Thứ hai, 23/12/2024 13:25:39
Vĩnh Phúc: Tuyệt đối không được lạm thu

Ngày: 21/09/2017

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc quyết tâm triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà Bộ GD&ĐT đã chỉ thị. Đồng thời chỉ đạo các trường tuyệt đối không lạm thu làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng giáo dục và gây bức xúc trong nhân dân. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với thầy Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.

Vinh Phuc: Tuyet doi khong duoc lam thu - Anh 1

* Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Vậy Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm học mới?

Thầy Hoàng Minh Quân: Chúng tôi xác định 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản là khâu đột phá, có tính chất xuyên suốt, chiến lược và hội nhập quốc tế để phát triển toàn diện GD-ĐT. Trong 9 nhiệm vụ, chúng tôi xác định nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu đó là: Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Có thể nói, công tác bồi dưỡng đội ngũ là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục và toàn bộ hoạt động giáo dục của nhà trường, trong đó có cả vấn đề nền nếp.

Từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn xác định: Nền nếp tốt, chất lượng thực và hiệu quả cao. Kỷ cương, nền nếp trong trường học là yếu tố đặt lên hàng đầu trong toàn bộ hoạt động giáo dục. Vì thế, nguyên tắc của chúng tôi là lấy đánh giá đúng để làm động lực nâng cao chất lượng.

Câu này nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được đòi hỏi yêu cầu rất cao. Theo đó, mỗi thầy, cô giáo, mỗi em học sinh phải xác định chất lượng thực làm tiêu chí, làm động lực để phấn đấu và phát triển.

Ngoài ra, trong công tác bồi dưỡng chúng tôi quan tâm đến các nội dung như: Thứ nhất là bồi dưỡng nâng cao. Vấn đề này đã được thực hiện nhiều năm nay.

Hiện nay, đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học của Vĩnh Phúc đã cơ bản đạt trên chuẩn; đối với THCS có khoảng hơn 80% đạt trên chuẩn; bậc THPT người có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đạt khoảng hơn 30%.

Thứ hai là bồi dưỡng về đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Đây là chương trình bồi dưỡng có tính chất thường xuyên. Theo đó, chúng tôi đã phân loại: Giáo viên dạy các môn văn hóa; giáo viên dạy Ngoại ngữ; giáo viên dạy môn Tin học.

Riêng đối với giáo viên dạy Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), đến năm học này cơ bản đã đạt chuẩn. Chẳng hạn, giáo viên ở bậc THPT đạt trên 90% chuẩn ở trình độ C1.

Năm học 2017-2018, chúng tôi cũng đã phát động đến tất cả các giáo viên sử dụng máy tính xách tay trong dạy - học. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các lớp học và mời chuyên gia về công nghệ thông tin để bồi dưỡng cho giáo viên.

Cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi coi trọng bồi dưỡng cán bộ quản lý. Theo đó, chúng tôi phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức bồi dưỡng chương trình quản lý cho tất cả các đồng chí Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ mầm non đến THPT.

Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng để thực hiện đổi mới và phát triển giáo dục. Đối với mầm non, chúng tôi đầu tư đồ chơi ngoài trời và đồ chơi trong nhà.

Năm học 2017-2018, tất cả các trường, kể cả các điểm trường đã cơ bản được trang bị đầy đủ trang thiết bị. Đối với tiểu học, đã có 96% trường đạt chuẩn quốc gia. Ở bậc trung học, chúng tôi tập trung đầu tư, trang bị cho các phòng học bộ môn.

Song song với các nhiệm vụ nêu trên, chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề xã hội hóa giáo dục. Theo đó, chúng tôi phối hợp với Hội khuyến học tỉnh và các tổ chức xã hội khác nhằm thực hiện tốt công tác này.

* Được biết, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có chủ trương áp dụng Mô hình trường mới (VNEN). Vậy thầy, có thể nói rõ hơn về chủ trương này?

Thầy Hoàng Minh Quân: Quan điểm của chúng tôi là áp dụng linh hoạt, sáng tạo việc thực hiện mô hình VNEN phù hợp với thực tiễn của các nhà trường để đạt hiệu quả, không áp dụng máy móc theo khuôn mẫu.

Mô hình VNEN cho thấy, các hoạt động giáo dục đều lấy học sinh là trung tâm và phát huy năng lực, phẩm chất của từng em học sinh. Vấn đề còn lại là các trường và các giáo viên phải hiểu được bản chất của mô hình này để có phương pháp dạy phù hợp.

Vì thế chúng tôi quan tâm đến đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy – học và tổ chức lại lớp học chứ không nặng nề là phải bố cục trong lớp như thế nào. Đặc biệt là không thực hiện một cách máy móc, rập khuôn.

* Vấn đề được nhiều phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm đó là các khoản thu đầu năm học. Vậy Sở có chỉ đạo gì về việc này để tránh tình trạng các trường lạm thu trong năm học mới?

Thầy Hoàng Minh Quân: Thường thì đầu năm học, các trường có rất nhiều các khoản thu. Tuy nhiên, ở Vĩnh Phúc tình trạng lạm thu trong các trường học cơ bản không xảy ra. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị phân biệt rõ ràng, minh bạch các khoản thu và các loại phí, nguồn quỹ… Quan trọng nhất là thông tin tài chính phải được công khai, minh bạch và được chính quyền địa phương chấp thuận, phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Các khoản thu ở các địa bàn sẽ không đồng nhất, mỗi địa phương sẽ có các mức thu khác nhau. Chẳng hạn ở vùng nông thôn, nhiều trường học sinh chỉ cần có bình nước, thậm chí còn máy lọc để các em uống chung; nhưng ở khu vực thị xã, thành phố, phụ huynh sẵn sàng đóng góp nhiều hơn để mỗi học sinh có một chai nước đem vào phòng học.

Chúng tôi đang phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để dự kiến một mức thu chung, đảm bảo tính chất khách quan và tương đối. Qua đó vừa đáp ứng phục vụ cho học sinh, vừa đảm bảo được điều kiện khác nhau giữa các vùng, miền, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các trường, đầu năm học không được thu nhiều khoản cùng một lúc, gây khó khăn và áp lực cho các gia đình.

Xin cảm ơn thầy!

“Chúng tôi quan tâm phát triển công nghệ thông tin ở tất cả các trường học. Hiện Sở GD&ĐT đã làm Đề án “Xây dựng trường học thông minh” và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư xây dựng 38 trường trường học thông minh trên toàn tỉnh. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường” - Thầy Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.

Tác giả: Theo GD&TĐ
thvinhthinh2
Tin liên quan