Tin tức : Các phong trào thi đua

Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và những điều muốn nói

Ngày đăng : 06-02-2018

Với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ ngày 01-04/2/2018, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi bậc tiểu học huyện Hiệp Hòa, chu kỳ 2017 - 2019 đã mang lại nhiều kỷ niệm khó phai trong mỗi giáo viên.

Vòng 3 của Hội thi là những giáo viên xuất sắc được lựa chọn từ 2 vòng sáng kiến và kiểm tra kiến thức về công tác chủ nhiệm lớp. Ở vòng này, mỗi giáo viên được tham gia 2 phần thi: Kể chuyện về một kỷ niệm trong công tác chủ nhiệm của bản thân và trả lời câu hỏi tình huống. Mỗi câu chuyện được giáo viên kể mang một cảm xúc khác nhau nhưng đều chan chứa tình yêu thương, trách nhiệm đối với học sinh thân yêu của mình.

Hơn 20 năm công tác, cô giáo Văn Thị Phương Lan, trường tiểu học thị trấn Thắng có nhiều kỷ niệm từ những ngày đầu lên lớp khi công tác tại trường Tiểu học Đông Lỗ. Hơn 20 năm qua, hình ảnh cậu học trò nghèo lớp 5A ngày ấy vẫn in đậm trong trái tim cô. Học yếu lại hay đùa nghịch nhưng được cô dìu dắt, động viên thường xuyên, cậu học trò dần dần chăm ngoan hơn, học tập tiến bộ hơn. Đến nay cậu học trò ấy đã trưởng thành và không quên được cô giáo cũ. Cô Lan rất tự hào về nghề mình đã chọn và mong muốn được cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Thông điệp cô gửi đến Hội thi cũng như những giáo viên trẻ: Muốn học sinh chăm ngoan, học giỏi, hãy dành nhiều tình yêu thương đối với các em và bất cứ lúc nào, lòng yêu nghề thực sự sẽ lại hạnh phúc cho chính người giáo viên.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Kim Ngân đến từ trường Tiểu học Xuân Cẩm. Gần 4 năm trong nghề, cô Ngân đã thể hiện rõ vai trò khá vũng vàng của một giáo viên chủ nhiệm lớp với một “ Kỷ niệm khó quên ”. Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã thuyết phục được gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để em học sinh được đi học như bao bạn khác. Với cô, muốn học sinh học tập tốt phải hiểu hoàn cảnh của mỗi em để có giải pháp giúp các em học tập tốt. Và kỷ niệm đó không bao giờ quên được và nó là bài học kinh nghiệm quý báu về công tác chủ nhiệm lớp hiện nay của bản thân.

Đến từ trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mai Đình, cô giáo Ngô Thị Hà đã gợi lại một ký ức “ Ngày ấy”. Chuyện về cô học trò nhò. Do hoàn cảnh éo le, Linh đã nghỉ học nhiều ngày, bằng tình cảm chân thành của cô thuyết phục gia đình để em trở lại lớp. Bằng lời kể tha thiết, tình cảm cộng với sân khấu hóa rất khéo léo, “  Ngày ấy ” được tái hiện lại trong sự ân cần, nhiệt tình, cũng rất cởi mở cùa cô giáo trước gia đình học sinh đã làm cho người xem vô cùng xúc động và cảm phục. Thông điệp cô gửi đến Hội thi: Trao yêu thương để nhận lại yêu thương.

Chồng công tác xa nhà, một mình nuôi 2 con nhỏ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thảo, trường Tiểu học Bắc Lý số 2 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong những năm còn thi học sinh giỏi, vừa làm công tác chủ nhiệm lớp, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục lớp chủ nhiệm cô còn mang nhiều giải qua các cuộc thi học sinh giỏi cho nhà trường. Hình ảnh cậu học trò mồ côi cả cha mẹ được cô kể trong Hội thi làm xúc động người nghe. Thương em mồ côi cha mẹ, việc cô cần là được chăm lo cho em học tập. Nhưng việc chăm lo cho em tưởng là đơn giản nhưng lại là nấc thang quan trọng để em học xa hơn. Với giải nhì học sinh giỏi cấp huyện năm học đó, cộng với sự động viên, quan tâm của họ hàng, cô giáo, bạn bè, cậu học trò tiếp tục học cao hơn. Giờ đây, cậu học trò đã là sinh viên của một trường Đại học, cô trò vẫn thường xuyên liên hệ với nhau. Cô Thảo vô cùng tự hào và luôn cảm ơn em. Nhờ có em mà giúp cô tăng thêm nghị lực, phần đấu hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Được phụ họa bằng nhân vật thật, cô giáo Nguyễn Thị Hà đến từ trường Tiểu học Hợp Thịnh số 2 đã mang đến Hội thi câu chuyện đơn giản mà sâu sắc. “ Chiếc răng sứt” - câu chuyện kể về 2 học trò nữ vì một lần va chạm đã bị sứt một chiếc răng. Do hiểu lầm mà dẫn đến sự căng thẳng của gia đình học sinh. Nhờ có sự giải quyết hợp tình, hợp lý với phụ huynh và học sinh, cuối cùng mâu thuẫn đã được giải quyết. 2 học sinh trở lại yêu thương, hòa thuận với nhau. Bài học mà cô Hà đã rút ra: Phải có một trái tim chân thành sẽ giải quyết được mọi khó khăn để nâng cao chất lượng học sinh lớp chủ nhiệm.

Với giọng kể trầm bổng, tha thiết, cô giáo Nguyễn Ngọc Hiên đến từ trường Tiểu học Hoàng Vân đã kể một câu chuyện rất thường ngày về đám học trò tinh nghịch nhưng cũng đầy ý nghĩa. Qua câu chuyện về ô của kính nhỏ đã giúp cho học sinh nhận thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và giữ gìn của công. Với cách xử lý khá thông mình, cô đã giúp cho đám học trò tinh nghịch ấy trở nên trung thực hơn, biết đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Với cô mọi việc có thể giải quyết được khi mà mỗi giáo viên cần quan tâm sâu sắc tới mỗi học sinh và mỗi việc nhỏ nhất trong lớp chủ nhiệm, có vậy chất lương giáo dục toàn diện của các em luôn được nâng lên.

Và rất nhiều câu chuyện khác cùng với những tình huống được giáo viên xử lý khá xuất sắc. Mỗi câu chuyện hay tình huống xử lý của giáo viên mang đậm trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm trong việc quan tâm, dìu dắt học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh năng khiếu… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Hoặc cách phối hợp khéo léo với gia đình, xã hội để tham gia cùng giáo dục học sinh của mình, tạo được mối quan hệ thân thiện giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đây càng bộc lộ rõ năng lực về công tác chủ nhiệm cũng như chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay. Hội thi khép lại nhưng những kỷ niệm được chia sẻ sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho mỗi giáo viên để làm hành trang cho công tác chủ nhiệm của mình trong những năm tiếp theo.

Trần Văn Định

Xem thêm...
Văn bản mới nhất

Website đơn vị