Thứ hai, 23/12/2024 03:32:52
Thứ trưởng GD&ĐT: ‘Sẽ không lặp lại bất cập khâu xét tuyển’

Ngày: 13/01/2016

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia 2016 cơ bản ổn định như năm ngoái. Những bất cập về tuyển sinh, đặc biệt trong khâu xét tuyển, sẽ được khắc phục triệt để.

- Xin Thứ trưởng cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2016 có điểm gì mới?

- Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Dự thảo quy chế thi và tuyển sinh. Dự thảo này được xây dựng dựa trên ý kiến đóng góp của các trường đại học, cao đẳng và sở GD&ĐT. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng điều chỉnh mức thấp nhất để giữ ổn định tâm lý của học sinh, cũng như phụ huynh.

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015, về cơ bản, dư luận đánh giá công tác tổ chức thi tốt, năm nay chỉ điều chỉnh nhỏ để tốt hơn. Ví dụ, việc sắp xếp các em ở cụm thi quốc gia vùng giáp danh sẽ được xem xét để thuận tiện cho thí sinh. Có thể thí sinh được chọn cụm thi.

Tóm lại, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ cơ bản ổn định như năm 2015. Bộ GD&ĐT chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật về nhận hồ sơ xét tuyển, phương thức xét tuyển để không gây lộn xộn. Cả trường đại học và thí sinh sẽ không gặp khó khăn trong việc thu - nộp hồ sơ.  

Thứ trưởng GD&ĐT: ‘Sẽ không lặp lại bất cập khâu xét tuyển’

Thí sinh làm bài thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà.

- Trong lần tổ chức một kỳ thi quốc gia đầu tiên, dư luận bức xúc vì khâu xét tuyển nhiều bất cập. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc này. Vậy năm nay có giải pháp gì để thay đổi?

- Thực ra, việc cho phép thí sinh được rút - nộp hồ sơ ở khâu xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi của các em. Bộ GD&ĐT muốn tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng của mình, nhưng có những bất cập nhất định.

Sắp tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn để quyền lợi của thí sinh không bị hạn chế và cũng không gây bức xúc trong dư luận. Những bất cập của năm 2015 đều đã có giải pháp và chắc chắn sẽ không lặp lại ở kỳ thi tới.

- Trong các phương án chuẩn bị, khâu nào khiến Bộ GD&ĐT chú trọng nhất?

 "Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, Dự thảo quy chế thi và tuyển sinhsẽ được công bố trước tết Nguyên đán. Sau tết, học sinh đã đăng ký nộp hồ sơ".

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

 

- Hiện chỉ còn băn khoăn khâu xét tuyển, các phần khác cơ bản đều đạt được đồng thuận. Chúng tôi cân nhắc các trường, địa phương, Bộ GD&ĐT làm gì, kỹ thuật như thế nào để thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia xét tuyển.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã hoàn thiện phương án về kỳ thi, chỉ còn một vài ý kiến băn khoăn ở khâu xét tuyển. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến rộng rãi và sẽ sớm có kết luận.

Tuy nhiên, phải nói rằng, không có phương án nào hoàn hảo. Nếu nâng cao quyền lợi của học sinh, các trường sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại. Chúng ta cần chọn phương án ít rủi ro nhất.

Thứ trưởng GD&ĐT: ‘Sẽ không lặp lại bất cập khâu xét tuyển’

Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

- Bộ GD&ĐT đã chốt lịch thi vào đầu tháng 7 như dự kiến chưa và số lượng cụm thi liên tỉnh có thay đổi không?

- Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa chi tiết dự thảo quy chế thi và tuyển sinh để tham khảo ý kiến của các trường và của toàn xã hội, trong đó đề ra một số phương án. Sau khi xin ý kiến rộng rãi, Bộ tổng hợp và ban hành quy chế chung. Vì kỳ thi này liên quan nhiều thí sinh, cần tham khảo ý kiến của xã hội. Phương án nào đồng thuận cao nhất sẽ được chọn.

Năm nay vẫn giữ hai cụm thi liên tỉnh và địa phương. Số lượng cụm thi sẽ phù hợp và thuận lợi nhất cho thí sinh.

- Những trường khó tuyển sinh có được ưu tiên và hỗ trợ?

- Các trường khó tuyển sinh thường là ngoài công lập, nên chỉ có hội đồng quản trị của các trường này mới có quyền dừng hay tiếp tục tuyển sinh. Nếu họ không vi phạm, Bộ không thể bắt dừng tuyển sinh được. Bộ khuyến khích các trường không tuyển sinh được thì sáp nhập, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực. 

Một trong những phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT là kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn  Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.

Bộ GD&ĐT đánh giá, theo lịch thi này, ngày thi thứ ba tổ chức cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn thi.

Tại Hội nghị trực tuyến về rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tổ chức kỳ thi năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/12/2015 tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM), phần lớn đại diện của các Sở GD&ĐT và trường đại học tham dự đều đồng tình phương án giữ ổn định như năm 2015. Một số đại biểu đề cập việc thay đổi nhỏ về cụm thi và tăng quyền cho các Sở GD&ĐT...

Phan Lê Ghi
Tin liên quan