Thứ hai, 23/12/2024 12:46:42
Không gian Tiếng Việt: Để lâu câu sai hoá… đúng

Ngày: 19/02/2013

Để góp phần học tốt Tiếng Việt, BQT xin giới thiệu loạt bài sau đây của GS.TS Nguyễn Đức Dân.

Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!

Sai từ thừa chữ...

Ví dụ: cách nói “chiếc đồng hồ mới cứng” hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm nó bị coi là sai, vì lúc đó “mới cứng” chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác: cách nói “Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn” hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói “trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn”.

Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.

Những từ ngữ sai bắt nguồn từ quy định của cơ quan công quyền thì hết cách sửa, vì nó đã thành thuật ngữ của một khái niệm pháp lý. Ví dụ: xe môtô có dung tích xilanh trên 50cm3 thì ngành công an gọi là “xe phân khối lớn”. Mọi người phải chấp nhận thuật ngữ này, dù học trò tiểu học cũng biết rằng không có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ. Bây giờ không ai sửa được cái từ ngữ “xe phân khối lớn” vô nghĩa về khái niệm này nữa!

Dùng từ ngữ dư thừa cũng là sai. Chúng ta nêu ở đây một kiểu dư thừa rất hay gặp trong cấu tạo từ ghép có một yếu tố Hán – Việt và nay đã thành “đúng”: cây đại thụ, đường quốc lộ, người nông dân…

Từ Hán – Việt thụ là cây. Thế nên cách nói “Ông là một cây đại thụ trong giới sử học” là dư, nhưng cách nói này hiện nay được coi là đúng. Và đúng tới mức không thể bỏ từ cây. Còn câu “Ông là một đại thụ trong giới sử học” lại bị coi là không bình thường (!). Từ Hán – Việt nông dân là “người lao động sống bằng nghề làm ruộng” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Vậy thì “người nông dân” cũng là dư. Những cách nói dư này đã trở thành bình thường đến nỗi đã đi vào cả thơ văn. Trong bài Viếng bạn, Hoàng Lộc viết: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”.

Vậy là câu dư để lâu cũng thành đúng!

... đến sai cả cụm, cả câu

Có những kiểu câu sai ngữ pháp nay cũng thành đúng. Năm 1975, trong mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Thản với bút danh Vương Thịnh đã viết về một loại lỗi ngữ pháp “Qua thực tế, cho thấy…” Kiểu lỗi này được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp tục thảo luận với tên gọi “sai về trạng ngữ”, nhưng không được xã hội và nhất là các cơ quan truyền thông và công quyền lên án mạnh mẽ nên nó tiếp tục được “duy trì” và nay thành căn bệnh khó chữa. Trên các trang báo, trong các bài viết, xuất hiện không hiếm những câu như “Theo khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, cho thấy nạn tự tử ở Nhật Bản ngày càng…” (Chào buổi sáng, VTV1, 14.9.2010)

Thành ngữ “Chân đăm đá chân chiêu” nói về dáng đi của người say rượu chân phải đá chân trái. Ngày nay không mấy người biết tiếng Việt cổ: đăm là phải, chiêu là trái như trong tục ngữ “tay chiêu đập niêu không vỡ”. Nhưng từ “chiêu” gần âm với từ “xiêu”, người ta liên tưởng tới hình ảnh người say thì đi xiêu vẹo, lảo đảo. Thế là thành ngữ trên được nhiều người nói thành “chân nam đá chân xiêu”.

Khi một lỗi sai, một lỗi dư thừa nào đó trở nên phổ biến thì chúng ta hãy dè chừng: chúng dễ trở thành những từ đúng trong tương lai. Một kiểu nói sai, nếu để lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà càng về sau thì những người rõ cội nguồn (etymology) của nó càng ít đi nên họ dễ lầm tưởng là đúng.

Phải phát hiện “tế bào lạ”

Những từ ngữ sai nào dễ được chấp nhận? Đó là những từ ngữ sai có điểm tựa là “cơ sở lôgic về nghĩa”, là “từ nguyên dân gian” có vẻ hợp lý.

Chiều 9.7.1995, một nhân viên toà soạn báo nọ hỏi tôi, viết xán lạng hay sáng lạn mới đúng? Tôi cười: “Cả hai, mỗi cách viết đều sai một nửa, đúng một nửa”. Một mặt, do không biết gốc của xán lạn nên nhiều người liên tưởng tới ánh sáng, tới sáng sủa, sáng rực rỡ trên những ngọn núi cao, cuối cùng đã viết xán lạn thành sáng lạn. Mặt khác, ngoại trừ xán lạn, trong tiếng Việt không còn từ nào mà tiếng thứ hai là lạn, trong khi đó từ lạng là một đơn vị trọng lượng thì gặp hàng ngày. Ấy thế là xán lạn thành xán lạng!

Chiều 16.5.1999, trên đài truyền hình Trung ương, nhạc sĩ HK giới thiệu về chèo giảng giải: nếu hát chèo có dở nhưng có tiếng trống đệm hay, thì sẽ cứu vãn được cho ca sĩ, đó là vụng chèo khéo... trống (!). Người Nam bộ có hát chèo đâu mà thành ngữ này vẫn dùng rất phổ biến? Thực ra trong “vụng chèo khéo chống”, hai từ chèo, chống liên quan đến mái chèo và cây sào, nghĩa đen của thành ngữ này nói về chuyện đi lại trên sông nước, còn nghĩa bóng lại là “làm thì dở, kém nhưng lại khéo biện bạch, chống chế”.

Tiếng Việt có cách nói đơn giản “xe cộ đi lại”, “những phương tiện đi lại trên đường”. Nhưng trong chương trình Chào buổi sáng của VTV1 và báo chí nói chung, cách nói này bị thay bằng một cụm từ Hán – Việt dài gấp đôi: “xe cộ tham gia giao thông”, “những phương tiện tham gia giao thông trên đường”. Trong hầu hết các trường hợp, có thể thay “tham gia giao thông” bằng “đi lại”. Cơ quan truyền thông đừng làm tiếng Việt dở đi!

Con đường của một câu sai thành đúng như sau: Một cách nói A lúc đầu bị coi là sai. Do không sửa ngay, dần dần A trở thành cách nói tranh chấp với cách nói B vốn được coi là đúng. Tế bào lạ A này dần dần chiếm ưu thế và đẩy B trở thành cách nói “cổ” ít dùng. Cuối cùng, A hoàn toàn thắng thế và trở thành chuẩn mới.

Một khi những cách dùng sai đã trở thành đúng thì các nhà ngôn ngữ học không thể áp đặt kiểu “nói đúng phải là…”, bởi lúc đó người ta không theo nữa. Dạy con từ thuở còn thơ. Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt!

GS.TS Nguyễn Đức Dân
GS.TS Nguyễn Đức Dân
Tin liên quan