Tin tức : Hoạt động chuyên môn

HƯỚNG VỀ TRƯỜNG SA

Ngày đăng : 22-02-2018

Những cô giáo một lòng hướng về Trường Sa

3 mẹ con nhà cô giáo Bùi Việt Anh luôn là hậu phương vững chắc cho chiến sỹ, bác sĩ An Thành Vũ đang công tác ở Đảo Song Tử Tây3 mẹ con nhà cô giáo Bùi Việt Anh luôn là hậu phương vững chắc cho chiến sỹ, bác sĩ An Thành Vũ đang công tác ở Đảo Song Tử Tây

GD&TĐ - Có chồng là lính đảo Trường Sa, những cô giáo đã chấp nhận hy sinh niềm hạnh phúc riêng, kể cả những cái Tết đoàn viên bên gia đình. Ở đất liền họ vẫn một lòng hướng về biển đảo với niềm tin yêu son sắt. Những cô giáo là vợ lính Trường Sa nguyện là hậu phương vững chắc để “một nửa” yêu thương của mình vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. 

Thường xuyên đón Tết xa chồng

 Lúc nào tôi cũng gửi trọn niềm tin nơi đầu sóng, ngọn gió - ở nơi đấy có chồng, có bố của các con tôi đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Tôi sẽ là hậu phương vững chắc để anh vững vàng tay súng nơi tiền tiêu của Tổ quốc
Cô Đỗ Thị Thơm

Là vợ của chiến sỹ Phạm Văn Thường hiện đang công tác trên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hiền - Trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Năm nay anh Thường được về đất liền ăn tết lần thứ hai sau 19 năm công tác ngoài đảo.

“Năm nay cả ba mẹ con không phải đón Tết cùng bố qua facebook nữa, cả nhà sẽ được ăn bữa cơm tất niên, cùng đón chào năm mới và đi chơi Tết… Hạnh phúc thật giản dị mà ngọt ngào biết bao…” - cô Nguyễn Thị Thúy Hiền chia vui.

Chia sẻ về những năm tháng làm vợ của lính đảo Trường Sa, cô Nguyễn Thị Thúy Hiền tâm sự: “Đã là vợ lính đảo, thì phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, kể cả niềm hạnh phúc riêng và những cái Tết đoàn viên bên gia đình.

Hai lần “vượt cạn” đều không có anh ở bên, những lúc con cái, bố mẹ ốm đau anh không ở nhà một mình tôi lo toan, gánh vác… 19 năm là vợ chồng thì có tới 17 năm anh ăn Tết ở đảo.

Nếu nói không buồn, không tủi… là dối với lòng mình, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận khi được làm vợ anh. Tôi thấy tự hào vì có chồng là lính đảo Trường Sa và sẽ là hậu phương vững chắc để anh ấy an tâm công tác” - cô Nguyễn Thị Thúy Hiền trải lòng.

Chẳng thế mà cô Nguyễn Thị Thúy Hiền luôn làm tròn bổn phận dâu con trong gia đình, làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ. Cô nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi và luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà giáo để chồng không phải phiền lòng về mình.

Gặp cô Đỗ Thị Thơm - giáo viên Trường mầm non Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) những ngày áp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 mới hay, chồng cô là trung úy Nguyễn Viết Tưởng hiện đang công tác trên đảo Đá Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa.

Năm nay, ba mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hiền được đón Tết cùng chồng là chiến sỹ Phạm Văn Thường

Cô Thơm bộc bạch: “7 năm làm vợ của anh, tính hai vợ chồng chỉ được ở trọn vẹn với nhau 6 tháng. Cả hai lần chị sinh con đều không có chồng bên cạnh. Cháu lớn từ lúc tôi có bầu đến khi con được 8 tháng tuổi anh mới về. Còn cháu bé thì từ lúc có bầu đến khi con được 15 tháng tuổi anh mới được về ẵm bồng”.

Cô Đỗ Thị Thơm cũng cho biết, là vợ lính đảo nên hai vợ chồng thường xuyên đón Tết xa nhau. Anh cũng vì nhiệm vụ nên mới ở lại đón Tết cùng đồng đội bên cánh sóng. Song không vì thế mà cô thấy cô đơn, buồn tủi, trái lại cô còn thấy tự hào về chồng vì đã góp một phần bé nhỏ để bảo vệ biển đảo quê hương.

Đón Tết cùng chồng qua điện thoại

Còn cô giáo Bùi Việt Anh - giáo viên tiếng Anh trường THCS Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) vợ của bác sĩ An Thành Vũ đang công tác Đảo Song Tử Tây bộc bạch: “Đây là năm đầu tiên hai vợ chồng ăn Tết xa nhau. Chồng cô nhận nhiệm vụ ra đảo công tác hồi tháng 10/2017, cả đi cả về là 14 tháng.

“Tết này cũng thấy trống trải vì thiếu vắng “trụ cột” của gia đình nhưng có là gì so với những người vợ, những đồng nghiệp khác khi họ phải thường xuyên đón Tết xa chồng. Chúng tôi vẫn có thể đón Tết cùng nhau qua điện thoại, qua những dòng tin nhắn. Vì thế Trường Sa gần lắm không xa đâu….!” - cô giáo Bùi Việt Anh chia sẻ.

Năm nay, cô Nguyễn Thị Vân Anh lại đón Tết cùng chông qua điện thoại và tin nhắn

Ngồi nhẩm tính, cô Bùi Việt Anh cho biết: Khi anh ấy ra đảo, con gái nhỏ đang học lớp 5, khi bố về, con đã học được học kỳ của lớp 6 được 1 học kỳ. Còn con đã là sinh viên đại học năm thứ nhất.

“Tôi vẫn nhắn nhủ với anh ấy rằng, hãy yên tâm công tác, ở nhà đã có vợ lo chuyện gia đình. Ngày anh về nhớ mang theo một kho tư liệu về Trường Sa để vợ giới thiệu cho học sinh” - cô Bùi Việt Anh cười hiền.

Với cô Nguyễn Thị Vân Anh - giáo viên trường THPT Lê Thánh Tông (Hà Nội), Tết này lại là một Tết xa chồng. Chồng cô là chiến sỹ Lê Văn Đồng hiện đang công tác tại vùng 4 Hải quân thuộc quần đảo Trường Sa. Đây không phải là lần đầu tiên cô đón Tết xa chồng vì thế nỗi nhớ nhung cũng vơi bớt phần nào.

“Qua điện thoại, chồng tôi kể rất nhiều về ăn Tết ở đảo. Cũng đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ. Không khi vui xuân, đón Tết ngập tràn đất đảo. Biết được thông tin như vậy, tôi cũng an tâm.

Thế đấy, là vợ của lính đảo chắn chắn sẽ có những cái Tết qua điện thoại. Đôi khi nghĩ cũng thấy hay, thấy ngôn tình và cổ tích dễ mấy cặp vợ chồng nào có được” - cô Nguyễn Thị Vân Anh dí dỏm nói.

Minh Phong

NGUỒN

Xem thêm...
Niềm vui ngày khai trường
Heo ham ăn