Tin tức Tin tức/(Mầm non demo 1)/Tin tức - Sự kiện/
Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Kim Bổng: Nhà khoa học người Việt được tôn kính
Ông
là Hoàng Kim Bổng, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Tiến sĩ khoa học,
Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Lý Hóa hấp phụ và các hiện tượng bề mặt Trường Đại học
Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU) và Trường Đại học Tổng hợp
hóa tinh vi mang tên Lômônôxốp.
Giáo
sư, Viện sĩ Hoàng Kim Bổng.
Người Việt Nam được tôn kính ở MGU
Buổi
sáng. Cuối tháng 6. Mátxcơva đẹp đến mê hồn. Nắng nhẹ, xe lạnh, trời trong veo.
Những hàng cây bạch dương đua nhau vẫy nhè nhẹ tán lá chào đón một ngày mới.
Đỗ Ngọc Hùng, một doanh nhân đang làm ăn và sinh sống ở Mastxcơva lái ô
tô đến khu ngoại giao đoàn đón tôi. “Nếu hôm nay thầy rỗi (Hùng từng là
sinh viên của tôi ở Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự, Bộ Quốc phòng - NV), em sẽ
đưa thầy tới thăm chú Bổng”.
Trên
đường đi, Hùng bảo rằng, gia đình anh “coi chú Bổng như người trong
nhà”, mặc dù chả có họ hàng gì. “Các con chú đều đã trưởng thành và đã về
Việt Nam. Chú ở đây một mình. Được Nhà nước Nga cấp cho một căn hộ ở ngoại ô.
Cuối tuần chú đi xe buýt về đó nghỉ ngơi. Thời gian còn lại thì ở và làm việc tại
ký túc xá nhà trường. Thường thì vào các ngày nghỉ, dịp lễ Tết, chúng em hay
mua đồ ăn thức uống đến nhà chú chế biến rồi thắp hương và chú cháu cùng liên
hoan. Nhưng cũng chả kể được, khi nào chú cần, gọi là em, hoặc vợ em lại tới,
mua cho chú con cá, vài quả bí xanh, ít gia vị” - Hùng kể. Và hôm nay, cũng là
một ngày như thế. “Chú Bổng” gọi, nói vừa ở bệnh viện ra, Hùng lại tới.
Dọc
đường, chúng tôi ghé vào một khu chợ của người Việt. Hùng mua cho “chú Bổng” những
món ăn mà “chú” thích như mọi khi. Sau 40 phút xe chạy, chúng tôi tới ký túc xá
của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp (gọi tắt là
Trường Đại học Lômônôxốp). Chờ Hùng lên phòng đón “chú Bổng”, tôi có dịp lang
thang dưới sân trường. Vẫn những con đường rải đá nhỏ nằm dưới những tán lá
xanh um của hàng táo. Trưa hè vắng bóng sinh viên. Đồi Lênin vẫn thơ mộng và hiền
lành như mấy chục năm về trước khi chúng tôi là những sinh viên lần đầu tiên đặt
chân tới đây.
Hùng
và Giáo sư Hoàng Kim Bổng đưa tôi tới nhà hàng của hai vợ chồng cùng là Tiến sĩ
người Việt Nam (từng tốt nghiệp đại học tại Nga) nằm cách không xa ga tầu điện
ngầm, nơi mà những người Việt Nam ở vùng Tây Nam Mátxcova hay tụ tập ăn trưa.
GS
Hoàng Kim Bổng ăn vận chỉnh tề: Complê tối màu, sơ mi trắng, cà vạt đỏ. Với mái
tóc bạc như cước, cặp kính trắng, ngồi nép mình một cách khiêm nhường bên chiếc
bàn nhỏ, nói năng nhẹ nhàng, từ tốn, nhìn ông, ít ai dám nghĩ đấy là một trong
những giáo sư hàng đầu của một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới
- Đại học Lômônôxốp. Ông cương quyết không chịu nói về mình. Ông bảo chuyện của
ông “cũng bình thường như những người khác, có gì đáng nói đâu”.
Giáo
sư Hoàng Kim Bổng tại Trường Đại học Lômônôxốp.
GS Hoàng Kim Bổng là ai?
Không
“khai thác” được gì nhiều từ Giáo sư Bổng về những công trình mà ông đã có, những
công việc mà ông đã làm và được tôn vinh, tôi đành lần tìm trên internet. Điều
trớ trêu là, trong khi các tài liệu bằng các thứ tiếng Anh, Nga nhan nhản nói về
ông, thì tiếng Việt chỉ vẻn vẹn vài dòng giới thiệu ông là “nhà khoa học hàng đầu
của nước Nga, được thế giới đánh giá cao” trong bản tin của người Việt Nam ở
Nga đăng tải khi Hội các nhà khoa học Việt Nam tại Nga gặp mặt trong dịp tết
nguyến đán.
Giáo
sư Hoàng Kim Bổng tốt nghiệp Trường Đại học tổng hợp Kisinhốp (Mônđôvia) mang
tên V.I.Lenin năm 1973. Từ năm 1989, ông làm việc tại Khoa Hóa và Công nghệ hữu
cơ MGU. Trong các năm 2002-2003 và 2005-2010, Hoàng Kim Bổng tham gia công tác
tại Ủy ban hỗn hợp Ucraina - Monđôvia về giám sát chất lượng chất hấp thụ
cácbon vào mục đích y tế. Giáo sư Bổng tham gia giảng dạy về lý thuyết hấp phụ
tại các trường đại học hàng đầu thế giới như: Đại học Tổng hợp Paris (Pháp), Đại
học Tổng hợp Bern (Thụy Sỹ), Đại học Tổng hợp Belarusia (Belarusia), Viện Sinh
thái và hấp phụ Uraina... Ông từng hướng dẫn thành công 9 luận án tiến sĩ khoa học,
hơn 70 thạc sĩ và nghiên cứu sinh các loại.
Ông
đã có hơn 250 công trình khoa học và các bài báo được công bố; nhận 14 giải thưởng
ở Nga và nước ngoài; viết 3 bộ sách giáo khoa; biên soạn một bộ tài liệu hướng
dẫn nghiên cứu khoa học (đồng tác giả với Pusnhiắc A. H, năm 1987, Kisinhốp).
Giai đoạn 1998- 2009, Hoàng Kim Bổng tham gia chủ trì hội thảo khoa học quốc tế
về xúc tác và hấp phụ tại Hoa Kỳ, Anh, Canada, CHLB Đức, Bungaria, Ba Lan, Thụy
Sĩ, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Từ năm 2002 tới nay,
ông là Chủ tịch, đồng thời là Giám đốc điều hành Chương trình quốc gia về hấp
phụ; Chương trình Khoa học kỹ thuật của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Liên bang
Nga “Nghiên cứu và phát triển khoa học phục vụ mục đích dân sinh”. Ông cũng là Giám
đốc điều hành Dự án Sáng tạo của Quỹ ưu tiên phát triển KHCN LB Nga. Nhiều công
trình của Giáo sư Bổng được trao tặng Huy chương vàng tại Triển lãm - Hội thảo
quốc tế lần thứ VI “Công nghệ cao. Đổi mới và Đầu tư”. Ngoài ra ông còn được tặng
thưởng 3 Bằng khen cấp I cho các công trình: “Phục hồi tổ hợp Khoa học công
nghiệp Nga”, “Hóa học 2002. Môi trường 2002” và “ Matxcơva- thành phố khoa học
2003”.
Cũng
xin nói thêm, hiện ông đang là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học châu Âu (nhiệm kỳ
2), kiêm trưởng Ban chuyên môn, người ký duyệt xác nhận các báo cáo khoa học
trước khi được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng của châu Âu.
Thành công không phải “trên trời
rơi xuống”
Trước
ngày tôi quay trở lại Việt Nam, Đỗ Ngọc Hùng lại đưa tôi đến chào từ biệt Giáo
sư, Viện sĩ Hoàng Kim Bổng. Lại cũng vẫn ở nhà hàng của vợ chồng tiến sĩ người
Việt. Lần này thì Giáo sư Bổng đã “cởi mở” hơn nhiều.
Giáo
sư Hoàng Kim Bổng thuộc dòng họ “danh gia vọng tộc”, nhưng thời thế thay đổi.
Cách mạng đã cuốn mọi thứ theo dòng chảy của nó. Tuổi thơ của ông trôi đi không
thực sự an lành. Sau cải cách ruộng đất, gia đình ông vẫn bị quy là “địa chủ”,
mặc dù bố mẹ ông tham gia kháng chiến, có công không nhỏ với cách mạng. Ông
không được đến trường. Mặc dù không ít lần bị bắt giam vào chuồng trâu vì “can
tội đứng sau vách liếp học lỏm thày giáo dạy học trò cùng trang lứa học chữ”,
nhưng vẫn “chứng nào tật nấy”, Hoàng Kim Bổng vẫn nhìn trộm. Lớn lên một chút,
Hoàng Kim Bổng được đến trường và vào thẳng lớp trên nhờ mấy năm “học lỏm” nên
đã đọc thông, viết thạo, tính toán vượt trội các bạn cùng lứa được dạy dỗ bài bản.
Tốt nghiệp phổ thông loại ưu tú, Hoàng Kim Bổng được đi du học Liên Xô. Cũng cần
nói thêm rằng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bấy giờ là
Giáo sư Tạ Quang Bửu có chính sách đưa những học sinh giỏi đi đào tạo nước
ngoài, bất kể họ thuộc thành phần, giai cấp nào. Năm 1968, Hoàng Kim Bổng vào học
Trường Đại học tổng hợp Kisinhốp mang tên V.I.Lenin (Cộng hòa Mônđavia), chuyên
ngành Hóa học. “Nếu được vào khoa lý thì mình chắc có triển vọng hơn nữa. Mình
ghét hóa học, rất thích môn vật lý, nhưng sứ quán xếp thế thì mình học thế
thôi. Ngày ấy người ta phân học theo kiểu “gạt ngang”: dăm người theo ngành
này, dăm bảy người khác theo ngành kia” - Giáo sư Bổng nhớ lại.
Đầu
tháng 7 năm 1973, tốt nghiệp loại ưu, Hoàng Kim Bổng về nước. Trong khi bạn bè
cùng lứa nhận việc và đi làm hết thì Hoàng Kim Bổng phải “ngồi chơi xơi nước” nửa
năm trời vì... có tới 3 trường (Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp, Học viện Kỹ
thuật Quân sự) “tranh giành” ông. “Cuối cùng Giáo sư Hà Học Trạc, Hiệu trưởng
Trường Đại học Bách khoa “thắng” nhờ có “mối quan hệ thân tình” với Bộ trưởng Bộ
Đại học và Trung học chuyên nghiệp Trần Hồng Quân” - ông Bổng nhớ lại. Cuối năm
1973, ông nhận việc ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau
một thời gian ngắn làm việc ông được tham dự thi nghiên cứu sinh với kết quả gần
như tuyệt đối. Tuy nhiên, trớ trêu thay, người ta đã không cho ông đi làm luận
án Phó Tiến sĩ. May cho ông là tình cờ Giáo sư Hà Học Trạc “sờ” tới hồ sơ của
ông. “Giỏi thế này sao không cho “nó” đi làm Phó tiến sĩ?” - Giáo sư Trạc ngạc
nhiên. Ông tức tốc gọi điện cho Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Bộ trưởng Quân cho kiểm
tra lại. Thì ra, trong hồ sơ xét duyệt nghiên cứu sinh của ông, một chuyên viên
lo hồ sơ thủ tục của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từng có “tư thù” với
ông, phê một câu rất ác ý: “gia đình có nợ máu với cách mạng”. Hồ sơ được “đính
chính”, nhưng mọi chuyện đã rồi. Danh sách nghiên cứu sinh đã xong từ lâu. Một
Vụ trưởng của Bộ hỏi ông: “Nếu Bộ làm hồ sơ cho anh đi thực tập sinh thì anh có
làm được luận án Phó tiến sĩ không?”. Hoàng Kim Bổng khẳng định như đinh đóng cột:
“Không chỉ làm được mà tôi sẽ hoàn thành nó trước thời hạn”. Chỉ trong một ngày
toàn bộ hồ sơ giấy tờ: Hộ chiếu, vé máy bay, các giấy tờ cần thiết khác được
hoàn thiện. Ngày hôm sau, ông rời Hà Nội bay về Trường Đại học tổng hợp
Kisinhốp, nơi ông từng học 5 năm trời.
Có
thể nói đây là giai đoạn đầy khó khăn đối với công việc của Hoàng Kim Bổng.
Liên Xô đang trên đường tan rã. Mặc dù vậy, Hoàng Kim Bổng đã vượt lên tất cả.
Ông Hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ trong vòng chỉ hơn 2 năm trời, thay vì 4 năm
như quy định. Về nước, ông tiếp tục giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau
này ông tiếp tục hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học, mặc dù cũng gặp muôn vàn
khó khăn. “Vẫn cứ như là chuyện cổ tích ấy. Mỗi lần gặp khó khăn, gần như là đến
cùng cực thì Bụt lại hiện lên: Làm sao con khóc? Rồi Bụt lại ra tay giúp đỡ” -
Giáo sư Bổng đùa vui.
Giáo
sư Hoàng Kim Bổng ở lại Nga làm việc tại Trường Đại học Lômônôxốp theo một hiệp
định giữa hai nhà nước Việt - Nga về trao đổi chuyên gia cho tới ngày hôm
nay.
Tác
giả bài viết và Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Kim Bổng (bên phải).
Trước
hôm tôi và Đỗ Ngọc Hùng tới thăm Giáo sư Hoàng Kim Bổng thì ông vừa đi giảng
bài ở Canada và Anh quốc về. Ông bảo, khi ngồi ở sân bay chờ về Mátxcơva, ông
đã bị chóng mặt. Ông đã kịp thời được đưa vào bệnh viện để điều trị. Mặc dù còn
mệt, nhưng khi chúng tôi tới, ông hết sức hồ hời: “Gặp các cậu tớ khỏe ra nhiều
rồi!”. Khi chia tay, ông vẫn cứ nhắc đi nhắc lại: “Đừng viết gì nhiều về mình đấy
nhé!”.
Tôi
đã không thể giữ lời hứa với ông. Không thể không viết về ông, người đã giành rất
nhiều vinh quang trong khoa học, đã cống hiến nhiều cho nhân loại (nhưng tiếc rằng,
cho đến nay, không mấy người Việt Nam biết về ông). Khi đọc được những dòng
này, rất có thể, ông sẽ lại không hài lòng.
Tin cùng chuyên mục
- Học sinh lớp 8 làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt từ nguyên vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền
- GS Toán học người Pháp nói về việc giữ chân nhân tài
- Thiếu niên Canada gốc Việt phát minh thiết bị cảnh báo trụy tim vì mẹ
- Nam sinh cấp 3 chế tạo thành công ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời