Ngày đăng : 25-03-2017
Nâng cao những kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là một nhiệm vụ quan trọng nhằm hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết trong học tập, rèn luyện và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở bậc Tiểu học của huyện Hiệp Hòa luôn được Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo. Tổ chức tốt hoạt động này giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện.
Thực hiện Kế hoạch năm học, sáng nay 25/3, trường TH Hoàng Vân, huyện Huyện Hiệp Hòa tổ chức Ngày hội “ Em tập làm sản phẩm truyền thống quê em”. Mục tiêu của Ngày hội là giúp học sinh luôn nhớ về quê hương, gia đình và biết làm các sản phẩm ở ngay địa phương mình. Qua đó giáo dục cho học sinh đức tính chăm chỉ, yêu lao động và trân trọng các sản phẩm do người lao động làm ra.
Xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa nổi tiếng với thương hiệu “ Bánh chưng làng Vân”. Không phải ở trong huyện mà khắp nơi các tỉnh lân cận đều đã biết và thưởng thức sản phẩm này. Bánh chưng ở đây không phải chỉ gói vào ngày lễ tết mà được khách mua quanh năm để ăn trong đám cưới, đám giỗ… Do đặc điểm của vùng miền núi, ngoài bánh chưng, một số bánh cần tới nguyên liệu sẵn có của địa phương như bánh gai, bánh tro ( bánh gio)... cũng được Hoàng Vân lưu truyền và trở thành truyền thống của quê hương. Bên cạnh đó, Hoàng Vân còn nổi tiếng với cây trám đen. Vì thế, về với Hoàng Vân món nham trám và bánh chưng sẽ làm nức lòng du khách.
Với ý nghĩa giáo dục truyền thống quê hương, Ngày hội của trường TH Hoàng Vân đã thu hút được nhiều nghệ nhân có tay nghề cao của địa phương tham gia hướng dẫn học sinh thực hành. Qua trao đổi, các em đều nhớ rất kỹ: Gói bánh chưng phải bằng là chít mới đảm bảo. Gạo nếp hoa vàng, nhân đỗ xanh và thịt lợn là nguyên liệu chính làm nên cho bánh dẻo và thơm ngon. Đối với món nham trám, các em đều cho rằng, muốn ăn món này vừa bùi, vừa béo và hương thơm khác lạ thì nguyên liệu chính không thể thiếu được đó là lá hẹ, lá gừng, cá nướng, thịt lợn luộc ( loại thịt thăn)... Sau hơn một giờ đồng hồ, dưới sự trợ giúp của phụ huynh, học sinh thực hành gói, làm các loại bánh và món nham trám khá ngon. Không kể nam hay nữ, các em rất khéo léo đặt từng chiếc lá, cho gạo và nhân rồi cuốn những chiếc bánh khá đẹp. Nhìn những đĩa nham trám đủ màu sắc và những chiếc bánh do chính tay của học sinh làm mới thấy hết được ý nghĩa, giá trị của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm như thế này. Qua đây, những kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của học sinh được phát huy. Các năng lực cần thiết như tự giải quyết công việc, biết hợp tác, chia sẻ và những phẩm chất về đoàn kết với bạn bè, chăm học chăm làm được bộc lộ.
Tuy nhiên, giáo dục truyền thống quê hương nếu chỉ có riêng nhà trường tổ chức thì vẫn chưa đủ và hiệu quả sẽ không cao. Một trong những nội dung làm nên thành công của Ngày hội này còn có sự đóng góp công sức to lớn của phụ huynh học sinh. Tất cả các nguyên liệu, thiết bị phục vụ Ngày hội đều do phụ huynh ủng hộ. Và trong Ngày hội này, ngoài ý nghĩa là thi đua học tập, rèn luyện của học sinh thì việc truyền lửa cho các em giữ nghề truyền thống của quê hương còn quan trọng hơn nhiều. Vì thế, thành công của Ngày hội là do trường TH Hoàng Vân đã biết tận dụng, phối hợp tốt phụ huynh và nhân dân địa phương để giúp các em được buổi trải nghiệm đầy thú vị. Đây chính là mục tiêu, yêu cầu quan trọng về sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh mà mỗi nhà trường cần phát huy.