Tin tức Tin tức/(Mẫu giáo Lịch Hội Thượng)/Tin tức - Sự kiện/
GS Toán học người Pháp nói về việc giữ chân nhân tài
Theo
thống kê, trong 40 năm qua, đã có 228 lượt học sinh Việt Nam dự thi các kỳ
Olympic Toán quốc tế. Các học sinh Việt Nam đã giành 52 huy chương vàng, 94 huy
chương bạc, 67 huy chương đồng, 1 giải thưởng đặc biệt và Việt Nam luôn được
vinh danh là một trong những quốc gia có nhiều tài năng toán nhất trên thế giới.
Thế nhưng, theo thời gian, ít người trong số những tài năng toán học này ở lại
Việt Nam mà phần lớn các nhà Toán học Việt Nam lại chọn làm việc ở nước
ngoài.
Chuyện
các tài năng Toán học xuất sắc Việt Nam lập nghiệp ở nước ngoài có bình thường?
Bài học kinh nghiệm Việt Nam cần rút ra từ các nước trong việc nuôi dưỡng và
“giữ chân” các tài năng toán học là gì?
Phóng
viên VOV đã phỏng vấn Giáo sư Toán học Cedric Villani, người giành giải thưởng
Fileds Toán học 2010.
Lãnh
đạo và các BTV Hệ VOV1 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Cedric Villani (giữa).
Việt Nam “kho tài năng về Toán học”
PV: Thưa
Giáo sư, trong 40 năm qua Việt Nam đã giành được 52 huy chương vàng, 94 huy
chương bạc, 67 huy chương đồng về Toán học. Trước tiên, ông đánh giá như thế
nào về khả năng Toán học của người Việt Nam?
GS
Cedric Villani: Những con số vừa nêu và những bảng vàng thành tích của các
học sinh Việt Nam chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế
giới trong lĩnh vực Toán học. Việt Nam có thể nói là một “kho” cung cấp các tài
năng toán học trên thế giới.
PV: Sau
40 năm kể từ khi Việt Nam tham gia cuộc thi Toán học quốc tế đầu tiên, có một
thực tế là rất nhiều các tài năng Toán học của Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc.
Rất ít người ở lại làm việc tại Việt Nam. Còn ở Pháp, khi một tài năng Toán học
đoạt giải thưởng Olympic quốc tế họ thường lựa chọn con đường nào thưa Giáo
sư?
GS
Cedric Villani: Có thể nói phần lớn các tài năng toán học Pháp đều ở lại phụng
sự quốc gia, hoặc họ đi học tập phát triển nâng cao kỹ năng ở nước ngoài sau đó
đều quay trở lại làm việc ở Pháp. Tất nhiên chúng ta không thể so sánh câu chuyện
sử dụng tài năng ở Pháp và ở Việt Nam vì hai nước có quá nhiều điểm khác biệt.
Ở
xuất phát điểm là học sinh phổ thông hay ở tầm các thí sinh dự thi các kỳ
Olympic quốc tế, Việt Nam có nhiều các tài năng khoa học hơn ở Pháp. Nhưng phải
nói thật rằng điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc các tài năng Toán học ở Pháp tốt
hơn.
Bằng
chứng là các trường Đại học Pháp liên tục tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài
năng Toán học ở cấp quốc gia và quốc tế; các doanh nghiệp lớn của Pháp tài trợ…
để chuẩn bị cho một chiến lược “săn đầu người” tương lai và họ đầu tư rất nhiều
cho các tài năng cả về tài chính và phương diện kỹ thuật.
Ở
Pháp có một mạng lưới kết nối quốc tế để tìm kiếm, phát hiện và chăm sóc các
tài năng. Ví dụ như chỉ cần có tài là các em được đầu tư bằng nhiều cách.
Ở
Việt Nam một môi trường tầm quốc tế để bồi dưỡng các tài năng có lẽ không thuận
lợi như ở Pháp. Bằng chứng là rất nhiều học sinh Việt Nam đã sang du học ở
Pháp. Giáo sư Ngô Bảo Châu, bạn tôi và là một Giáo sư nổi tiếng ở Việt nam, sau
khi tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam, ông đã sang Pháp học Đại học. Môi trường học
tập ở Pháp đã cho phép Giáo sư Châu hay các tài năng khác học tập cao hơn ở rất
nhiều cấp độ. Tôi chắc rằng điều kiện ở Việt Nam hiện nay cũng chưa được như thế.
Đó là một nguyên nhân quan trọng khiến các tài năng Việt Nam thường ra nước
ngoài để phát triển.
PV: Thưa
giáo sư, ở Pháp, sau khi các nhà Toán học giành được Huy chương Olympic hay là
các giải thưởng quốc tế khác thì chính phủ thường có ưu đãi gì cho các tài năng
này không?
GS
Cedric Villani: Chính sách của Chính phủ Pháp là tạo mọi cơ hội để hỗ trợ
các tài năng phát triển và đó cũng là một phương thức giữ chân người tài. Chẳng
hạn như ở môi trường nghiên cứu, chính phủ khuyến khích các nhân tài đề xuất
các phát minh, xây dựng các quỹ tài trợ về tài chính, cung cấp học bổng và đào
tạo các sinh viên “nguồn”.
Trong
một môi trường học thuật, những tài năng toán học cũng như các tài năng khoa học
khác ở Pháp có rất nhiều cơ hội để phát huy tài năng của họ. Ví dụ như khi họ
có nhu cầu học cao hơn lên ở nước ngoài, chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện để họ
đi học ở các nước phát triển khác-nơi mà có ngành khoa học phát triển tiên tiến;
coi họ như một nguồn để dành cho sự phát triển của đất nước sau này cũng như một
kênh để quảng bá cho sự hấp dẫn của ngành giáo dục Pháp ở nước ngoài.
Và
khi họ trở về nước sau thời gian học tập, chính phủ luôn sẵn sàng trải thảm đỏ
với những ưu đãi cao nhất.
Lương bổng tốt mới không lo chảy
máu chất xám
PV: Nước
Pháp cũng đã từng đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”. Rất nhiều nhà
khoa học Pháp đã sang Mỹ để làm việc. Chính phủ Pháp đã áp dụng những chính
sách nào để giữ chân các nhà Toán học tài năng?
GS
Cedric Villani: Có rất nhiều các biện pháp tại chỗ được chính phủ áp dụng.
Hỗ trợ tài chính được coi là một chính sách hiệu quả nhất.
Có
thể kể đến các chương trình hỗ trợ cho những nhân tài giành giải thưởng cao
trong các kỳ thi quốc tế. Khi một tài năng toán học được phát hiện, hệ thống
các trường Đại học Pháp sẵn sàng đón nhận họ với mọi điều kiện tốt nhất.
Ngoài
ra, các hệ thống ngân hàng sẵn lòng tài trợ cho các nhà Toán học trẻ, các
nhà khoa học trẻ; sự ủng hộ rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan. Tất cả tạo
thành một chuỗi dây chuyền, một tư duy “mặc định” trong xã hội là phải tạo điều
kiện hết sức, ủng hộ hết sức để phát triển các tài năng.
Chính
phủ Pháp cũng đã có các chính sách quảng bá hình ảnh để tiếp nhận, đón chào các
tài năng trẻ từ các quốc gia khác.
Một
khi tạo dựng được hình ảnh hấp dẫn tin cậy về môi trường nghiên cứu hàng đầu thế
giới với các tài năng trẻ đến từ khắp thế giới, việc giữ chân các nhân tài toán
học hay là các tài năng trong các lĩnh vực khác là điều không quá khó.
Nói
đơn giản là khi nước Pháp đã trở thành một trong những đầu tầu về nghiên cứu
khoa học của thế giới thì việc lựa chọn ở lại làm việc cho đất nước có lẽ cũng
là một ưu tiên hàng đầu của các nhà toán học và khoa học Pháp.
PV: Theo
Giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn tới việc những tài năng Toán học của Việt Nam lần
lượt ra đi?
GS
Cedric Villani: Tôi nghĩ rằng, có 2 yếu tố chính có thể khiến các tài năng
của Việt Nam ra đi và khiến các bạn rơi vào tình cảnh “chảy máu chất xám”. Đó
chính là câu chuyện lương bổng và môi trường làm việc, gọi chính xác là môi trường
nghiên cứu khoa học có phù hợp và tạo điều kiện phát triển cho các nhân tài
toán học hay các ngành nghề khác hay không.
Về
yếu tố thứ nhất là chuyện lương bổng. Thực tế cho thấy là rất nhiều quốc gia
phát triển họ trả lương rất cao, thậm chí cả trăm ngàn, triệu đô la cho các nhà
toán học, khoa học đầu ngành.
Ví
dụ như ở châu Âu, ở Mỹ, người ta có thể trả lương gấp 2, gấp 3, thậm chí là gấp
4 lần cho các tài năng toán học giỏi so với mức thông thường. Đó là sức hấp dẫn
không thể phủ nhận khi nói đến chuyện lợi ích mà một nhà nghiên cứu có quyền được
hưởng. Tôi nghĩ rằng đó là một yếu tố rất khó để các bạn đạt tới điều kiện trả
lương như vậy.
Yếu
tố thứ 2 chính là môi trường làm việc, tức là môi trường nghiên cứu khoa học đạt
chuẩn như ở các nước phát triển. Xét về yếu tố này có thể nói Mỹ là quốc gia có
điều kiện tối ưu nhất để các tài năng toán học phát triển.
Tiền
lương bổng là một chuyện, điều quan trọng là môi trường nghiên cứu có được tự
do phát huy sở trường của các nhà toán học hay không? Họ có được tự do đề xuất
các dự án nghiên cứu lớn-dù là chỉ trong ý tưởng hay không? Những yếu tố này là
hết sức quan trọng đối với các nhà toán học nói riêng, các nhà khoa học nói
chung.
Rõ
ràng là để nghiên cứu khoa học, các tài năng cần một không gian mở để tư duy mới
có thể sáng tạo. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với các tài năng khi họ
xem xét nên làm việc ở trong nước hay là có những lựa chọn khác. Trong trường hợp
của Việt Nam, các bạn là một quốc gia đang phát triển, hai yếu tố này cực kỳ
quan trọng.
Tôi
cũng biết là điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam khác so với các quốc gia
khác, trong đó kinh tế được coi là điều kiện tiên quyết để quyết định chuyện đi
hay ở của các tài năng toán học.
Một
nguyên nhân nữa tôi muốn nói thêm là điều kiện, phương tiện để nghiên cứu. Đối
với một tài năng toán học, một nhà khoa học, họ rất cần có các trang thiết bị cần
thiết để hỗ trợ công việc của mình.
Ở
các quốc gia đang phát triển, các phương tiện nghiên cứu rất hiện đại, sẵn có,
chẳng hạn như các phòng thí nghiệm. Đây là một câu chuyện thực tế vì ngay cả ở
châu Âu, các nhà toán học hàng đầu nhiều khi cũng lựa chọn Mỹ để làm việc. Đơn
giản là bởi Mỹ họ trả lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn.
Tôi
nghĩ rằng, Việt Nam cũng là một câu chuyện tương tự. Giáo sư Ngô Bảo Châu bạn
tôi là một ví dụ. Ông có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo, dễ dàng tổ chức các hội
thảo khoa học mà không phải quá lo về chuyện kinh phí. Đó là một sự lựa chọn mặc
dù rất nhiều nhà khoa học muốn gắn bó với quốc gia của họ.
PV: Không
thể không tính đến lợi ích cá nhân của những tài năng trẻ khi họ có sự lựa chọn
riêng của mình. Giả sử một người Việt trẻ có tài năng, theo giáo sư, bạn trẻ ấy
nên ra nước ngoài để có điều kiện phát triển và ở lại đó để tiếp tục cống hiến
hay là nên về xây dựng đất nước. Hoặc nếu có thể, bạn trẻ ấy sẽ tiếp tục ở nước
ngoài và giúp đất nước mình phát triển?
GS
Cedric Villani: Tôi khuyến khích các bạn trẻ hãy quay về xây dựng đất nước
của mình, đó là lòng yêu nước, là điều nên làm. Tôi cũng có vài năm sống và làm
việc ở Mỹ, nhưng việc quay lại Pháp để có thể làm việc và cống hiến là một điều
quan trọng với tôi. Tôi ủng hộ những bản trẻ tài năng Việt Nam phát triển đất
nước của mình.
Có
một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là các tài năng trẻ của Việt Nam phải
biết vươn ra thế giới. Thậm chí hòa nhập vào nó và phát triển nghiên cứu của
mình. Lúc đó, họ sẽ có đủ tri thức để phát triển và đóng góp cho đất nước.
Tôi
cũng khuyến khích các bạn trẻ vừa sống vừa làm việc cả ở Việt Nam và nước
ngoài, đưa Việt Nam hội nhập và phát triển từng tí một. Và sẽ có một ngày, các
bạn trẻ Việt Nam có thể nghiên cứu những vấn đề nóng bỏng của thế giới ngay tại
đất nước của mình. Tuy nhiên đó cũng là một vấn đề cần rất nhiều sự đầu tư và
giúp đỡ từ chính phủ và các bạn.
Giáo
sư Cédric Villani trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.
Phải tính đến chuyện xây dựng một
môi trường nghiên cứu quốc tế
PV: Trong
buổi hội thảo ở L’Espace đầu tuần này, Giáo sư có nói rằng đam mê khoa học là yếu
tố cốt lõi để các nhà Toán học phát triển. Nhưng ở Việt Nam, đam mê mới chỉ là
yếu tố cần thôi, mà yếu tố đủ trước tiên phải là chuyện ăn chắc, mặc bền rồi mới
tính đến những chuyện khác. Thiếu tiền chỉ là một yếu tố, nhưng thiếu cơ chế hiệu
quả đầu tư cho khoa học cũng là một nguyên nhân cản bước các tài năng toán Việt
Nam. Giáo sư nghĩ sao về câu chuyện này?
GS
Cedric Villani: Một thành tố rất quan trọng trong việc xây dựng cơ chế khuyến
khích tài năng toán học là chính sách đầu tư cho nó sao cho thỏa đáng. Anh
không thể nói chuyện phát triển nếu anh không quan tâm, anh không để ý đến nó. Ở
môi trường học thuật cao, điều này là vô cùng cần thiết. Nếu không xây dựng một
chính sách hiệu quả, phù hợp, Việt Nam sẽ khó có được một đội ngũ tài năng toán
học.
Thực
tế đã chứng minh rằng, toán học là một trong những môn khoa học cơ bản góp phần
tạo nên những động lực về tư duy, về sáng tạo cho sự phát triển của quốc gia, đặc
biệt là những quốc gia Đông Nam Á, nơi có đội ngũ nhân lực trẻ, tài năng đông đảo
- được ví như một động lực mới phát triển cho tương lai. Đây không phải là câu
chuyện của riêng toán học mà của các ngành khoa học khác.
Nhưng
xin lưu ý rằng, chuyện xây dựng cơ chế không chỉ phụ thuộc vào một nhân tố, mà
nó phụ thuộc vào rất nhiều chuỗi nhân tố khác nhau. Chẳng hạn khi đưa ra một
con số thống kê nó phải dựa trên dẫn chứng, điều tra, những con người sự việc cụ
thể. Chuyện đầu tư cho cơ chế phải tính tới chính sách cụ thể, con người cụ thể.
Hay
một quốc gia không thể phát triển đơn lẻ mà trong một thế giới phẳng quốc gia
này có sự liên hệ chặt chẽ với các quốc gia kia. Xây dựng cơ chế chuẩn tạo động
lực cho toán học, khoa học phát triển nhất thiết phải đầu tư không chỉ riêng
chuyện tiền mà còn là chuyện nhân lực, vật lực và con người trong dài hạn.
Nhưng tôi cho rằng nếu chúng ta đầu tư xây dựng một cơ chế quá rộng, thiếu sự tập
trung, qúa dàn trải cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Hoặc đầu tư quá nhỏ giọt
thì tác dụng sẽ không được như mong đợi.
PV: Với
những vấn đề đặt ra hiện nay trong câu chuyện “giữ chân” các tài
năng trẻ, giáo sư có lời khuyên gì cho Việt Nam?
GS
Cedric Villani: Đối với Việt Nam, tôi nghĩ rằng một điểm quan trọng là các
bạn phải duy trì được các nguồn nhân lực tài năng, đặc biệt là các tài năng
trình độ cao như các em đã đoạt Huy chương tại các kỳ thi toán Olympic quốc tế.
Đó là nhân tố để duy trì danh tiếng của Việt Nam.
Thứ
hai, các bạn phải phát hiện, đầu tư từ rất sớm cho các tài năng trẻ ngay từ cấp
phổ thông cơ sở, phổ thông trung học để mà nuôi dưỡng lòng say mê và động lực
cho phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tạo ra một cơ chế cạnh tranh, kết nối
đồng bộ giữa các yếu tố về tài chính, về hạ tầng, về thông tin… để tạo ra dòng
chảy thông suốt cho môi trường nghiên cứu khoa học.
Các
bạn cũng cần tiến tới tạo dựng một chuỗi liên kết hệ thống các học viện nghiên
cứu chuyên về toán học, các chuỗi phòng thí nghiệm cũng như các dự án nghiên cứu
đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực toán học.
Cần
phải lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm của các nước phát triển để ứng dụng tốt
nhất trong điều kiện của Việt Nam; giữ mối liên hệ chặt chẽ với các chuyên gia
đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học cơ bản hàng đầu thế giới để cập nhật những
bước tiến mới nhất và có được sự hỗ trợ tốt nhất có thể.
Nói
tóm lại, chìa khóa để xây dựng môi trường nghiên cứu, môi trường khoa học tốt
nhất, “giữ chân” các tài năng chính là việc đầu tư cho đội ngũ giảng dạy
đẳng cấp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một môi trường nghiên cứu quốc tế.
Ngoài ra, các bạn cần có sự mở cửa thông tin kết nối với thế giới trong khoa học.
PV: Xin
trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Giáo
sư Toán học nổi tiếng người Pháp, Cédric Villani sinh năm 1973. Ông đã đoạt
Giải thưởng Fields Toán học cùng Giáo sư Ngô Bảo Châu vào năm 2010. Ông là
giáo sư Trường Đại học Lyon 1, đồng thời là Giám đốc Học viện Henry Poincaré,
là tác giả của một số tác phẩm nghiên cứu quốc tế, với nhiều giải thưởng danh
giá trên thế giới. Hiện ông đang có chuyến công tác tại Việt Nam cùng Giáo sư
Ngô Bảo Châu. |
Tin cùng chuyên mục
- Học sinh lớp 8 làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt từ nguyên vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền
- Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Kim Bổng: Nhà khoa học người Việt được tôn kính
- Thiếu niên Canada gốc Việt phát minh thiết bị cảnh báo trụy tim vì mẹ
- Nam sinh cấp 3 chế tạo thành công ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời