Tin tức Tin tức/(Mầm non demo 1)/Giáo dục Tiểu học/

Trường hơn 6 tỷ vẫn “phơi sương” sau hai mùa khai giảng

Chúng tôi gặp anh Phan Văn Hiển trước cổng trường tiểu học Tân Bình 2 (điểm chính, ấp Phú Hội, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) khi anh đưa cháu đến trường. Anh Hiển bức xúc nói: "Trường mới được xây dựng đã lâu và đã hoàn thành hơn 1 năm nay nhưng đến giờ các cháu vẫn chưa được vào trường mới học. Vừa rồi, tôi nghe năm học mới này các cháu sẽ được vào học, tuy nhiên, lễ khai giảng vừa qua, trường vẫn đóng cửa, các cháu vẫn học trường cũ”.

Từ nhiều bức xúc của người dân có con em đang theo học tại các điểm phụ của trường tiểu học Tân Bình 2, PV Dân trí tìm đến ngôi trường mới Tân Bình 2 được xây dựng tại ấp Tân Phú A, xã Tân Bình. Theo ghi nhận của PV, ngôi trường mới được xây dựng khá khang trang, với kết cấu 2 tầng, gồm 8 phòng học, có nhà để xe và một khoảng sân rộng, tha hồ cho các em vui chơi sau những giờ học.

Tuy nhiên khi vào bên trong, tại các trụ cột ở tầng trệt đều được đào bới một lỗ to, đất cát để nguyên. Riêng phần thân của các cột ở trệt và tầng 1 còn nguyên những vết khoan (đơn vị kiểm định), bê tông, bụi đá vẫn còn nguyên hiện trường. Điều đáng nói, tại thân cột, vách trước, hông và vách sau trường xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài. Cầu thang lên xuống và một số phòng học (tầng 1) đều bị thấm nước.

 

Điểm phụ Tân Bình 2 tại ấp Tân Phú B có cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo hồ sơ, dự án trường tiểu học Tân Bình 2 do Ban quản lý dự án xây dựng công trình huyện Thanh Bình làm chủ đầu tư. Công trình trường tiểu học Tân Bình 2 được xây dựng 8 phòng học, với tổng kinh phí 6,1 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư phòng học là 3,2 tỷ, phần còn lại là xây lắp. Trường được khởi công vào tháng 12/2013 và hoàn thành vào tháng 7/2014.

Liên quan đến lí do trường tiểu học Tân Bình 2 chưa đưa vào sử dụng sau hơn 1 năm hoàn thành, ông Võ Thành Lưỡng - Chánh văn phòng Sở xây dựng tỉnh Đồng Tháp truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Sở Xây dựng với PV Dân trí: Đối với công trình trường tiểu học Tân Bình 2 sau khi hoàn thành, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng đã đến kiểm định và xét thấy một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng theo qui định nên đây là lí do trường xây xong, các cháu học sinh chưa vào học. Xung quanh việc này, BGĐ Sở đã hướng dẫn rất cụ thể với đơn vị chủ đầu tư và giới thiệu đơn vị kiểm định có uy tính đến để khảo sát, kiểm định và đưa ra phương án sửa chữa sớm nhất.

Theo kết luận của Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng thì phần đài móng, sàn tầng 2 và sàn mái chưa đảm bảo chất lượng theo qui định. Cụ thể, phần đài móng cường độ nén bê tông của cấu kiện kiểm tra trục 1A, 3A, 7A, 8A… không đạt yêu cầu so với mác bê tông thiết kế là 200kg/cm3. Ở phần sàn tầng 2, cột tầng 2 cũng mắc lỗi tương tự.

Từ sự giới thiệu của Sở Xây dựng, ban quản lý dự án xây dựng công trình huyện Thanh Bình đã thuê các chuyên gia trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đến khảo sát, kiểm định và đã gửi kết quả về Sở Xây dựng. Theo ông Nguyễn Thanh Việt - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình huyện Thanh Bình cho biết, nếu kết quả kiểm định được thông qua thì huyện sẽ nỗ lực khắc phục, sửa chữa trong 1 tuần để sớm cho các em vào học.

 

Trường tiểu học Tân Bình 2 được xây mới vào tháng 12/2013 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2014 nhưng do có một số hạng mục không đảm bảo chất lượng nên đến nay vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài" như thế này.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí vào sáng 7/9, ông Lê Hà Luân - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp cho biết: "Vừa qua các chuyên gia của trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã đến kiểm định rồi và đã gửi kết quả cho Sở. Theo kết quả này, cơ bản công trình vẫn đảm bảo chất lượng, tuy nhiên vẫn có một số điểm cần khắc phục và thời gian khắc phục dự tính là 2 tuần. Nhưng vào ngày 8/9, sẽ có buổi họp xung quanh kết quả kiểm định cũng như phương án khắc phục của các chuyên gia và đơn vị chủ đầu tư. Khi đó, mới biết thời gian bắt đầu khắc phục và hoàn thành chính xác là khi nào”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thành Nhân - Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Bình 2 chia sẻ: "Mong mỏi của nhà trường cũng như của đông đảo phụ huynh và học sinh của trường là mong cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh làm thế nào để công trình trường tiểu học mới Tân Bình 2 sớm đưa vào sử dụng, vì đây là mong muốn lớn nhất của đông đảo phụ huynh".

Ông Nhân cho biết, hiện trường tiểu học Tân Bình 2 có 1 điểm chính điểm (đặt tại ấp Tân Hội) và 3 điểm phụ, mỗi điểm trường từ 4 -5 phòng học với tổng số học sinh 310 em. Nếu như trường mới được đưa vào sử dụng thì tất cả các học sinh đang học tại hai điểm phụ ấp Tân Phú B (điểm chùa) và ấp Tân Hội sẽ được đưa về trường mới học. Còn các học sinh đang theo học tại điểm chính vẫn học bình thường. Năm học 2015 -2016 tại 4 điểm trường, có 7 em học sinh chuyển trường. Riêng tại điểm phụ ấp Tân Phú B (điểm chùa) có 2 em học sinh chuyển trường, vì theo cha mẹ ra Bình Dương sinh sống.

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại điểm phụ trường tiểu học Tân Bình 2 (điểm chùa) phần sân và nền gạch hành lang trường và một số phòng học bị vỡ nhiều, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, việc sớm đưa ngôi trường mới vào sử dụng là mong ước của hàng trăm phụ huynh, học sinh cũng như chính quyền địa phương.

 

Trường tiểu học Tân Bình 2 (trường mới) được xây dựng trên một khuôn viên rất rộng và liền kề với Khu dân cư vượt lũ của xã Tân Bình

 

Trường tiểu học Tân Bình 2 (mới) được đầu tư xây dựng 8 phòng học với tổng kinh phí 6,1 tỷ đồng.

 

Trường khá khang trang, nhưng qua kiểm định có nhiều hạng mục chưa đảm bảo chất lượng nên đã bị Sở Xây dựng Đồng Tháp "đóng cửa" hơn một năm qua.

 

Tại một số phòng học và đường cầu thang lên xuống bị thấm nước thế này.

 

Vách tường, cột... xuất hiện nhiều vết nứt lớn, chạy dài thế này.

 

Phần la phông bị thấm nước tại cầu thang lên xuống.

 

Tại điểm phụ trường tiểu học Tân Bình 2 tại ấp Tân Phú B, hành lang, sân và nhiều hạng mục khác bị xuống cấp.

 

Cửa và sân tại điểm phụ trường tiểu học Tân Bình 2, ấp Tân Phú B.

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm