Thứ tư, 08/01/2025 00:22:07
Bộ trưởng ăn bánh mì tiếp dân mãi được không?

Đây là câu hỏi của một vị lão thành cách mạng đã nghỉ hưu gửi đến Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 21/9 trên truyền hình quốc gia.

Đáp lại câu hỏi này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích, Luật Tiếp công dân quy định lãnh đạo các cấp phải dành thời gian ít nhất 1 ngày tiếp công dân/tháng. Vì vậy, trong lần đầu tiên cùng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tiếp công dân, ông Tranh đã cố gắng tập trung giải quyết cho nhiều vụ việc.

Buổi tiếp dân lần đầu theo cách thức mới đó được đánh giá đạt hiệu quả và Tổng Thanh tra Chính phủ xác nhận việc ông và Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chỉ dành 30 phút nghỉ trưa, ăn bánh mì là sự thật.
“Truy vấn” Tổng Thanh tra Chính phủ việc ăn bánh mì tiếp dân
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong buổi đầu tiếp công dân cùng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Trong ngày hôm đó, đoàn công tác đã giải quyết được 6 vụ việc. Qua tiếp công dân, 2 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trao đổi, hướng dẫn, giải thích cho người khiếu nại và giao vụ việc cho các cơ quan liên quan xử lý. Kết quả, trong 1 tháng, một vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, còn 5 vụ khác thì 3 vụ thành lập đoàn thanh tra, 2 vụ giao UBND TP.Hà Nội trực tiếp rà soát và giải quyết.

“Chúng tôi đánh giá, việc tiếp dân ngay ngày đầu tiên là hiệu quả vì vậy yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan nhà nước các cấp, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đúng yêu cầu, đúng quy định của luật là dành ít nhất 1 ngày trong 1 tháng để lắng nghe xem xét và chỉ đạo cơ quan nhà nước tiếp công dân và giải quyết ý kiến của nhân dân” – ông Tranh khái quát.

Đề cập đến một trường hợp người dân cụ thể đã theo đuổi khiếu kiện một vụ việc 16 năm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định ngay, ngầy ấy thời gian mà việc chưa giải quyết, xét về trách nhiệm, cấp có thẩm quyền nào mà không thực hiện coi như có khuyết điểm.

Tuy nhiên, về phía người dân cũng phải xem xét lại việc khiếu kiện đó có đúng thẩm quyền không, có đúng trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước không, hay khiếu kiện vượt cấp. Ông Tranh giải thích, việc đặt hy vọng là khiếu nại càng cao giải quyết càng nhanh là không đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho rằng, cả hai phía – cơ quan nhà nước và người dân đều phải xem xét lại. Nếu cơ quan nhà nước sai phải nhận khuyết điểm, thụ lý vụ việc và giải quyết đúng thẩm quyền. Nếu người dân sai, khiếu nại chưa đúng thì cần tiến hành việc khiếu nại đúng quy định của pháp luật.

Ông Tranh cũng cho biết, thời gian qua, có nhiều vụ việc đã giải quyết đến nơi đến chốn nhưng người dân vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục khiếu kiện. Áp theo quy định của Luật tiếp Công dân, Điều 26 có quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối quyền khiếu nại của người dân.

Với trường hợp đơn vị tiếp dân ở cấp cơ sở không thực hiện đúng chức năng của mình, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, theo Điều 9 luật Tiếp công dân, có 8 hành vi bị cấm, trong đó luật nghiêm cấm việc thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Vậy nên, nếu cơ quan tiếp công dân có hành vi vi phạm vào 8 điều cấm này thì có thể xử lý bằng hình thức chấn chỉnh, xử lý hành chính, kỷ luật về mặt tổ chức, nặng hơn thì xử lý theo quy định của pháp luật.
 

Làm sao để xử việc cấp dưới “chống lệnh” cấp trên?

Về hiện tượng nhiều vụ việc khiếu kiện Thanh tra Chính phủ đã quyết định, kết luận rất rõ ràng, nhưng tính hiệu lực không cao vì không có người thực hiện và cũng không có người giám sát thực hiện các quyết định này, câu hỏi đặt ra với Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh là biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đánh giá nhiều địa phương đã rất tích cực để chấm dứt tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân, bởi đây là quyết định được các cơ quan có thẩm quyền quyết định vì vậy phải có hiệu lực. Tuy nhiên, cũng còn một vài địa phương có vụ việc thực hiện không nghiêm làm cho dân bức xúc vì những quyết định có hiệu lực chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn.

Ngoài ra, việc thực hiện kỉ luật hành chính đối với Trung ương và địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn có một số vụ việc chưa được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, có vụ việc Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng chưa thực hiện kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả khiếu nại tố cáo.

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị, việc thực hiện các Quyết định đã có hiệu lực phải tích cực hơn để đạt mục tiêu chấm dứt, giải quyết khiếu nại các vụ việc. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấp dưới phải chấp hành, thực hiện lệnh cấp trên. Khi đó, kỷ cương phép nước mới được thực hiện nghiêm.

Tác giả:

Xem thêm