Tin tức/(Trường MN Quang Minh)/HOẠT ĐỘNG TRƯỜNG/
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG CÚM A H7N9
Hiện nay dịch cúm A(H7N9) đang gia tăng nhanh tại Trung Quốc. Xuất hiện lại từ tháng 10/2016 tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 đến nay. So với các đợt trước, đợt này bùng phát rất mạnh, số mắc cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ Y tế, Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các ca mắc cúm H7N9 trên người cũng như trên gia cầm tuy nhiên Việt Nam có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc do đó với tốc độ gia tăng mạnh nguy cơ dịch cúm A H7N9 có thể xâm nhập vào nước ta là rất lớn.
Thực hiện công văn số 127/PGD&ĐT, ngày 15/3/2017 của PGD&ĐT về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống cúm A (H7N9) ở người trong trường học.
Trường mầm non Quang Minh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các bậc cha mẹ học sinh về cách phòng bệnh cúm A (H7N9).
- Cúm A (H7N9) là gì?
Là cách gọi cho một chủng virus cúm được tìm thấy ở các loài gia cầm , bình thường chúng chỉ lây lan giữa các loại gia cầm (vịt, gà, ngan, ngỗng) và các loại chim. Tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện gây bệnh ở trên người và đã có bệnh nhân tử vong.
- Đường lây bệnh.
Nguồn nhiễm bệnh được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc gia cầm bị bệnh hoặc từ môi trường bị nhiễm bệnh như (lồng chim, chuồng trại nuôi nhốt chim, gà, vịt) và trong môi trường xung quanh tại các chợ gia cầm.
Mặc dù có một số các trường hợp, những người sống gần gũi với người bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên cho đến hiện tại, tổ chức y tế thế giới cho biết là vi-rút không lây trực tiếp từ người sang người.
2. Triệu chứng của bệnh cúm A H7N9
Có triệu chứng của bệnh viêm phổi nặng như:
- Sốt đột ngột.
- Ho, đau họng,
- Khó thở, đau ngực.
- Do đó, nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh cúm A (H7N9), do đó chúng ta nên thực hiện một số biện pháp phòng bệnh sau.
3. Các biện pháp phòng bệnh
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc dọn các chất thải của gia súc, gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh. Tuyệt đối không nên ăn trứng chưa nấu chín (luộc chưa chín, hoặc trứng chiên ốp-la)
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.
- Tăng cường thông khí nơi làm việc, lớp học bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
- Thường xuyên vệ sinh sân trường, vệ sinh trong và ngoài lớp học, phòng làm việc, bàn ghế sạch sẽ.
- Thường xuyên lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường (xà phòng, các chất khử khuẩn gia dụng)
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết, Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Khi gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu hủy và báo cáo với cơ quan thú y tại chỗ. Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt gia súc gia cầm bệnh hay đã chết.
- Không nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, chế biến sử dụng gia cầm vật nuôi ốm/chết/không rõ nguồn gốc.
Trên đây là cách phòng bệnh cúm A (H7N9), cô mong rằng các em sẽ ghi nhớ để biết cách phòng tránh bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho mọi người.
Y TẾ HỌC ĐƯỜNG
Bạch Thị Thanh Xuân |