Thứ hai, 23/12/2024 13:06:34
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Ngày: 22/10/2015

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, QH khóa 13, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trình bày Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thực hiện theo chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK.

Học sinh THPT có thể tự chọn môn học

Theo đó, về cấu trúc việc thực hiện giáo dục phổ thông sẽ được chia ra hai phần là giáo dục cơ bản ở cấp tiểu học và THCS và giáo dục định hướng nghề nghiệp từ cấp THPT. Như vậy, nội dung chương trình giáo dục sẽ có tính tích hợp cao ở cấp học dưới và phân hóa dần ở cấp học trên.

Ở cấp THPT, học sinh học sẽ vừa học một số môn bắt buộc, đồng thời với việc học các môn tự chọn tích lũy tín chỉ.

Chương trình đào tạo sẽ dành nhiều thời lượng để nhà trường vận dụng các môn học phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng địa phương.

Song song với việc thay đổi chương trình học, đề án cũng thay đổi cách giảng dạy theo hướng đa dạng hóa hình thức học tập, tăng cường thực hành, áp dụng công nghệ thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cùng với việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, việc thi và đánh giá kết quả học tập cũng sẽ được thay đổi theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm quá tải nhưng vẫn đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, trình độ, phân hóa học sinh để cung cấp cho các cấp đào tạo nghề nghiệp cao hơn.

Các tổ chức có thể tự biên soạn SGK

Trình bày trước QH, người đứng đầu ngành GD khẳng định sẽ có một chương trình giáo dục phổ thông nhưng nhiều bộ SGK để đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngừi sử dụng, phù hợp vùng miền, địa phương.

Trong đó, Bộ GD-ĐT vẫn biên soạn một bộ SGK và các tổ chức giáo dục khác có quyền biên soạn những bộ SGK riêng. Bộ GD-ĐT cũng sẽ là cơ quan thẩm định các bộ SGK do các tổ chức khác biên soạn.

“Việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK sẽ không ảnh hưởng gì đến SGK của các tổ chức khác biên soạn, được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép lưu hành”, Bộ trưởng Luận khẳng định.

 Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa - ảnh 2Dự kiến SGK mới sẽ được áp dung từ năm học 2018-2019 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền để xã hội biết, tin tưởng và có thêm lựa chọn đối với các bộ SGK của tổ chức, cá nhân biên soạn đã được Bộ GD-ĐT thẩm định đạt chất lượng.

778,8 tỉ đồng đổi mới chương trình, SGK

Về đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được báo cáo trước QH, Bộ GD-ĐT dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 778,8 tỉ đồng.

Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ); nghiên cứu SGK điện tử.

Còn 316,8 tỉ đồng là để biên soạn tài liệu giáo dục cho các địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương; ghi hình bài giảng phát trên mạng; hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn,… Trong đó, kinh phí các địa phương sẽ chịu khoảng 200 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ cũng có hai đề án nhằm đào tạo và đào tạo lại nhà giáo để đáp ứng yêu cầu chương trình THPT và SGK mới và bảo đảm cơ sở vật chất cho GD mầm non và GD phổ thông.

Dự kiến, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ 1.2015 - 6.2017: tuyên truyền, xây dựng và thẩm định chương trình, SGK mới, hướng dẫn thực hiện.

Giai đoạn 2, từ 7.2017 - 6.2018: bổ sung chính sách, tiếp tục biên soạn thẩm định các bộ SGK.

Giai đoạn 3, từ 7.2018 - 12.2021: dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình SGK mới. Trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.



thcstrungnhut
Tin liên quan