Tin tức : Khuyến học - Gương sáng

Cây cầu mang tên một cô giáo

Ngày đăng : 25-02-2016

 

 

Chiếc cầu mang tên cô giáo Oanh bắc qua dòng suối cắt ngang bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An.
Chiếc cầu mang tên cô giáo Oanh bắc qua dòng suối cắt ngang bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Con đường vào xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lầy lội, ngập ngụa trong bùn đất nhão quánh. Những vệt bánh xe tải trọng lớn chở gỗ từ Lào về in hằn thành những hào, những rãnh trên mặt đường. Dẫu sao đây cũng là con đường rút ngắn khoảng cách của xã nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển với trung tâm huyện Kỳ Sơn. “Cách đây phải đến 15 năm đường vào đây còn xấu lắm, đi bộ cả ngày trời mới vào đến nơi. Ngày đó đường chưa có, cầu cũng chưa có, thầy cô giáo phải lội suối cõng học trò đi học đấy”, ông Già Tồng Thù – Phó Công an xã Na Ngoi nhớ lại.

Đường vào bản Buộc Mú 2 đi qua một cây cầu dài hơn 50m, tôi khá ngạc nhiên khi chiếc cầu bắc qua suối có cái tên không giống với nhiều cây cầu ở những bản làng miền Tây Nghệ An đã có dịp đi qua. “Cầu mang tên cô giáo Oanh đó. Cô giáo Oanh tốt với dân bản, tốt với bọn trẻ bản ta lắm nên khi đơn vị thi công làm xong cầu, hỏi dân bản muốn đặt tên cầu là gì, cả bản thống nhất đặt tên là cầu Cô Oanh”, ông Già Xá Pia tự hào khoe về công trình đặc biệt nhất của bản.

Ông Già Tồng Thù chia sẻ những kỉ niệm về cô giáo Oanh.
Ông Già Tồng Thù chia sẻ những kỉ niệm về cô giáo Oanh.

Cô giáo mải miết cõng học trò qua suối

Năm 1997, cô Đặng Thị Oanh (SN 1976, quê Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) cùng chồng được phân công lên đây công tác. Năm 2001, cô Oanh được phân công cắm bản tại điểm trưởng bản Buộc Mú, phụ trách lớp 2. Thời đó các thầy cô giáo còn nghèo lắm, thương thầy cô, dân bản góp gạo nuôi. Vợ chồng cô Oanh ở nhờ nhà ông Già Tồng Thù, khi đó đang là Xã đội phó Na Ngoi. “Vợ chồng cô Oanh ở chung với nhà bố (người Mông đã có vợ con thường xưng mình là bố khi nói chuyện với khách - PV), ăn chung với nhà bố, dạy con bố học chữ, dạy vợ bố chăm con, giữ vệ sinh, phòng bệnh tật. Cô Oanh với vợ bố thân nhau lắm, như hai chị em ruột luôn”, ông Già Tồng Thù nhớ lại.

Na Ngoi mây phủ bốn mùa, mùa đông sương mù sà kín đường, người đi cách dăm thước đã không nhìn thấy mặt nhau. Mùa đông ở Na Ngoi nhiệt độ giao động từ 6-12 độ C, chạm vào nước cứ ngỡ bị hàng nghìn mũi kim châm vào da. Cái đói, cái nghèo, cái khổ đã ảnh hưởng rất lớn đến sự học của các em nhỏ đồng bào Mông, đồng bào Khơ - Mú nơi đây. Kéo học trò đến lớp là nhiệm vụ gian nan mà bất cứ giáo viên cắm bản nào cũng phải làm. Mùa hè còn đỡ, mùa đông, ai cũng muốn ủ mình bên những bếp lửa rừng rực cháy, việc đi học con chữ nghe cứ xa vời như chuyện ở đâu đó, không phải ở nơi bản nghèo heo hút này.

Cô giáo Oanh phải lặn lội đến từng nhà kéo học trò đến lớp. “Nước lạnh như dao cắt, cô Oanh xắn quần, cõng từng đứa qua suối đó. Cô giáo nhỏ, gầy lắm, lần lượt cõng từng đứa cho đến học sinh cuối cùng sang bờ bên kia để đến lớp học”, “bố” Thù kể. Bố có 4 đứa con thì chỉ có con bé út sinh năm 2001 là không được cô Oanh cõng đi học vì khi con bé đủ tuổi đến trường thì cô Oanh đã được chuyển về xuôi. Ngày đứa con út của ông Thù ra đời cũng là một trong những ký ức đẹp đẽ mà gia đình ông có với cô giáo cắm bản này. Ngày đó cô Oanh mới lấy chồng (chồng cô cũng là giáo viên Trường Tiểu học Na Ngoi - PV), việc sinh đẻ đối với cô giáo trẻ này mà nói cũng chưa có nhiều kinh nghiệm.

Cô giáo Oanh nhớ lại: “Người Mông thường tự sinh ở nhà. Hôm đó vợ anh Thù đau đẻ, anh Thù tự đỡ cho vợ. Gặp ca sinh khó, mãi chị vợ không sinh được. Tôi lúc đó cũng mới hơn 20 tuổi, chưa sinh đẻ lần nào nhưng cũng “liều” xắn tay vào đỡ đẻ. Cháu bé bị ngạt, chào đời thì tím tái, không khóc được. Tôi nhớ đọc được ở đâu đó cách xử lý những trường hợp trẻ sơ sinh bị ngạt nên đành liều dốc ngược cháu bé, phát mạnh vào mông. May quá, cháu nó khóc rồi thở bình thường…”.

Già Bá Mùa (SN 1997) là một trong những học sinh cũ của cô giáo Oanh. Mùa vừa tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng quyết định không đăng kí xét tuyển đại học mà về chuẩn bị nhập ngũ, trở thành người chiến sỹ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong trí nhớ của Mùa, hình ảnh của cô giáo Oanh còn rất rõ nét: “Cô Oanh tốt lắm, thương học trò lắm. Mùa đông cô cõng em qua suối đi học. Trời mưa, nước suối dâng cao cô cũng cõng qua. Nhiều hôm mỏi chân, mấy đứa không chịu đi, cô cũng cõng mà. Cô giáo dặn phải cố học, biết được nhiều cái chữ thì đỡ khổ hơn”. Nhà Mùa đông anh em nhưng nghe lời cô giáo Oanh, các anh em của Mùa đều được bố mẹ cho đi học, hết tiểu học, trung học cơ sở rồi xuống TP. Vinh học cấp 3 (Trường THPT Dân tộc nội trú số 1 Nghệ An).

Già Bá Mùa - một trong những học sinh đã từng được cô giáo Oanh cõng qua suối để đi học.
Già Bá Mùa - một trong những học sinh đã từng được cô giáo Oanh cõng qua suối để đi học.

“Tôi làm điều mọi thầy cô giáo đều làm”

Sau 6 năm công tác tại xã vùng cao Na Ngoi (trong đó có 2 năm cắm bản tại Buộc Mú 2), năm 2003, cô Đặng Thị Oanh được chuyển về gần nhà, công tác tại Trường Tiểu học Phúc Sơn (Anh Sơn). “Khi tôi về dưới này thì việc làm đường đang ở giai đoạn khảo sát, chưa thi công nên cầu cũng chưa có. Mãi sau này mới biết tên mình được đặt tên cho cây cầu. Đầu tiên là ngạc nhiên, sau cảm thấy xúc động trước tình cảm mà người dân ở Buộc Mú dành cho mình. Những gì tôi đã làm suốt thời gian 2 năm ở Buộc Mú, tôi nghĩ tất cả những thầy cô giáo cắm bản khác đều làm như thế, thậm chí là làm nhiều việc ý nghĩa hơn thế. Tình cảm, sự trân trọng của đồng bào Mông ở vùng biên giới Na Ngoi luôn thôi thúc tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác”, cô giáo Oanh tâm sự.

Tôi chợt nghĩ đến cảnh, khắp đất nước mình, ở những bản làng hẻo lánh xa xôi nhất, những cây cầu được đánh số sẽ được thay thế bằng những cái tên của các thầy cô giáo cắm bản như cô Tâm, cô Thắm, thầy Mạnh, thầy Tuấn… Để ở những nơi đó, các thầy cô giáo vượt núi dạy chữ trồng người sẽ luôn là một tượng đài trong lòng nhân dân.

Hoàng Lam

Hoàng Lam

Xem thêm...
Niềm vui ngày khai trường
Heo ham ăn