Tin từ đơn vị khác
Trong tâm lí học lứa tuổi, học sinh lứa tuổi thiếu niên luôn ngự trị quy luật về tính mất cân đối tạm thời, tính mâu thuẫn và quy luật về tính không đồng đều của sự phát triển thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của nhân cách và thể chất. Nhưng thực tế làm công tác giáo dục tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu thì mỗi người cán bộ GV phải biết những “tâm lí riêng” mà không sách vỡ lí thuyết nào có thể nhắc tới. Hằng ngày, ngoài việc soạn bài lên lớp là việc vận động duy trì số lượng, tìm các biện pháp nâng cao chất lượng, người GV còn phải là “Vừa là thầy giáo, vừa là bạn bè”. Với kinh nghiệm thực tiễn sau đây sẽ giúp những GV mới chập chững vào nghề đến nhận công tác ở miền núi có những biện pháp giáo dục hợp lí, đặc biệt là GV chủ nhiệm lớp.
Học sinh miền núi luôn có tính thẳng thắn, thật thà và tự trọng. Các em học sinh miền núi có gì không vừa ý thường tỏ thái độ ngay. Đặc điểm thẳng thắn và thật thà cộng với khả năng diễn đạt bằng tiếng phổ thông còn hạn chế, có những lúc làm cho GV “nóng mặt”; nếu như GV thiếu am hiểu tường tận và thông cảm sâu sắc thì dễ kết luận đó là những hành vi “thiếu lễ độ”. Vì vậy, GV cần nắm vững đặc điểm này, thận trọng suy xét trong quá trình đánh giá phẩm chất đạo đức của từng em. Các em học sinh miền núi thường có lòng tự trọng cao, nếu các em gặp phải những lời phê bình nặng nề, gay gắt hoặc khi kết quả học tập kém, quá thua kém bạn bè một vấn đề nào đó trong sinh hoạt, bị dư luận bạn bè chê cười,... các em dễ xa lánh thầy cô giáo và bạn bè hoặc bỏ học. Nếu GV không hiễu rõ thì có thể cho rằng các em hay tự ái. Từ đó GV thiếu nhiệt tình cần thiết để tìm ra phương hướng và biện pháp giải quyết những mắc mớ của các em.
Học sinh luôn có niềm tin sâu sắc vào GV và thực tiễn. Các em thường dễ dàng nghe theo những người mình đã tin cậy, đặc biệt là GV. Khi các em đã tin GV, các em thường quyết tâm thực hiện cho được những công việc GV giao, nhiều khi các em còn bắt chước tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ,.. của GV. Vì vậy, GV phải luôn gần gũi, đi sâu, đi sát giúp đỡ các em, cố gắng cảm hoá các em bằng sự tận tình chăm sóc của mình; đồng thời cũng cố gắng gương mẫu về mọi mặt để dành cho được sự tin yêu của các em, từ đó phát huy tác dụng giáo dục của mình.
Thực tiễn có tác dụng thuyết phục rất lớn đối với các em. Các em sống rất thực tế, những điển hình gần gũi đều có tác dụng thuyết phục rất lớn. Trong các tiết lên lớp, những vấn đề kiến thức có liên hệ thực tế đến bản thân học sinh thì sẽ sôi nổi và hiệu quả. Do đó GV cần lưu ý việc nêu gương những điển hình tốt của học sinh trong lớp, trong trường về mọi mặt như trung thực, đoàn kết, giúp đở mọi người, vượt qua mọi khó khăn để đến lớp,... Đó là những minh chứng cụ thể nhằm dần dần hình thành cho các em những biểu tượng và khái niệm về phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời khắc phục dần những tàn dư lạc hậu còn rơi rớt trong nhận thức của một số em.
Ý thức cao từ bạn bè và dư luận tập thể. Bạn bè và dư luận tập thể có tác dụng chi phối việc học tập của học sinh, nhất là việc đi học chuyên cần. Có những em hay nghĩ học đến bỏ học mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu bạn học đến nhà rủ đi học. Có em chỉ nghe bạn nên đã nghĩ học đi đánh cá, khai thác rừng,... Nhìn chung những ý kiến tán đồng hoặc chê cười của bạn bè và tập thể đều có ảnh hưởng đến quá trình suy nghĩ và hành động của từng em. Với những đặc điểm kể trên, GV phải rất quan tâm đến việc tổ chức những nhóm bạn học tập cho các em. Có thể chọn những nhóm học tập là học sinh của từng bản, hay từng xóm trong thôn để các em đoàn kết và rủ nhau đến lớp đầy đủ.
Nắm vững những đặc điểm tâm lí của học sinh gái. Trong học sinh miền núi, học sinh gái thường ít nói, e dè và dễ xấu hổ, những em gái lớn trong một lớp thường thiếu những hoài bão ước mơ cần thiết; cho nên những tác động ngoại cảnh dễ làm cho các em này bỏ học. Khi một em có ý định bỏ học thường rủ thêm một số em khác bỏ theo. Từ những đặc điểm trên, trong khi giao tiếp, gặp gỡ riêng với các em học sinh gái, GV phải thường nói chuyện tâm tình với các em về các vấn đề như vai trò của người phụ nữ trong xã hội ta hiện nay, những công việc mà người phụ nữ miền núi phải có trách nhiệm vươn lên để gánh vác, sự cần thiết phải có trình độ văn hoá tối thiểu trong thời đại ngày nay, đồng thời phân tích cho các em những hạn chế của người con gái vùng cao nếu đi lấy chồng sớm,…
Học sinh con em đồng bào các dân tộc miền núi đến trường với lòng ham học hỏi, niềm tin sâu sắc về tương lai phía trước. Đa số các em đều là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế vô vùng thiếu thốn. Ngoài việc học, các em còn phải đi rừng, đi rẫy để phụ giúp việc với gia đình. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và việc duy trì số lượng học sinh trên lớp. Tuy nhiên, mỗi người GV nếu nắm vững một số đặc điểm tâm lí của học sinh miền núi, con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa thì việc giáo dục sẽ phát huy hiệu quả cao hơn
- Cách học mới cho học sinh tiểu học
- Hướng tới giờ dạy thân thiện
- Một số giải pháp thực hiện chương trình đổi mới hình thức Giáo dục Âm nhạc ở độ tuổi Mẫu giáo
- Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Văn
- Phụ huynh có vai trò quan trọng quyết định kết quả học tập của con