Tin tức : (Phòng Giáo dục & Đào tạo Huyện Cukuin)/Tin tức - Sự kiện
Bạo lực học đường kiểu mới, nỗi ám ảnh của học trò hôm nay
Ngày đăng : 08-04-2017
(GDVN) - Không chỉ là hành động đánh nhau trên lớp, bạo lực học đường ngày nay còn có một hình thức mới, đó là thóa mạ nhau trên mạng xã hội.
Mạng xã hội – công cụ mới gây ức chế tinh thần
“Hồi lớp 7, lớp em có đi tham quan, trong lúc lơ đễnh em bị một bạn trong lớp chụp lại cảnh đang ngủ trên xe rồi đăng tải bức ảnh đó lên trên mạng cùng những lời lẽ không hay. Em đã bật khóc ngay khi nhìn thấy tấm ảnh vì cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.”- K.L, một học sinh ở Hà Nội chia sẻ.
Bạo lực học đường ngày nay không chỉ bó hẹp ở những hành động đánh, chửi nhau trên lớp mà đã phát triển thêm hình thức tinh vi hơn, đó là sử dụng mạng xã hội làm “sân đấu” lăng mạ nhau.
Lăng mạ qua mạng xã hội là bạo lực học đường kiểu mới. |
Nếu như trước kia, chuyện ứng xử học đường chỉ xảy ra khi đến trường lớp thì ngày nay, vấn đề này càng trở nên đáng sợ hơn khi chúng đeo bám các học sinh về tận nhà.
Từng là một nạn nhân của việc thóa mạ trên mạng xã hội, Phi Long (17 tuổi) chia sẻ đó là khi mới vào lớp 10, không biết đã làm phật lòng bạn nào mà trên lớp bỗng có những câu chuyện hoàn toàn sai sự thật về Long.
“Nào là nhà em chạy tiền để em vào được trường cấp 3, rồi nói em “béo như lợn”, xấu tính và còn rất nhiều chuyện kinh khủng nữa.
Có lẽ em vẫn sẽ chịu đựng được nếu những chuyện “dèm pha” đó chỉ ở yên trong lớp học.” – Long chia sẻ với tâm trạng nặng nề hơn khi nghĩ lại chuyện cũ.
Chỉ một thời gian sau, những lời nói xấu cậu học sinh 17 tuổi bị đăng tải lên Facebook.
Long cho biết: “Lúc đó có hàng trăm người chửi bới em mà chẳng cần biết chuyện đúng hay sai sự thật. Đấy cũng là lúc em không thể chịu nổi và lâm vào trầm cảm”.
Kinh khủng hơn, nhiều học sinh đã phải bỏ mạng vì bị thóa mạ trên Facebook. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên chuyện em N.T.A.T (15 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi clip nhạy cảm của em với bạn trai P.Đ.L bị tung lên Facebook.
Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra chỉ vì hành động thiếu ý thức. |
Đây mới chỉ là một vài trong rất nhiều câu chuyện trong vấn đề bạo lực học đường qua mạng xã hội.
Gia đình, nhà trường là yếu tố then chốt
Có thể nói, gia đình và nhà trường là hai nhân tố chính ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh. Đặc biệt là khi các em đang trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần, hai nhân tố này có ý nghĩa quyết định rất lớn.
Với trường hợp của Phi Long, em may mắn khi nhận được sự trợ giúp tích cực của gia đình và bạn bè. Khi nhận thấy con trai bị suy sụp tinh thần, gia đình đã quyết định xin cho Long nghỉ 3 tháng để em lấy lại tinh thần.
Một số bạn thân của Long ở trên lớp cũng giúp đỡ em bằng cách đề nghị gỡ ngay bài viết sai sự thật, đăng lại bài đính chính và thường xuyên đến chơi cùng Long.
Tuy vậy, nhiều học sinh không có được sự thấu hiểu của cha mẹ. Một số phụ huynh vẫn giữ lối suy nghĩ mạng xã hội chỉ là “ảo”, tự tử chỉ vì một vài dòng chữ là yếu đuối, hèn nhát.
K.L cũng kể: “Em từng đề cập chuyện bị bạn bè đăng ảnh xấu lên mạng với bố mẹ nhưng họ em chỉ bảo đó chỉ là một tấm ảnh, không đáng để quan tâm. Từ đó em cũng ít khi kể chuyện trường lớp với bố mẹ”.
Mạng xã hội đã không còn là “ảo”. |
Nhà trường cũng là một yếu tố then chốt trong việc ngăn chặn hành vi lăng mạ “kiểu mới”.
Trong buổi đối thoại với học sinh Sài thành, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường.
"Thầy cô phải quan tâm đến học sinh ở nội dung này, phát hiện kịp thời những nội dung tiêu cực để giải thích, uốn nắn các em kịp thời.
Chính bản thân học sinh cũng cần học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, biết phản bác cái sai trái, xấu xa", ông Sơn nói.
Bác sĩ trị liệu tâm lý y khoa Trương Chí Thông cho rằng bị bạo hành và xúc phạm là một khủng hoảng trầm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên. Các em cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần.
Các bước cơ bản đề giải quyết khủng hoảng tâm lý. |
Với những trường hợp này, các em cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh, thậm chí họ luôn túc trực và ngủ chung để các em không làm điều dại dột.
Bước tiếp theo là cách ly nạn nhân khỏi môi trường có liên quan đến sự việc xảy ra.
“Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bất cứ lúc nào cũng có thể có điều tồi tệ, bất công xảy ra và dạy trẻ cách ứng phó với nó.
Gia đình và nhà trường cần chú trọng điều này, nếu nhà trường chưa làm được thì gia đình phải là trường học đầu tiên cho các em về kỹ năng sống.”- bác sĩ Thông khuyên
Ảnh, bài: Lê Thanh Huyền (http://giaoduc.net.vn)
Các tin khác
- 150.000 chữ ký ủng hộ đội mũ bảo hiểm chất lượng (23/09/2014)
- Quỹ Nhân ái hỗ trợ nóng 10 triệu đồng đến cậu bé 'muốn được cõng mẹ...' (23/09/2014)
- Hướng đến nền giáo dục thực học (23/09/2014)
- Đề xuất xây nhà vệ sinh 2 tỷ đồng: Phụ huynh “phản pháo” (23/09/2014)
- Hơn 12 triệu đồng đến với người mẹ mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối (23/09/2014)
- 1.000 suất học bổng tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng tới sinh viên nghèo vượt khó (23/09/2014)
- Tá hỏa với bảng cửu chương theo phép tính… cộng (23/09/2014)
- Dự thảo sửa đổi quy định về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông (20/03/2017)
- Trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị (20/03/2017)
- Khai mạc Kỳ thi học sinh giỏi Thể dục thể thao năm học 2016- 2017 (21/03/2017)
- Đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo làm chương trình mới (24/03/2017)
- Hiệu trưởng trường ĐH Harvard: Học để đối mặt với mọi thay đổi (24/03/2017)
- Có học trò dốt không? (26/03/2017)
- Ở Mỹ, giáo viên có dạy thêm không? (26/03/2017)
- Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên (06/04/2017)
- Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (lần 2) (11/05/2017)
- Bỏ tiêu chí thi đua sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên (17/05/2017)
- Trao giải gần 200 bài giảng điện tử trên toàn quốc (11/06/2017)
- Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới (11/06/2017)
- “Làm lãnh đạo cấp dưới thì phải tuân lệnh cấp trên" (11/06/2017)