Ngày: 25/11/2015
Hầu hết chúng ta đang đi vào lối mòn khi suy nghĩ rằng một thành phố có càng nhiều cây xanh thì không khí càng trong lành. Tuy nhiên, rồi cũng có lúc một ai đó vén bức màn lên và bắt đầu một cuộc tranh luận mới. Rob MacKenzie, một Giáo sư giảng dạy khoa học về không khí và khí quyển tại Đại học Birmingham, Anh Quốc viết trên trang Theconversation: “Liệu cây xanh có thực sự giúp làm sạch không khí trong thành phố?”.
Ông đã phân tích một cách sâu sắc những vấn đề mà các nhà khoa học đang tranh cãi xung quanh việc cây xanh có thể khiến chất lượng không khí đô thị giảm sút thay vì cải thiện chúng. Chúng tôi xin được phép lược dịch bài luận văn của ông:
Liệu cây xanh có thực sự giúp làm sạch không khí trong thành phố?
Nếu ai đó vẫn cứ khăng khăng nói rằng cây xanh đang cải thiện chất lượng không khí thì thật là bất hợp lý. Dĩ nhiên, chúng ta đều biết rằng cây xanh hấp thụ Carbon dioxide, khí nhà kính( CO2), lá của chúng bẫy và giữ lại các chất gây ô nhiễm độc hại như Nitrogen dioxide (NO2), Ozone và nhiều vi hạt có hại khác sản sinh ra từ quá trình đun nấu hay đốt nhiên liệu trong xe hơi.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cây xanh có thể đang làm giảm chất lượng không khí đô thị qua việc cứ bẫy các chất ô nhiễm này trên đường phố. Chúng ta hãy cùng nhìn sâu hơn vào các bằng chứng, cũng như cách chúng được thu thập để có một hình dung sâu sắc về những tác động của cây xanh lên môi trường đô thị.
Trước hết, điều này không có nghĩa là cây xanh đang gây ô nhiễm không khí trong thành phố tại các quốc gia đang phát triển. Như chính các nhà sản xuất ô tô cũng nhận thức được lỗi lầm của mình, phương tiện đường bộ mới là tác nhân gây ô nhiễm nhiều nhất cho đô thị. Và các tác động của điều này được phức tạp lên bởi cách chúng ta lựa chọn xe và lái chúng như thế nào.
Phương tiện đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị.
Nhiều đặc tính của cảnh quan đô thị gây ảnh hưởng đến sự di chuyển của không khí quanh một thành phố. Những đối tượng không có khả năng thẩm thấu như nhà cao tầng và cả những đối tượng thẩm thấu như cây xanh đều làm chệch hướng dòng không khí tự nhiên gây ra bởi thời tiết, giả dụ là dòng di chuyển không khí giữa khối áp thấp và áp cao chẳng hạn.
Một số cảnh quan có thể kết hợp với nhau tạo thành một dòng gió xoáy. Nếu chẳng may dòng xoáy này đi qua một địa điểm chứa tác nhân ô nhiễm, chúng có thể nhấc bổng những chất gây ô nhiễm hòa vào không khí. Chúng được gọi là những chiếc “bẫy cảnh quan”. Điều này phụ thuộc rất nhạy cảm vào vị trí chính xác của từng con đường, tòa nhà, khu vườn hay cây xanh trên được phố, thậm chí đến những biển quảng cáo cũng góp phần để tạo nên một “bẫy cảnh quan”.
Điểm bế tắc
Cây xanh ảnh hưởng lên môi trường đô thị theo nhiều cách rất tinh tế. Chúng tác động lên luồng không khí tự nhiên, thu thập những tác nhân ô nhiễm lắng đọng lên bề mặt. Tất cả những tác động này đều diễn ra trên một quy mô lớn và khó có thể đo đạc, đánh giá chính xác.
Khi không khí đem các tác nhân ô nhiễm đập vào những bề mặt bất kỳ trong đô thị, chúng cố gắng bám lại trên những bề mặt đó. Cây xanh tạo ra một bề mặt xốp lớn nên chúng đặc biệt hiệu quả trong quá trình bẫy các hạt gây ô nhiễm này.
Và một trong các phép đo chỉ ra cho chúng ta kết quả cây xanh giúp giảm ô nhiễm không khí chính là ước tính khối lượng chất độc hại đã bám lại trên lá cây. Tuy nhiên, những thí nghiệm này lại được thực hiện ở giữa những cánh đồng bằng phẳng, do việc đo đạc trong điều kiện đô thị là cực kì khó khăn. Chính vì vậy, những số liệu được đánh giá là không có tính thuyết phục.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu thực nghiệm ngày nay chắc chắn có thể cho chúng ta biết chính xác lượng chất ô nhiễm bám dính trên lá cây. Tuy nhiên, sẽ là không hề dễ dàng một chút nào để dùng con số đó ước lượng một cách thuyết phục xem liệu nồng độ chất ô nhiễm trêm mỗi mét khối không khí đã thay đổi bao nhiêu nhờ chúng.
Một số chất ô nhiễm như NO2 được thải ra bởi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch của con người trong bầu khí quyển. Ozone, một chất ô nhiễm đáng chú ý khác sinh ra từ quá trình phản ứng của Oxyt Nitơ với khói thải của các dung môi như xăng dầu. Như vậy, Ozone sinh ra cũng là kết quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Đặc biệt là khi thời tiết nóng bức và mùa hè cung cấp thêm ánh sáng Mặt Trời cường độ lớn giúp xúc tác phản ứng nhanh hơn. Nếu không khí yên lặng và thiếu chuyển động, các chất ô nhiễm sẽ không bị pha loãng vào bầu khí quyển toàn cầu. Điều đáng nói là cây xanh cũng phát hành những hoá chất có khả năng phản ứng với Oxyt Nitơ tạo thành Ozone. Đôi khi, số lượng này đủ để tạo sự khác biệt ở các khu vực đô thị.
Quá trình sản sinh Ozone trong môi trường đô thị.
Nếu nói trên tác động tích cực, cây xanh là đối tượng chiếm không gian. Nghĩa là nó tạo ra một khoảng trống lớn như công viên hay vườn tược, ở đó nồng độ chất ô nhiễm trong không khí thường thấp. Điều này cung cấp một yếu tố then chốt trong ý tưởng pha loãng mức độ ô nhiễm tổng thể. Đã từng có nghiên cứu sử dụng những cấu trúc nhà cao tầng để dẫn sự ô nhiễm ra khỏi những con đường đông đúc.
Nhìn một cái cây mà không thấy cả khu rừng
Khi nói về những nghiên cứu về tác dụng của cây xanh lên ô nhiễm đô thị, phải nhắc lại rằng chưa từng có một nghiên cứu tổng thể nào có thể đặt các mảnh ghép lại với nhau. Những thí nghiệm lẻ tẻ tại nhiều địa điểm, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau và đem lại nhiều kết quả khác nhau. Chúng ta không thể kết luận khi xem xét chúng.
Để có thể thực hiện một nghiên cứu dứt khoát cho câu hỏi liệu cây xanh ảnh hưởng như thế nào đến ô nhiễm đô thị, chúng ta phải sử dụng một trong hai điều kiện đặc biệt. Hoặc là thực hiện các phép đo ở cùng một đô thị, trước và sau khi trồng cây xanh, hoặc là tìm hai điều kiện đô thị giống hệt nhau chỉ khác là một có cây xanh còn nơi còn lại thì không. Có thể thấy, cả hai ý tưởng đều rất tốn kém và khó khăn để thực hiện ở các đô thị bận rộn, liên tục có các biến số thay đổi.
Vì vậy, như đã nói ở đầu, thật thiếu suy nghĩ mới kết luận một cách vội vã rằng cây xanh có thể cải thiện chất lượng không khí đô thị dựa trên vài nghiên cứu lẻ tẻ. Đầu tiên, anh phải xem xét liệu thí nghiệm ấy có được thực hiện trong điều kiện giống với cách không khí phân tán trong đô thị không, nên nhớ điều này phụ thuộc rất tinh tế vào cảnh quan.
Anh phải xem xét bản chất của quá trình loại bỏ nồng độ ô nhiễm khỏi không khí nhờ lắng đọng, và rồi hỏi xem liệu thí nghiệm đã tính đến quá trình pha loãng và tác nhân hóa học khí quyển chưa. Cuối cùng, anh phải tham khảo một nghiên cứu tổng thể với cách tiếp cận có hệ thống nhất để đưa ra kết luận.
Đừng vội kết luận "xanh là sạch".
Điều cuối cùng, giả sử như cây xanh không hề làm giảm sự ô nhiễm không khí, câu hỏi liệu thành phố có nên trồng cây hay không vẫn tương tự như hỏi rằng liệu một bộ đồ có cần người ở trong. Cây xanh là cần thiết cho đô thị nhưng vai trò của nó có thể khác hoàn toàn cách mà những nhà hoạch định chính sách đang suy nghĩ.
Thay vì quan tâm đến số lượng động cơ đốt nhiên liệu hóa thạch có trong thành phố, chúng ra lại tin rằng cây xanh đang làm chất lượng không khí trong thành phố tốt đẹp hơn. Phải nhắc lại rằng chưa hề có nghiên cứu tổng thể nào cho vấn đề này, vậy mà tất cả mọi người đã vội vã đi vào một lối mòn.