến lớp, cô đã chạy xe về nhà em thì thấy học sinh của mình đang chơi. Cô giáo năn nỉ một hồi, em mới chịu ngồi xe cô chở về trường…

Học sinh nghỉ học nhiều thay vì tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ, thu hút học sinh trở lại và gắn bó với trường lớp, thì một số trường học, Ban giám hiệu đang trút đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên chủ nhiệm lớp, gây không ít áp lực cho thầy cô.

Trong khi hằng ngày, phải dồn sức vào đổi mới phương pháp giảng dạy, để nâng chất lượng giáo dục, nhiều thầy cô giáo còn phấp phỏng lo sợ học sinh lớp mình chủ nhiệm nghỉ học, nó sẽ là nguyên nhân kéo bao công sức phấn đấu của giáo viên trong suốt cả năm học trở thành công cốc. 

Giáo viên ai cũng sợ mình bị cắt thi đua, bị hạ bậc không phải vì tiền thưởng mà vì danh dự. Bởi tiền thưởng trong giáo dục thuộc dạng “bèo” nhất. Cuối năm đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở cũng chỉ nhận được hơn một triệu đồng, còn lao động tiên tiến được hơn ba trăm ngàn. 

Điều giáo viên sợ nhất là việc bị hạ thi đua, ghi vào hồ sơ công chức, và nếu đến trường khác công tác sẽ bị đánh giá: “chắc là dạy dỗ không ra gì nên mới thế”.

Tìm cách lách quy định

Không trông chờ vào việc sửa đổi quy định của trường, nhiều giáo viên đã tự “cứu lấy mình” tìm mọi cách để lách quy định. 

Một số giáo viên nhờ người quen xin trường học khác trong địa bàn cái giấy tiếp nhận, rồi về trường mình rút học bạ của học sinh vừa bỏ học. 

Dĩ nhiên, học sinh đó được đưa vào diện chuyển trường nhưng thực ra em ấy ở nhà. Với cách làm này, thầy cô không chỉ tự “cứu” mình còn cứu cho trường, cho phường không bị ảnh hưởng bởi chuyện phổ cập.

Giải pháp nào hạn chế việc bỏ học của học sinh?

Mặc dù một số trường trung học cơ sở, áp dụng biện pháp hạ thi đua giáo viên chủ nhiệm, nhưng không vì thế mà số lượng học sinh nghỉ học giảm đi, ngược lại, ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng này, cần phải có sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể nhà trường như Ban giám hiệu, Hội khuyến học của trường, của địa phương, kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các nguồn quỹ hỗ trợ, để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Nhà trường cũng cần mở lớp ôn tập, phụ đạo kiến thức miễn phí giúp học sinh yếu lấy lại kiến thức căn bản. 

Nếu làm tốt điều này, chắc chắn tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm đi. Đừng nên đổ hết trách nhiệm lên đầu giáo viên chủ nhiệm.

                                                                                                   Đỗ Quyên

 

ĐỖ QUYÊN
Tin liên quan