Tin từ đơn vị khác
7 điều cha mẹ cần nắm "trong lòng bàn tay" trước khi con vào lớp 1
TS.VŨ THU HƯƠNG
(GDVN) - Sau đây tôi xin liệt kê 7 điều mà cha mẹ cần tìm hiểu trước khi con vào lớp 1.
LTS: Năm học mới cận kề, khi nhiều chuyên gia tư vấn cho phụ huynh rằng đừng dạy trước, đừng ép con phải học thêm nhất là đối với học sinh lớp 1 nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn lo lắng và đặt câu hỏi: Không học trước, con không theo kịp thì sao? Con thiếu tự tin thì sao? Cả lớp học trước, nếu con không học trước bị “đúp” thì sao?....
Nhằm giải đáp những thắc mắc, lo lắng đó, TS.Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội gửi lời khuyên tới các bậc phụ huynh thông qua 7 việc làm mà các bậc cha mẹ cần tìm hiểu trước khi con vào lớp 1.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Thứ nhất, về các Thông tư, Nghị định có liên quan điểm giáo dục Tiểu học:
Trong thời điểm có nhiều thay đổi hiện giờ, có nhiều điều mới mà cha mẹ không biết. Một số giáo viên lười biếng hoặc ham kiếm tiền bằng dạy thêm sẽ dựa vào đó để gây sức ép cho phụ huynh, dồn công việc cho các phụ huynh để mình nhàn hạ hoặc có cơ hội dạy thêm.
Ví như, nếu cha mẹ biết chắc chắn là Bộ GD&ĐT cấm ra bài tập về nhà thì chắc chắn sẽ biết cách nói chuyện với cô khi cô bắt con làm bài tập quá nhiều.
Vì vậy, các phụ huynh hãy bỏ thời gian ra tìm hiểu các Thông tư, Nghị định để giắt lưng.
Thứ hai, nắm rõ sơ đồ chương trình và mục tiêu năm học.
Nếu các cha mẹ biết, lớp 1 bắt đầu học từ chữ cái đầu tiên và yêu cầu các con chỉ tàm tạm đọc viết, làm toán cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100, các cha mẹ sẽ không sốt ruột lắm mà mặc kệ cho con tự chiến đấu.
Các bậc cha mẹ nên nắm rõ sơ đồ chương trình và mục tiêu năm học (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Các cha mẹ sẽ không mệt mỏi phải ép con hay thuê gia sư hoặc cho con đi học thêm nữa. Đảm bảo khi đó con sẽ thấy dễ thở hơn và thích học hơn nhiều.
Thứ ba, cách bố trí bài học
Nếu cha mẹ biết, các bài học ở Tiểu học giống hệt nhau về cả thời gian trong mọi lớp học trên cả nước, các cha mẹ sẽ không khó khăn gì đoán được con đang học đến đâu.
Ví dụ: sau mùng 5/9 là tuần lễ đầu tiên, trên cả nước sẽ bắt đầu vào bài học đánh vần đầu tiên với chữ cái e. Như vậy, con học trước chẳng có giá trị gì vì cô giáo bắt buộc phải dạy từ đầu dù muốn hay không.
Con vào lớp một đã phải "chạy", tâm sự cay đắng của một phụ huynh!(GDVN) - Thật đáng buồn là nếu lớp 1 cũng phải “chui”, phải “chạy” thì thử hỏi khi con lên cấp 2, cấp 3 và Đại học… có gì là không phải chạy |
Chỉ có điều, cả lớp học trước rồi thì cô sẽ nhàn hạ, có thể giao bài tập cho các con rồi ngồi chơi. Khi có cháu nào chưa học, cô sẽ phải dạy cháu đó, còn các cháu khác làm bài tập.
Nếu con học trước rồi, con sẽ có lý do để chán học, bực bội, phá phách vì tâm lý trẻ nào cũng thích sự mới mẻ. Lúc đó, đến trường không phải là niềm vui mà là sự khó chịu. Hậu quả đó con và bố mẹ sẽ phải gánh chịu.
Thứ tư, vào lớp 1 mới bắt đầu học phép lớn và nhỏ hơn.
Vì thế, nếu điểm kém, trẻ cũng chưa hiểu như vậy là kém. Thậm chí lời chê bai đôi khi trẻ cũng không hiểu rõ. Lúc này thái độ của cha mẹ quyết định cảm xúc và sự tự tin của con.
Nếu cha mẹ coi những điểm kém ấy cũng bình thường thì con cũng thấy thường thôi và vui vẻ đi học tiếp. Nếu cha mẹ hốt hoảng hoặc bực bội, mắng mỏ, con sẽ stress và dần dần thiếu tự tin.
Thứ năm, giáo dục Việt Nam theo vòng xoáy trôn ốc, cái học hôm nay sẽ được nhắc lại vào lúc khác đặc biệt là tiểu học. Thậm chí có bài học được nhắc đến hàng năm sau.
Ví dụ: các con học đọc, viết, tính toán không phải 1 năm mà cả 12 năm. Giờ con chưa đọc thông viết thạo thì sau này sẽ đọc được. Tính toán cũng thế, con chưa thạo bây giờ nhưng 3 năm nữa sẽ làm tốt.
Và các thầy cô giáo cũng biết rằng, trừ 1 vài trường hợp thần đồng hiếm gặp, bọn trẻ (cũng như người lớn), không bao giờ thành thạo ngay lần đầu tiên. Vì thế, nếu con ấp úng khi làm bài hoặc giải sai be bét cũng là bình thường, thầy cô cứ dạy dần dần là giỏi hết.
Thứ sáu, giáo dục tiểu học là phổ cập. Các bạn nhỏ dân tộc cũng học chương trình này mặc dù còn chưa nói được tiếng Kinh. Vì thế, chương trình chẳng nặng nhọc gì cả, các con cứ học dần, ngấm dần là ổn.
Thứ bảy, con cần chuẩn bị tâm lý đi học hơn là việc học trước rất nhiều.
Tâm lý thích thú cộng với niềm hào hứng đến trường sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn và dần dần xây dựng bản lĩnh cho mình.
Đừng trợ giúp con bằng học trước, gia sư hay học thêm, điều đó chỉ làm con kém cỏi đi, mềm yếu hơn và kém bản lĩnh hơn.
Biết rằng cha mẹ nào cũng thương và lo lắng cho con. Nhưng thương thì thương đúng cách, đừng làm con khổ sở vì cha mẹ thương nhầm cho nên tự trang bị kiến thức cho bản thân, các cha mẹ sẽ biết cách giúp con tốt nhất trong năm học quan trọng đầu tiên này.
- Mừng sinh nhật cho CC-VC năm học 2017-2018
- Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm học 2017-2018
- Hội nghị CC - VC năm học 2017 - 2018
- Vui tết trung thu năm học 2017-2018
- Đại hội Công đoàn Cơ sở Trường TH Trường Long 3 năm 2017
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Mừng ngày 8.3 và sinh nhật tập thể của trường năm 2016-2017
- Hoạt động ngoại khóa
- Thầy ngày càng sợ… trò!
- Trò chơi dân gian trong trường học
- Mỗi ngày đến trường là một ngày vui