Tưng bừng, cảm động...
Gần 100 năm qua, cứ vào cuối tháng Sáu,
nhân dân Phong Điền lại kỷ niệm ngày mất của nhà thơ yêu nước - cử nhân
Phan Văn Trị, tưởng nhớ đến khí phách của nhà nho quê gốc Bến Tre đã
chọn Phong Điền làm nơi truyền bá tư tưởng yêu nước, sống thanh bạch,
không luồn cúi trước uy quyền và thế lực của chế độ phong kiến và thực
dân Pháp. Đáp ứng lòng dân, Đảng bộ và chính quyền huyện Phong Điền đã
hướng lễ giỗ cụ Phan Văn Trị trở thành một ngày Hội. Khu mộ cụ Phan vừa
được Nhà nước đầu tư trùng tu khang trang rộng rãi, cụ bà được nằm bên
cạnh ông trong khu di tích, làm ấm lòng rất nhiều người là con cháu của
hai cụ.
Dịp lễ giỗ năm nay, ngành Văn hóa Thông
tin - Thể thao Phong Điền đi sâu vào tổ chức các trò chơi dân gian, như
bắt vịt, bơi lội, nhảy bao, đập nồi, chạy việt dã... theo tiêu chí “vui
là chính”, các đội thi đấu không phân chia cấp xã hay ấp, miễn sao thu
hút nhiều người tham gia. Năm nay, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ
được tái hiện qua kịch bản sân khấu hóa, biểu diễn trước khu tưởng niệm.
Chương trình lễ hội chính gồm ba phần: học trò lễ tham bái nhà thơ,
giới thiệu quê hương - danh nhân đất Phong Điền và hoạt cảnh cải lương
“Khí phách nhà thơ” của soạn giả Nhâm Hùng do Đoàn Cải lương Tây Đô
trình diễn. Bên trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ cụ Phan Văn
Trị vừa được trùng tu với kinh phí trên 4 tỉ đồng, các em học sinh
Trường TH Thạnh Phú Đông đang nô đùa, vừa đố nhau mấy câu hỏi về tiểu sử
và những bài thơ diễn tả nỗi đau mất nước của cụ Phan như “Mất Vĩnh
Long”, “Hột lúa”, “Con muỗi”, “Họa bài tự thuật thứ nhất của Tôn Thọ
Tường”...
Lễ giỗ năm nay của cụ Phan Văn Trị là một
điểm son, cho thấy bước đi đầu tiên của huyện Phong Điền và UBND TP
Cần Thơ trong việc hướng tới mở rộng quy mô lễ giỗ cụ Phan, đưa hoạt
động này trở thành một sự kiện có ý nghĩa lịch sử - văn hóa - du lịch
của địa phương thu hút đông đảo người dân trong TP Cần Thơ nói riêng và
du khách cả nước tham gia. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa kinh
tế - du lịch, mà Phong Điền đang phấn đấu để thực hiện được mục tiêu
đưa lễ giỗ cụ Phan thành một ngày hội tôn vinh danh nhân, truyền cho
thế hệ trẻ truyền thống bất khuất của dân tộc, quảng bá hình ảnh quê
hương và con người Cần Thơ đến với khắp nơi. Mục đích tốt đẹp này được
đông đảo nhân dân hưởng ứng, như lời của bà Nguyễn Thị Hoài - một người
dân cố cựu của Phong Điền: “Năm nay lễ giỗ cụ Phan được tổ chức long
trọng, bà con quanh đây ai cũng thấy hãnh diện và phấn khởi”.
Một phần di sản còn... chờ
Lễ giỗ cụ Phan Văn Trị năm nay đã trở
thành sự kiện văn hóa tôn vinh danh nhân lần đầu tiên ở Cần Thơ. Từ đó,
nhiều người càng cảm thấy đáng tiếc vì Cần Thơ còn chưa phát huy được
giá trị các di sản của rất nhiều danh nhân đóng vai trò quan trọng trong
sự nghiệp cách mạng, quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội
của Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung, nhưng chưa được tôn vinh
đúng mức. Mỗi một danh nhân của Cần Thơ đều có rất nhiều câu chuyện
huyền thoại gắn liền với đạo đức và sự nghiệp: cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
bênh vực dân nghèo chống lại bọn cường hào với tấm lòng trung trinh
của một nhà nho yêu nước thương dân, nhà cách mạng Châu Văn Liêm là một
trong những đảng viên đầu tiên của cách mạng Việt Nam - người gầy dựng
nên cơ sở cho phong trào đấu tranh cách mạng của Cần Thơ, soạn giả cải
lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền là một trong những người sáng lập
nên sân khấu cải lương với những vở tuồng nổi tiếng, nhạc sĩ Lưu Hữu
Phước đã để lại cho đời sau “kho báu” khổng lồ là những bài hát ca ngợi
tình yêu quê hương đất nước, hun đúc lớp lớp thanh niên lên đường chống
giặc... Đó thực sự là những di sản văn hóa vô cùng quý giá của Cần
Thơ, khẳng định vị thế “địa linh nhân kiệt” của mảnh đất trung tâm
ĐBSCL.
Có thể nói hiện nay chỉ có Thủ khoa Bùi
Hữu Nghĩa và Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị có khu tưởng niệm riêng, hầu
hết các danh nhân khác chưa được xây dựng Nhà tưởng niệm hay trưng bày
những hiện vật sưu tầm liên quan đến thân thế, sự nghiệp... riêng. Từ
lễ giỗ của Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, nhiều người hy vọng sắp tới
đây, không chỉ huyện Phong Điền khuếch trương lễ hội tôn vinh danh
nhân, mà cả TP Cần Thơ cũng vào cuộc, tạo nên những đợt giáo dục truyền
thống, quảng bá văn hóa - du lịch có ý nghĩa sâu sắc. Bởi vì, đây là
những di sản có giá trị tinh thần vô giá, minh chứng cho lịch sử, văn
hóa, truyền thống và cả quá trình phát triển của đất và người Cần Thơ.