Ngày: 08/10/2015
Để chuẩn bị cho các trường THCS triển khai mô hình VNEN, Sở GD&ĐT thông báo đến các trường được chọn thí điểm. Đồng thời, tạo điều kiện các trường nghiên cứu mô hình Trường học mới VNEN, chủ động tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, địa phương, cộng đồng hiểu và cộng tác tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Thông báo rộng rãi cho phụ huynh học sinh lớp 6 học theo mô hình VNEN không mua sách giáo khoa đại trà. Đặc biệt, mới đây, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn triển khai mô hình Trường học mới đối với lớp 6 THCS năm học 2015 - 2016. Sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị nhà trường về các công tác tổ chức lớp học; kiểm tra, đánh giá; sinh hoạt chuyên môn, dự giờ giáo viên…
Năm học 2015 – 2016, Trường THCS Đồng Cương, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc là một trong 18 trường THCS trên địa bàn tỉnh được chọn thí điểm triển khai mô hình VNEN. Năm nay, nhà trường có 3 lớp 6 với 148 học sinh học theo mô hình VNEN. Triển khai mô hình, nhà trường có nhiều thuận lợi vì được tiếp nhận học sinh đã được học mô hình học Trường học mới tại Trường tiểu học Đồng Cương, vì vậy, các em có các kỹ năng nhất định trong việc thực hiện nhóm và khá tự tin trong giao tiếp cũng như trong học tập. Sau hơn 1 tháng thực hiện, thầy và trò nhà trường bắt đầu tiếp nhận và làm quen với cách dạy mới. Chia sẻ về mô hình VNEN của trường, thầy Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình VNEN đem lại phương pháp dạy học hướng vào phát triển con người, biến hoạt động giáo dục của nhà trường thành hoạt động tự giáo dục của học sinh. Với phương pháp này, học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo hơn; giáo viên là người cố vấn về tổ chức và tự quản, hướng dẫn tự học, hỗ trợ kịp thời học sinh vượt qua khó khăn trong học tập, rèn luyện”. Để mô hình mới nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung về những đổi mới của mô hình VNEN; lên kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa mới, trang trí lớp học...
Không có nhiều thuận lợi như Trường THCS Đồng Cương, tuy nhiên, Trường THCS Xuân Lôi, huyện Bình Xuyên cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để mô hình VNEN phát huy hiệu quả tích cực. Sau khi nhận được thông báo từ Sở GD&ĐT, nhà trường tổ chức họp, phân công cán bộ giáo viên giảng dạy lớp 6, cử giáo viên tham gia tập huấn tại Sở. Giáo viên chủ nhiệm thống kê số lượng học sinh trong lớp, từ đó, nhà trường đăng ký mua tài liệu hướng dẫn cho từng môn học. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn và giáo viên tổ chức các buổi họp bàn, thảo luận, từ đó, xây dựng chương trình dạy phù hợp, khoa học. Mặc dù theo dự án, giáo viên không phải soạn giáo án nhưng đây là phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo nên nhà trường thống nhất chỉ đạo các thầy cô lập kế hoạch dạy học sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Công tác dự giờ được nhà trường coi trọng, tổ tư vấn và Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên dự giờ tại các lớp VNEN. Hàng tháng, Ban Giám hiệu tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt trao đổi chuyên môn, đánh giá rút kinh nghiệm những thành công và tồn tại của cả thầy và trò khi theo học mô hình này.
Sau hơn 1 tháng triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam, giáo viên và học sinh của các đơn vị được chọn thí điểm dần làm quen phương pháp dạy và học mới. Giáo viên chủ động hơn trong các giờ lên lớp, học sinh phát huy vai trò cá nhân học tập theo nhóm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, thực hiện mô hình VNEN, các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất trường lớp. Hầu hết các lớp học VNEN chưa có góc học tập, thiếu tranh ảnh treo tường, biểu bảng cuối lớp…Giáo viên cùng lúc dạy cả 2 chương trình nên gặp khó trong việc sát sao học trò, một bộ phận học sinh chưa tích cực trong hoạt động theo nhóm.
Trong thời gian tới, để thực hiện mô hình Trường học mới VNEN hiệu quả, các trường THCS thực hiện đầy đủ các nội dung được Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT hướng dẫn, các nội dung đã được tập huấn. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và năng lực học sinh; tổ chức dạy học và dự giờ, phân tích giờ dạy, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các chủ đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học. Ghi hình các tiết dạy và các buổi thảo luận, từ đó, rút kinh nghiệm làm tư liệu chia sẻ cho giáo viên thông qua diễn đàn trên mạng “Trường học kết nối”.