TRƯỜNG MN THIỆN KẾ
BÀI TUYÊN TRUYỀN
“TRẺ MẦM NON ĐƯỢC HỌC NHỮNG GÌ?”
Có thể nói một số không ít phụ huynh học sinh nhận thức chưa đầy đủ về điều này. Đa số phụ huynh nghĩ rằng trẻ đến trường chỉ học hát, múa, ăn và vận động không có mục đích, nhưng điều này chưa đúng. Vậy trẻ mầm non khi đến trường sẽ được học những gì?
Trẻ học để phát triển nhận thức: Môn học khám phá khoa học, Làm quen với toán.
Môn học khám phá khoa học: Đó những môn học mà thông qua đó trẻ tìm hiểu, khám phá và nhận thức được những sự vật, hiện tượng xung quanh một cách sơ khai và đơn giản nhất. Thông qua môn khám phá khoa học về môi trường xung quanh trẻ sẽ được làm quen với tên gọi và đặc điểm của sự vật, sự việc bằng con mắt trẻ thơ và sự củng cố, mở rộng của giáo viên để giúp trẻ nhận thức được dễ dàng và sâu sắc nhất.
Làm quen với toán: Những con số 1, 2, 3, 4 …, các hình vuông, hình tròn ..., các màu xanh, màu đỏ... đó những thứ chúng ta tưởng chừng như đơn giản nhưng với trẻ lại là những điều thú vị mà trẻ cần được học, cần phải nắm vững và những điều thú vị đó sẽ được trẻ khám phá dần dần qua các độ tuổi khác nhau.
Với chúng ta vật chìm nổi được coi như là những điều hiển nhiên của cuộc sống nhưng những thí nghiệm đơn giản đó thôi trẻ lại cảm thấy rất vui, hứng thú và học tập được rất nhiều.
Trẻ học để phát triển thể chất: Cũng là những vận động đơn giản nhưng khi được gắn với những hoạt động khác nhau và thực hiện theo một cách bài bản có mục đích sẽ giúp trẻ phát triển cơ chân tay và giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái để tham gia các hoạt động phát triển nhận thức.
Các vận động như: Bò, trườn, trèo, bật, nhảy, ném xa, đi thăng bằng, tung và bắt bóng, đi các kiểu chân khác nhau, chạy nhanh ...
Ngoài các vận động chân tay thì trẻ sẽ được học những điều giúp trẻ bảo vệ cơ thể thông qua việc giáo dục kỹ năng sống: Học cách nhận biết những đồ vật nguy hiểm, những nơi nguy hiểm, những thức ăn không tốt và những thức ăn cần cho sự phát triển cho trẻ, cách vệ sinh cá nhân, rửa tay, rửa mặt ...
Trẻ thực hiện các vận động thông qua hoạt động thể dục sáng, tiết học thể dục, thông qua các trò chơi hoạt động ngoài trời … Và tăng cường cho trẻ chơi các trò chơi dân gian là một việc hết sức cần thiết.
Trẻ học để phát triển thẩm mỹ, tình cảm - xã hội: Môn học tạo hình, âm nhạc.
Có thể với chúng ta cái đẹp là phải hoàn hảo nhưng đối với trẻ lại không vậy. Một bức tranh đơn giản màu sắc đậm nét đã là một sản phẩm đẹp đối với trẻ và tính ngây thơ trong sáng trong tâm hồn trẻ giúp trẻ thấy cuộc sống tươi đẹp và dễ thương hơn rất nhiều.
Một bài hát hay, một điệu múa đẹp của cô cùng với sự hưởng ứng và được hát, múa cùng cô sẽ giúp trẻ thấy thích thú hơn và muốn đi học hơn. Hãy cung cấp cho trẻ những hình ảnh đẹp để giúp trẻ phát triển tốt hơn về tư duy và trí tưởng tượng cũng như khả năng thẩm mỹ của bản thân trẻ.
Trẻ học kỹ năng sống: Kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh cho phép bạn đối mặt với những thách thức của cuộc sống hằng ngày. Rèn kỹ năng sống cho trẻ là giúp trẻ có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bản thân trẻ thích nghi với cuộc sống hiện tại và trong tương lai của trẻ. Vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Muốn việc dạy kỹ năng sống cho trẻ đạt hiệu quả cao thì cần phải có nhưng biện pháp phù hợp và sáng tạo thì mới thành công.
Kỹ năng sống mà trẻ cần có là: Kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng ứng xử có văn hóa, kỹ năng hợp tác, kỹ năng nhờ sự trợ giúp khi cần thiết ...
Trẻ mầm non cần được học rất nhiều kỹ năng sống vì ở lứa tuổi này trẻ còn rất non để đối mặt với cuộc sống phức tạp việc giáo dục kỹ năng sống thông qua việc lồng ghép vào các môn học và thông qua hoạt động trực tiếp sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nếu bạn yêu con thì hãy dạy con biết cách tự làm chứ đừng làm hộ con, vì chỉ khi được trải nghiệm trực tiếp thì trẻ mới nhận thức, ghi nhớ và phát triển được tốt nhất. Và bởi chưa chắc chúng ta sẽ luôn đi theo con trên từng đoạn đường mà con bước đi.
Với việc rèn kỹ năng sống nhất là kỹ năng tự phục vụ, hay kỹ năng tự giác học tập sẽ giúp ích rất nhiều cho con sau này. Khi trẻ đã có thói quen hay kỹ năng rồi thì việc thực hiện một việc gì đó sẽ trở nên dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.
Ngôn ngữ: Với những bài thơ, câu chuyện, những cuộc trao đổi giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với mọi người xung quanh thì sẽ giúp cho vốn từ và vốn kinh nghiệm của trẻ được tăng lên rất nhiều, ngoài ra trẻ 5 tuổi còn được làm quen với 29 chữ cái tiếng Việt dưới dạng chữ in thường đây là tiền đề cho trẻ học sau này.
Trẻ tới trường sẽ được học các tình huống giáo tiếp và thông qua đó trẻ biết đâu và hay đâu là ngoan và điều gì là không nên.
Phát triển tình cảm xã hội: Một lĩnh vực không thể thiếu đối với trẻ đó là phát triển kỹ năng, tình cảm xã hội. Thông qua những nội dung giáo dục lồng ghép vào bài học trẻ sẽ được phát triển các kỹ năng tình cảm xã hội như kìm chế cảm xúc, biết vui, buồn và sẻ chia tình cảm với bạn ...
Trên đây là một số nội dung mà trẻ được học ở trường mầm non và còn rất nhiều những bài học nữa mà trẻ sẽ được cung cấp khi đến trường mầm non mà tôi sẽ gửi tới các bạn vào kỳ tới.
Là những bậc cha mẹ, chúng ta hãy nên biết và tìm hiểu xem con mình đã học được những gì và cần học những gì để phối hợp với cô giáo và nhà trường giúp con phát triển tốt nhất.
|
Thiện Kế, ngày 09 tháng 12 năm 2015 Người viết
GV. Hoàng Thị Nhung |