Thứ hai, 23/12/2024 21:40:53
HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG

Ngày: 18/03/2017

     

Nói đến văn hóa, tức là nói đến cái đẹp.

          Vì vậy, khi nói đến Văn hóa nhà trường, tức là nói đến hình ảnh đẹp của một nhà trường (Vô hình và hữu hình). Đó là toàn bộ những giá trị tốt đẹp (mọi thành viên đều mong muốn, thừa nhận) tạo nên bản sắc riêng của nhà trường đó. Hình ảnh này được tạo nên bởi mọi thành viên của nhà trường (người dạy, người học, người quản lý) và được chuyển tải, phản ánh trong xã hội.

          Văn hóa nhà trường chính là gốc rễ, là nền tảng của mọi giá trị; đồng thời, là mục tiêu, là động lực cho sự thay đổi và phát triển nhằm khẳng định thương hiệu” của một nhà trường.

          Vì vậy, để xây dựng văn hóa nhà trường, trước hết cần xây dựng hình ảnh người thầy – Nhân tố quan trọng nhất tạo nên Văn hóa nhà trường. Vì chỉ có những người thầy tốt, mới tạo nên một nhà trường thành môi trường giáo dục tốt, lành mạnh.

          Thật vậy:   

          Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các câu thành ngữ: Không thầy đố mày làm nên; hay: Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy;...đã khẳng định vị thế của người thầy trong xã hội và đức tính hiếu học của nhân dân ta.

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh,…

          Cố Tổng bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta.

          Hay, nhà thơ Ấn Độ - Tago viết: Giáo dục  một người đàn ông được một người đàn ông; giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình; giáo dục một người Thầy được cả một xã hội.

          Trong xã hội hiện đại ngày nay, lao động của người thầy không chỉ đơn thuần là thực hiện chức năng dạy học, giáo dục mà còn là lao động trí óc sáng tạo, phức hợp của một nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà đạo đức, nhà hoạt động xã hội,....Bởi lẽ, sản phẩm lao động của người thầy chính là sự phát triển những con người hiện đại – nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cao cho mọi sự phát triển. Điều đó có nghĩ là, người thầy không chỉ là nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục trong nhà trường mà còn ảnh hưởng quan trọng đến năng lực, phẩm chất cả cuộc đời mỗi con người trong tương lai.

            Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập, những mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang tác động tiêu cực không nhỏ tới sự phát triển văn hoá và con người Việt Nam nói chung, người thầy nói riêng, đặc biệt là về tư tưởng, đạo đức, lối sống,…Thực tế, có không ít người thầy đã tha hóa về đạo đức, nhân cách: lợi dụng học trò và phụ huynh, chạy  theo thành tích ảo; dùng áp lực để che đi sự yếu kém của mình, trù dập, xúc phạm nhân phẩm và nhân cách học sinh; sống ngụy biện, giả tạo, lừa gạt dư luận;….làm mất lòng tin của xã hội và làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt học trò và xã hội.

          Với tầm cao của nền kinh tế tri thức, thì mọi hành vi, thái độ, lời nói, việc làm,…của người thầy đều là tấm gương phản ánh đa chiều. Thầy phải là tấm không chỉ với học sinh mà còn là tấm tương cho đồng nghiệp, gia đình và xã hội. Phải có lòng tự trọng, luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình, luôn cống hiến, biết lắng nghe, hợp tác, sẻ chia, động viên khích lệ,…học sinh, đồng nghiệp,…Vậy nên, không ai khác hơn, chính mỗi người thầy phải luôn biết tự soi mình.

          Vì thế:

          Hơn bất cứ một cương vị nào, người thầy phải là những người đi tiên phong trong việc xây dựng nhân cách và giữ gìn hình ảnh của chính mình. Đó là sự mẫu mực; cái tâm, cái tài và cái đức

Hãy bắt đầu từ chính người thầy Quản lí nhà trường. Hình ảnh “đẹp” về người quản lí ấy sẽ nhanh chóng lan toả để tất cả mọi thành viên noi theo, tạo nên một tập thể với các mối quan hệ lành mạnh và bầu không khí thân thiện, đồng thuận, luôn hợp tác, biết sẻ chia và tạo động lực cho nhau để cùng hướng đến xây dựng một nhà trường “Đẹp” – Văn hóa.

           Usinxki - Nhà Sư phạm người Nga nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.".

          Mỗi người thầy hãy thay đổi!

           Trần Quốc Toản, Chuyên viên Phòng GDĐT

pgdcukuin
Tin liên quan