Ngày đăng : 05-04-2019
Sáng 1/12, tại Hà Nội, thỏa thuận hợp tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón đã được ký kết.
Các bên tham gia ký kết bao gồm đại diện Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra kinh tế (Bộ Công An), Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thỏa thuận sẽ là cơ sở để các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong đấu tranh với các hành vi tiêu cực về sản xuất và kinh doanh mặt hàng phân bón. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa đối với người tiêu dùng mà còn là bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Có thể thu lợi khoảng 2.400 tỷ đồng/năm
Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), phân bón nếu sử dụng hợp lý, cân đối và đồng bộ sẽ giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 35-40%. Trên hành tinh cứ ba người thì có một người sống nhờ tăng năng suất cây trồng từ phân bón.
Trong khi đó, ở nước ta, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2008, giá phân bón đã có những biến động chưa từng có trong lịch sử. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất phân bón nhỏ lẻ với công nghệ thô sơ như: chảo, xẻng, xe ba gác, máy nghiền đá…. phát triển. Các cơ sở này đã đưa ra thị trường những sản phẩm phân bón không đảm chất lượng, nhái nhãn mác của các đơn vị có uy tín, thậm chí là đưa phân bón chưa được lưu hành ra bán để kiếm lời bất chính.
Thời điểm cuối năm 2008, điều tra chưa đầy đủ của các lực lượng chức năng đã phát hiện cả nước có 61 cơ sở, công ty sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả.
Hành vi vi phạm chủ yếu của các công ty đã bị truy tố hoặc chưa bị truy tố là đăng ký chất lượng trên giấy phép và bao bì khoảng 53% hàm lượng dinh dưỡng, nhưng qua kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ từ 7,2- 8,2%. Gian lận tới 45- 46% hàm lượng dinh dưỡng. Tệ hại hơn có công ty ở Quảng Nam- Đà Nẵng, trên giấy phép tổng hàm lượng dinh dưỡng đăng ký là 53%, nhưng khi kiểm tra chỉ là 2,99%.
“Nguyên nhân chính của thực trạng trên một phần là do thủ tục cấp phép để sản xuất và kinh doanh phân bón quá dễ dàng. Một phần khác là do nông dân cứ thấy giá rẻ là mua mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng”, ông Nguyễn Tiến Toát, Phó tổng giám đốc Công ty Phân bón Việt Nhật nhìn nhận.
Mỗi năm nước ta phải sử dụng trên 8 triệu tấn phấn bón các loại như: Urê, DAP, SA, Kali, NPK và các loại phân hữu cơ, sinh hóa khác. Theo ước tính của ông Toát, với giá từ 2-10 triệu đồng/tấn phân bón tùy theo từng chủng loại, nếu chỉ cần làm giảm 10% chất lượng thì với 6 triệu tấn phân bón có thể làm giả, số tiền lời các doanh nghiệp đút túi đã lên tới 2.400 tỷ đồng.
Do đó, vị này kiến nghị sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh chỉ nên cấp phép sản xuất phân bón cho những cơ sở có nguồn vốn từ 1 triệu USD trở lên và phải có đội ngũ cán bộ am tường về ngành hàng này.
Mức xử phạt cao nhất sẽ là 100 triệu đồng
Ông Trần Tấn Dũng, Phó giám đốc nhà máy Phân bón Năm Sao cho rằng tình trạng vi phạm đang có chiều hướng gia tăng là do các chế tài chưa đủ mạnh. Hiện nay mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là vài chục triệu đồng. Trong khi chỉ một mẻ phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trót lọt, doanh nghiệp có thể thu lợi cả tỷ đồng.
Tán đồng với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định về việc chống sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phân bón giả cho biết: Theo dự thảo Nghị định mới, mức xử phạt hành chính đối với hành vi nêu trên có thể lên tới 100 triệu đồng. Dự thảo hiện đang được chỉnh sửa và sẽ trình Chính phủ vào trung tuần tháng 12 tới đây.