Thứ tư, 03/07/2024 17:30:10   

TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN - KỸ THUẬT TỔNG HỢP HƯỚNG NGHIỆP QUẬN Ô MÔN


   Nhìn lại chặn đường đã qua

                                                                                Giám đốc: Nguyễn Văn Bi

          

                                                


     1/ VÀI NÉT VỀ TRUNG TÂM GDTX-KTTH-HN QUẬN Ô MÔN:

Tiền thân của Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp quận Ô Môn ngày hôm nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ô Môn (cũ), được thành lập tháng 10 năm 1993 theo Quyết định số 1965/QQĐ.UBT.93 ngày 06/10/1993 do Chủ tịch UBND Tỉnh Cần Thơ ký (nay là thành phố Cần Thơ).

Do phân chia địa giới hành chính và sáp nhập cơ quan, tính đến nay Trung tâm đã 4 lần đổi tên.

- Tháng 10/1993 đến 12/2003: Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện ÔMôn, trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Ô Môn.

- Tháng 01/2004 đến 12/2005: Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn, trực thuộc Phòng GD&ĐT quận Ô Môn.

- Tháng 01/2006 đến 12/2009: Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn, trực thuộc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ.

- Tháng 01/2010 đến nay: Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp quận Ô Môn, trực thuộc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ.

* Các nhiệm kỳ Giám đốc của Trung tâm:

- Tháng 10/1993 đến 03/2000: Ông Nguyễn Hùng Dũng, nay là Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn.

- Tháng 03/2000 đến 12/2003: Ông Trần Ngọc Nghị, nay là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ.

- Tháng 01/2004 đến nay: Ông Nguyễn Văn Bi, hiện đương nhiệm Giám đốc Trung tâm

* Nhân sự và cơ sở vật chất của Trung tâm qua các giai đoạn:

- Từ ngày thành lập (tháng 10/1993) Trung tâm chỉ có 5 thành viên gồm 1 Giám đốc và 4 nhân viên. Đội ngũ giáo viên cơ hữu chưa có, tất cả đều phải thỉnh giảng từ các trường Trung học phổ thông. Cơ sở vật chất chỉ vỏn vẹn có 01 phòng làm việc nằm chung trong phòng GD&ĐT Ô Môn, tất cả các lớp học từ BTVH đến các lớp liên kết đào tạo, bồi dưỡng đều phải thuê, mượn khắp nơi trong Thị trấn Ô Môn lúc bấy giờ (các trường tiểu học, THCS, THPT, PT DTNT, Trung tâm KTTH-HN, hội trường phòng GD&ĐT...)

- Mãi đến tháng 12/2001 Trung tâm mới được đầu tư xây dựng khá khang trang và khá đủ các trang thiết bị phục vụ dạy-học. Nhân sự lúc bấy giờ cũng đã tăng lên 08 người, bước đầu đảm bảo cho các hoạt động của Trung tâm.

- Hiện nay cơ sở vật chất đã ổn đinh với 09 phòng học, 1 thư viện, 1 phòng thí nghiệm thực hành dùng chung, 1 phòng dạy tin học/25 máy tính, 1 phòng giảng dạy bằng CNTT, 1 hội trường và đủ các phòng làm việc cho bộ phận hành chính. Nhân sự cũng đã tăng lên được 16 người, gồm 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 8 giáo viên cơ hữu, 3 nhân viên hành chính, 2 nhân viên bảo vệ và 1 tạp vụ. Cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu quản lý và tổ chức các loại hình lớp học hàng năm.

2/ CÁC HOẠT ĐỘNG THỜI GIAN QUA:

Những năm đầu mới thành lập, mặc dù rất khó khăn về cơ sở vật chất và nhân sự, nhưng với sự quyết tâm vượt khó đã đem lại cho Trung tâm nhiều thành tích đáng tự hào.

* Giai đoạn 1993-2003:

-  Công tác xóa mù chữ và bổ túc tiểu học:

Trong 10 năm Trung tâm đã huy động được 10.862 học viên ra học xóa mù chữ các mức 1,2,3; trong đó số học viên mức 3 là 3.233 học viên, và được công nhận xóa mù là 1.435 học viên.

Số học viên thoát dốt được tiếp tục học mức 4,5 cùng với huy động thêm đã nâng tổng số lên được 3.962 học viên; trong đó đã thi tốt nghiệp bổ túc tiểu học đạt 2.467 học viên.

Thành tích trên góp phần cho huyện Ô Môn (cũ) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về công tác CMC-PCGDTH vào năm 1997.

- Công tác Bổ túc văn hóa:

Tổng số học viên bổ túc THPT sau 10 năm huy động được là 4.377 học viên. Nếu năm 1993 tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT chỉ 16,3% thì năm 2003 tỷ lệ ấy là 80%.

Nếu như năm học 1993-1994 chỉ huy động được 175 học viên Bổ túc THPT thì đến năm học 2002-2003 Trung tâm có 1.012 học viên theo học.

Đối với bổ túc THCS, trong 10 năm Trung tâm đã huy động được 5.542 học viên, trong đó dự thi tốt nghiệp 5.177 học viên. Tỷ lệ thi đỗ bình quân dạt 79,3%.

Với thành tích ấy đã góp phần nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ công chức và người dân trên địa bàn huyện Ô Môn lúc bấy giờ..

- Công tác đào tạo và bồi dưỡng:

+ Công tác đào tạo:

Trong 10 năm (1993-2003) Trung tâm liên kết với trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ đào tạo được 291 giáo viên Mầm non (hệ 9+3 và 12+2); 643 giáo viên Tiểu học (hệ 12+2) và 165 giáo viên THCS (hệ 12+2), góp phần làm giảm bớt khó khăn cho huyện Ô Môn cũ trong tình hình thiếu giáo viên các cấp lúc bấy giờ.

+ Công tác bồi dưỡng:

Song song với nhiệm vụ đào tạo giáo viên, Trung tâm còn có nhiệm vụ phải tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì xác định được mục tiêu nhiệm vụ, nên trong 10 năm Trung tâm đã liên kết với trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ tổ chức nhiều loại hình lớp nhằm chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên của huyện.

Mục tiêu trước tiên là chuẩn hóa cho giáo viên tiểu học, vì nhiều giáo viên tiểu học trước đây được đào tạo cấp tốc hoặc ngắn hạn. Kết quả sau 7 năm (1993-2000) đã chuẩn hóa hệ 9+3 và 12+2 cho 950 giáo viên tiểu học (trong đó hệ 12+2 là 219 giáo viên).

Mục tiêu tiếp theo là chuẩn hóa cho giáo viên Mầm non và THCS. Sau 10 năm vừa tổ chức lớp tại huyện vừa quy hoạch cử đi học tại trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ, đã bồi dưỡng chuẩn hóa cho 65 giáo viên Mầm non và 158 giáo viên THCS.

Sau khi đã cơ bản chuẩn hóa đội ngũ, nhiệm vụ tiếp theo của Trung tâm là bồi dưỡng vượt chuẩn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên của huyện. Trong 10 năm số giáo viên được bồi dưỡng vượt chuẩn như sau:

. Hệ cao đẳng tiểu học: 551 giáo viên.

. Hệ cử nhân tiểu học từ xa: 274 giáo viên (khóa I)

. Đại học đối với giáo viên THCS: 266 giáo viên.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn Nhạc, Họa, Thể dục ở các trường tiểu học; Trung tâm đã liên kết với trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ bồi dưỡng cho 54 giáo viên Nhạc, 76 giáo viên Họa và 74 giáo viên Thể dục với trình độ sơ cấp để đáp ứng yêu cầu giảng dạy đủ 9 môn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Với yêu cầu làm tốt công tác quản lý trường học đòi hỏi người cán bộ quản lý phải có nghiệp vụ nhất định nên từ năm 1995 đến năm 1999 Trung tâm  tổ chức được 4 lớp cán bộ quản lý giáo dục, bồi dưỡng cho 277 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cốt cán các trường trong huyện, từ đó công tác quản lý trường học ngày càng đi vào chất lượng và hiệu quả hơn.

Công tác Bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 1992-1996 và 1997-2000 cũng luôn được Trung tâm quan tâm làm tốt và kết quả học tập đạt yêu cầu, được Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình như sau:

. Chu kỳ 1992-1996: + Giáo viên tiểu học đạt 1.002/1026 – Tỷ lệ 97,6%

                                     + Giáo viên THCS đạt 272/281 – Tỷ lệ 96,7%

. Chu kỳ 1997-2000: + Giáo viên mầm non đạt 135/142 – Tỷ lệ 95,1%

 + Giáo viên tiểu học đạt 1.230/1.243 – Tỷ lệ 94,8%

 + Giáo viên THCS đạt 365/391 – Tỷ lệ 93,3%

* Giai đoạn 2004 đến nay:

Mặc dù sau khi chia tách địa giới hành chánh, địa bàn quận Ô Môn nhỏ lại, đối tượng giáo dục thường xuyên ít đi, nhưng với chức năng và nhiệm vụ Giáo dục thường xuyên cùng song hành với Giáo dục phổ thông, góp phần làm cho giáo dục của địa phương ngày càng phát triển không ngừng. Qua 5 năm hoạt động, Trung tâm đã đạt được những kết quả như sau:

- Công tác Bổ túc văn hóa:

Từ năm 2004 đến 2012 Trung tâm đã huy động được 1.082 học viên bổ túc THCS, 2.008 học viên bổ túc THPT và 687 học sinh phổ cập bậc trung học.

Giai đoạn này tuy số lượng huy động học sinh bổ túc THPT không nhiều (do chia tách địa bàn quận, huyện) nhưng với vai trò và nhiệm vụ, Trung tâm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng có nhu cầu đều tham gia học tập tốt.

Kết quả tốt nghiệp bổ túc THPT những năm gần đây tuy chưa đạt yêu cầu đề ra, nhưng với sự cố gắng phấn đấu nên tỷ lệ tốt nghiệp có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực (năm 2010 tỷ lệ 20,6%; năm 2011 tỷ lệ 68,2%; năm 2012 tỷ lệ 71,5%)

- Công tác đào tạo và bồi dưỡng:

Phát huy thành tích những năm trước, từ năm 2003 đến 2005 Trung tâm tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng vượt chuẩn cho 75 giáo viên mầm non hệ 12+2, 172 giáo viên tiểu học hệ cao đẳng tiểu học và 169 giáo viên tiểu học hệ cử nhân tiểu học từ xa (khóa II).

Năm 2006 tiếp tục mở khóa III cử nhân tiểu học từ xa cho 103 giáo viên tiểu học của quận, kết quả tốt nghiệp tháng 12/2009 đỗ 100%

Năm 2009 liên kết với Trường Đại học Mở TP.HCM mở 1 lớp đại học Kinh tế-Luật cho 223 học viên là cán bộ, công chức và người dân tham gia học tập.

Từ năm 2004 đến 2009 huy động được 1.068 học viên CCA và 197 học viên CCB tin học; 39 học viên CCA tiếng Anh và 78 học viên CCB tiếng Anh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Ngoài ra còn tổ chức bồi dưỡng cho trên 300 giáo viên về sử dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng và phổ cập tin học cho trên 100 giáo viên ở các trường học.

3/ THÀNH TÍCH ĐÃ ĐẠT:

            - Năm học 1993-1994 đến 1994-1995: Bằng khen của UBND Tỉnh.

            - Năm học 1995-1996 đến 1999-2000: Bằng khen của Bộ GD&ĐT.

            - Năm học 2000-2001: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

            - Năm học 2002-2003 đến 2004-2005: Bằng khen của UBND Thành phố.

            - Năm học 2005-2006 đến nay: Giấy khen của Sở GD&ĐT.

 Phát huy những thành tích đã đạt được, năm học 2012-2013 và những năm tiếp theo Trung tâm GDTX-KTTH-HN quận Ô Môn tiếp tục thực hiện chức năng đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: Bổ túc THPT, liên kết mở các lớp Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; các lớp đại học từ xa; các lớp tin học, ngoại ngữ trình độ A,B... nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân góp phần xây dựng xã hội học tập.

            Để Trung tâm GDTX-KTTH-HN quận Ô Môn làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay góp phần phát triển hơn nữa phong trào giáo dục của quận, rất mong sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo; sự hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở giáo dục có liên quan, nhằm xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và Chỉ thị 04-CT/TU của Thành ủy Cần Thơ.