Thứ hai, 23/12/2024 07:15:11
KỈ NIỆM 70 NĂM - NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ KỈ NIỆM 25 NĂM - NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Ngày: 22/12/2014

Ngay từ khi ra đời (03/02/1930), Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lê nin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng (02/1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “Tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng (10/1930) cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức ra đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ-Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của lực lương vũ trang cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 9 năm 1939, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích đã diễn ra trên nhiều địa phương. Hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập và phát triển như: Du kích Nam Kỳ (1940), Đội du kích Bắc Sơn (1941), Cứu quốc quân (1941)... Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người, biên chế thành 03 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 22-12- 1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.

Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hoá chính sách quốc phòng của Việt Nam, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một ý định, chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc. Mục đích của nền quốc phòng toàn dân là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực; bảo vệ chế độ; bảo vệ mọi thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan gây bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, giữ vững môi trường hoà bình ổn định để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới là nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hàng năm, toàn dân và toàn quân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày Hội quốc phòng toàn dân, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân - dân, ngày hội văn hóa quân - dân, giáo dục truyền thống, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, thăm hỏi các đơn vị quân đội nhất là ở nơi biên giới và hải đảo; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, hội thao quân sự trong các lực lượng vũ trang; xây dựng nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách; tham gia xây dựng, tu sửa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; tổ chức dâng hương tại nghĩa trang, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...

Nhân dịp này, các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã rất chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả cao, gắn kết xây dựng và phát triến tiềm lực quốc phòng, an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống “diễn biến hòa bình”; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vận động thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc...

Từ năm 1989 đến nay, ngày 22 tháng 12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ", giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ, động viên mỗi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong tình hình mới.

 

 

CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM ĐẦY ĐỦ "TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN " hoặc tải về theo liên kết phía dưới.

 

Ban Quản Trị
Tin liên quan