Ngày đăng : 29-10-2014
Nếu ai có dịp ghé tới thôn Jiang Cách (xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) hỏi thăm nhà thầy Hoàng Văn Giới (sinh năm 1979) có mở lớp dạy thêm miễn phí, thì sẽ nhận được sự chỉ dẫn tận tình và vô số lời khen ngợi của người dân địa phương dành cho người thầy “tàn nhưng không phế”, bởi thầy đã giúp rất nhiều học sinh nơi đây học tốt hơn bằng chính lòng nhiệt thành của mình.
Thầy Giới chuyển từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Nông vào năm 2005, và xin công tác tại trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Nam Nung, huyện Krông Nô). 4 năm sau, vào một ngày định mệnh, khi trên đường đi dạy trở về nhà, thầy Giới bị tai nạn giao thông và bị liệt cả hai chân phải ngồi xe lăn. Từ đây sự nghiệp trồng người của thầy tưởng chừng phải khép lại, vì thầy không thể tới trường dạy học.
“Sau tai nạn tôi biết mình bị liệt, vợ đang mang thai, còn mẹ tôi thì già yếu tôi trở nên thế này lại làm cả gia đình phải bận tâm, chăm sóc và cả một gánh nặng về kinh tế nên không ít lần tôi nghĩ quẩn. Nhưng may mắn tôi được vợ và gia đình động viên, an ủi nên đã vượt qua được tất cả”, thầy Giới chia sẻ.
Không được đi dạy, thầy Giới nhớ nghề da diết và vẫn luôn muốn được cống hiến khả năng của mình cho thế hệ học trò, thấy vậy nên vợ thầy - chị Sầm Thị Liên đã gợi ý và cùng chồng dựng lớp, dạy kèm các hàng học sinh tiểu học trong xóm.
Lúc mới mở lớp, chỉ có vài học sinh là họ hàng tới học, nhưng dần dần tiếng tăm của thầy Giới lan truyền, bà con trong xóm đều gửi con tới học, lớp học cứ vậy đông dần học sinh, có khi lớp học lên tới trên 20 học sinh. Thầy Giới cũng xin phép chính quyền địa phương khi mở lớp, được sự đồng ý, thầy chính thức mở lớp dạy học miễn phí.
Do lớp chật chội, không đủ chỗ cho học sinh học nên họ hàng nhà thầy Giới đã mượn tạm căn nhà nhỏ và bàn ghế được phụ huynh đóng dùm vài bộ nên lớp học đã khang trang hơn.
Lớp học của thầy Giới chủ yếu là các học sinh nghèo trong xã, có học lực Yếu và Trung bình. Qua lớp của thầy nhiều học sinh có sự tiến bộ rõ rệt, đạt học lực Khá, Giỏi khiến nhiều phụ huynh rất vui mừng.
Anh Lương Sơn Sẩy, có con theo học lớp 3 được thầy Giới kèm cặp từ năm lớp 2 và việc học tập được cải thiện rõ rệt: “Con trai tôi năm vào lớp 1 học lực yếu, từ tính toán đến tiếng Việt, chính tả, chữ viết đều rất kém, từ khi xin thầy Giới vào học, thấy học hành khác hẳn, cháu đạt được học sinh Khá, khiến cả gia đình tôi rất vui và biết ơn thầy giáo Giới”, anh Sẩy phấn khởi cho biết.
Nhiều phụ huynh cũng nghề nghị thầy thu học phí để bồi dưỡng cho thầy. Tuy nhiên, thầy Giới đều từ chối và cho biết “thầy chỉ dạy cho đỡ nhớ nghề, và giúp các cháu học tập mà thôi, chứ tiền bạc thì không nhận”, anh Sẩy nói thêm.
Chị Hoàng Thị Lan, phụ huynh học sinh học tại lớp của thầy Giới chia sẻ: “Thầy rất nhiệt tình và tận tâm với tất cả học sinh trong lớp, phụ huynh có nộp học phí thầy Giới cũng nhất định không lấy, nên thỉnh thoảng các gia đình có con em theo học đem mớ rau, vài con cá hay trái cây của vườn nhà qua cho thầy”.
Được biết, hoàn cảnh gia đình thầy Giới rất khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào cà phê, từ ngày thầy Giới gặp nạn, mọi gánh nặng kinh tế đều trông chờ vào chị Liên. Chị vừa làm rẫy của gia đình rảnh là lại đi làm rẫy thuê, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
“Nhiều khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức nhưng cứ nghĩ về chồng về con lại là động lực để tôi bước tiếp, chứ không được phép dừng lại”, chị Liên chia sẻ.
Năm 2014, theo chương trình nhà đại đoàn kết, các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình thầy Giới 30 triệu đồng để xây nhà mới, vợ chồng thầy cũng gom góp thêm để xây, nhưng đang xây dở thì hết tiền, nên thầy đang làm thủ tục để vay tạm vốn ngân hàng. Tuy gia đình nghèo, nhưng việc dạy học thầy chưa bao giờ đặt nặng vấn đề kinh tế vào đó.
Thầy Đinh Quang Cường, đồng nghiệp cũ của thầy Giới cho biết: “Từ khi thầy Giới nghỉ, các thầy cô trong trường vẫn đến chơi, trao đổi về chuyên môn để thầy Giới cập nhật phương pháp mới, cho mượn sách giáo khoa, sách nâng cao. Có tài liệu hay hoặc dự được lớp tập huấn kiến thức nào bổ ích, các thầy cô đều về chia sẻ lại với thầy, thầy lại tiếp thu và truyền lại cho học sinh của mình”.
Ông Nguyễn Văn Rĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô nhận xét: “Chính quyền địa phương đánh giá rất cao những cống hiến của thầy Giới, thầy về xã đã gần 10 năm, sống nghèo mà thanh bạch. Dù bị liệt hai chân, gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn kiên trì dạy học cho các học sinh của xã và miễn phí hoàn toàn, đây là việc không phải ai cũng làm được”.