Thứ ba, 19/11/2024 18:40:59
Nỗi niềm của giáo viên về đánh giá trò tiểu học

Ngày: 04/03/2015


giáo viên, đánh giá, Thông tư 30, tiểu học
Một giờ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Vinh, Nghệ An), nơi áp dụng cách đánh giá theo Thông tư 30 từ trước năm học 2015 - 2016. Ảnh: Hạ Anh
  • Ai ai cũng đua nhau lập danh sách học sinh được khen thưởng cho “bằng vai phải lứa”

Nhiều giáo viên còn mang nặng tư duy cũ, thích thành tích nên chưa thể thay đổi kịp theo yêu cầu mới của Thông tư 30. Để khống chế tối đa số lượng học sinh được khen thưởng, có trường quy định mức trần không quá 50% tổng số học sinh trong lớp được bình bầu. Nhưng nhiều trường, cứ để giáo viên tự do lựa chọn nên con số học sinh được khen lên tới hơn 90% tổng số học sinh của lớp.

Theo lý giải của một số hiệu trưởng: “Khen thưởng nhiều như thế, để tránh sốc cho phụ huynh, bao nhiêu năm con cái người ta đạt học sinh giỏi. Giờ một lớp nếu chỉ xét dăm em thì khó quá…”.

Thế là hầu như học sinh nào cũng được khen, không khen về học tập, lại được khen về năng lực hay phẩm chất... Mặc dù Thông tư 30 nêu rõ những học sinh được khen thưởng phải là những em đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác …

Nhưng nhiều giáo viên cũng chỉ dựa vào vài điểm kiểm tra định kỳ các em vừa đạt được để làm căn cứ. Học sinh kiểm tra được 10 điểm tiếng Việt có khi điểm 9 là lấy làm căn cứ chính để khen đạt thành tích học tập môn tiếng Việt, môn Toán hay môn tiếng Anh mà để đạt được điểm 9, 10 ở tiểu học lại quá dễ.

Vì thế số lượng học sinh đạt điểm 9, 10 mỗi lớp cũng trên hai chục em. Nếu căn cứ theo tinh thần Thông tư 30 để xét, một học sinh được khen từng mặt hoặc từng môn phải có thành tích nổi bật ở môn học đó, như thế số lượng học sinh đạt được không phải là dễ, một lớp cũng chỉ vài em hoặc dăm em là cùng.

Một số giáo viên đồng tình ở cách đánh giá: “Chỉ nên xét chọn những học sinh thật sự xuất sắc, con số chỉ dừng lại vài em một lớp thì việc khen thưởng mới có giá trị. Mình trao tờ giấy khen cũng thấy vui”.Nhưng phần lớn giáo viên mang tâm lý lớp có nhiều học sinh được khen là giáo viên dạy giỏi, trường có nhiều học sinh nổi trội là trường có tiếng… nên ai cũng thích học sinh lớp mình, trường mình được khen nhiều và họ cho phép mình dễ dãi trong cách đánh giá. Lớp khen thưởng gần hai chục em, lớp chỉ có vài em thì khó coi quá. Thế là, ai ai cũng đua nhau lập danh sách học sinh được khen thưởng cho “bằng vai phải lứa”.

Để thay đổi một quy định hay một chương trình dạy học thì dễ nhưng thay đổi được nếp nghĩ cũ, hoàn toàn không dễ chút nào. Thiết nghĩ, sau Thông tư 30 cần phải có sự hướng dẫn chi tiết về cách bình chọn và tiêu chí để được khen thưởng tránh tình trạng lại “loạn” học sinh nổi trội hay có thành tích học tập môn…mà nhiều trường tiểu học đang áp dụng như hiện nay.

Cô giáo Hương Giang

  • Ghi học bạ "nhiều vô kể"

Mùa hè năm nay, khi được tập huấn về Thông tư 30, giáo viên chưa biết mường tượng thực hiện ra sao. Nay, khi dạy hết học kì 1 mới thấy nhiều chuyện rối rắm.

Ở những môn như: âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, kĩ thuật...chỉ dạy có 1 tiết cho 1 lớp trong tuần thì các giáo viên phải dạy đủ chuẩn 23 tiết/tuần tương đương với 23 lớp thì phải nhận xét hàng ngàn lượt trong vòng một tháng thì quả một áp lực lớn?

Chỉ cần lấy trung bình một giáo viên chuyên dạy 17 lớp/tuần thôi, mỗi lớp bình quân 40 em x 17 = 680 hs, yêu cầu đánh giá 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất thì 680 hs x 3 sẽ ra 2.040 câu nhận xét trong tháng quả là ôm không xuể (có giảm phân nửa cũng là khó là thực hiện).

Năm học này, sổ đánh giá chất lượng giáo dục các trường tiểu học nhận trễ, đến tháng 12 mới phát cho giáo viên mà tháng 8 đã nhập học rồi. Cho nên nhà trường yêu cầu giáo viên làm lại từ tháng 8 đến tháng 12, khi ráo riết làm chưa xong thì tới thi học kì 1 phải lao vào nhận xét tổng hợp học kì 1 để kịp ghi vào học bạ thì nhiều vô số kể...( tổng cộng dồn lại làm 5 tháng nhận xét và một đánh giá tổng hợp học kì 1 xem như 6 lần trong thời gian rất ngắn cho từ 15-20 lớp).

Lẽ ra, thông tư 30 có hiệu lực từ 15/10/2014 thì áp dụng từ đó về sau cho đỡ giáo viên? Ngày ngày, giáo viên làm đầu tắt mặt tối lo ghi ghi chép chép từ sáng đến chiều cả ban đêm nữa cho xong sổ thì lấy đâu thời gian mà giảng dạy, soạn giáo án...!?

Chưa kể sổ này, giáo viên viết sai làm hư một tí cũng lo âu không biết mua ở đâu vì thuộc dạng hàng hiếm.  

Chuyện giáo viên bộ môn ghi cả ngàn nhận xét thì quả không tưởng rồi. Vậy mà đến nay nhiều trường vẫn còn bệnh thành tích, bệnh hình thức tạo thêm áp lực cho người giảng dạy: có trường BGH gợi ý phải nhận xét các em bằng lời khen thôi không có phê bình chê bai gì cả thì ghi ra sao đây? Nếu ghi theo kiểu nầy thì chắc chắn các câu na ná nhau một kiểu? Có trường còn họp hội quá nhiều ngày nào cũng họp, tranh thủ cả giờ ra chơi, chưa kể giáo viên phải tham gia đủ thứ nào là các phong trào ngoại khóa, bồi dưỡng thường xuyên,dự giờ, thi gv giỏi vòng trường, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, tham gia hội giảng vòng huyện, vòng tỉnh, thi viết chữ đẹp,làm phổ cập ..vv....tốn biết bao nhiêu thời gian.

Thực tế cho thấy một giáo viên chỉ làm tốt khi đảm trách một số ít Sổ theo dõi chất lượng giáo dục mà thôi. Còn nếu nhiều quá thì không thể nào thực hiện tốt nổi.

Hy vọng qua năm học nầy lãnh đạo ngành sẽ quan tâm nghiên cứu,rút kinh nghiệm để có biện pháp thực hiện gọn gàng, nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Thầy giáo Nguyễn Hoàng

vn net
Tin liên quan