Ngày đăng : 20-12-2017
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017), chiều nay, ngày 19/12, trường Tiểu học Bắc Lý số 2 tổ chức cho học sinh học tập di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ. Tham gia buổi học tập cùng 150 học sinh lớp 4,5 có đại điện Ban di tích của đình; các đồng chí trong Ban giám hiệu, đại diện các ban ngành, giáo viên chủ nhiệm lớp 4,5 của nhà trường.
Đình Lỗ Hạnh xã Đông Lỗ được xây dựng vào tháng Giêng năm Bính Tý, Niên hiệu Sùng Khang - 1576, là di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu “ Đệ nhất Kinh Bắc”. Đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Công chúa vì có công đánh giặc Thục xâm lược. Khác với những đình làng ở những miền quê khác của Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đình Lỗ Hạnh được nằm nấp né mãi phía sau làng. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu nhất không chỉ ở làng xã này, mà còn là của vùng Kinh Bắc và đất nước ta. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn đứng trầm mặc, yên lặng như xưa. Năm 1990, đình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, đình là nơi thờ chung của 03 làng Chằm, Chúng và Khoát.
Là một trong những ngôi đình có niên đại sớm nhất cả nước, đình Lỗ hạnh còn mang đậm nét văn hóa tiêu biểu, đó là nơi diễn ra hát ca trù của các ca nương, kép đàn trong các giáo phường. Điều này được khẳng định trong 02 di sản phi vật thể vô giá vẫn lưu giữ trong đình. Bức chạm một cô gái ngồi trên lưng hươu gảy đàn đáy. Cây đàn duy nhất chỉ dùng cho hát ca trù và hai bức tranh sơn mài “bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung thể hiện 8 nàng tiên đứng trên mây tỏa. Mỗi cô mang một nhạc cụ sáo, nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Qua 02 hình ảnh này cho thấy, ca trù ở Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ được ra đời rất sớm. Tuy nhiên do lịch sử, ca trù ở đây đã có thời gian bị lắng đi. Kể từ khi ca trù của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Ca trù nơi đây tiếp tục được khơi dậy và bảo tồn. Đến nay, Các câu lạc bộ ca trù trong các làng ở xã Đông Lỗ được hoạt động thường xuyên, mạnh mẽ nhất là các dịp lễ tết. Vì thế, hàng năm, đình Lỗ Hạnh còn là trường học để các em học sinh địa phương trong huyện về học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất.
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017), nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 4,5 học tập lịch sử - văn hóa của ngôi đình. Tại đây, các em được cụ Nghiêm Văn Thịnh - thành viên Ban di tích đình đã giới thiệu về sự ra đời của ngôi đình, công lao to lớn đánh giặc Thục xâm lược của Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Công chúa, những nét văn hóa tiêu biểu của đình và nghe hát cà trù. Sau khi được tham quan, học tập, các em đã có bài viết hoặc bài vẽ thể hiện tình cảm của mình đối với ngôi đình. Qua đây giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước của ông cha ta và lý tưởng đạo đức cách mạng của thế hệ trẻ trong thời đại mới. Cũng nhân dịp này, 30 nhi đồng tiêu biểu của lớp 4 được kết nạp vào Đội. Lần đầu tiên được mang chiếc khăn quàng đỏ trên vai, chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đội trước di tích lịch sử - văn hóa, các em vô cùng tự hào và hứa sẽ chăm ngoan học giỏi để trở thành những người có ích cho đất nước. Điều này càng khẳng định ý nghĩa to lớn của đình Lỗ Hạnh “ Đệ nhất kinh Bắc” - Một di tích lịch sử -văn hóa cấp quốc gia.