Nhật Bản: “Giáo dục đạo đức” là cốt lõi

Ngày: 23/09/2014

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định giáo dục Nhật Bản thời kỳ cận-hiện đại được bắt đầu từ thời Minh Trị (1868-1912). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật, các quy định giáo dục thời Minh Trị chưa nhắc đến “triết lý giáo dục”. Mãi sau Thế chiến thứ II, các nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật cho rằng giáo dục Nhật Bản ngay từ trước 1945 vận hành theo triết lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức” - được thể hiện trong Sắc chỉ giáo dục (hay còn được biết đến là “thánh chỉ” của Thiên hoàng Minh Trị ban bố vào năm 1879). Triết lý “đạo đức” trong thánh chỉ của Minh Trị chứa thông điệp giáo dục đạo đức mang màu sắc Nho giáo - hết lòng vì vua, trung quân mới là ái quốc.

Từ “thầy công bằng” đến “trò cống hiến”

Thời Minh Trị, từ triết lý “đạo đức”, không phân biệt hoàn cảnh, sắc tộc, tôn giáo, giai tầng của bất cứ thanh niên nào, hễ có tiềm năng và phát huy được tố chất, mong mỏi và khát vọng phát triển quốc gia, chính phủ Nhật liền đưa sang các nước phương Tây để tiếp thu các giá trị khoa học kỹ thuật, công nghệ mới rồi quay về phục vụ “vua”. Triết lý “đào tạo người phục vụ cho đất nước” dựa trên nguyên tắc công bằng nhanh chóng mang về hiệu quả khi nhân tài từ phương Tây trở về phục vụ Nhật Bản.

Giáo dục Nhật nhờ đó mà học hỏi tinh túy từ hệ thống giáo dục nước ngoài: Hệ thống hành chính giáo dục chặt chẽ và trật tự của Pháp; hệ thống đại học “người dẫn đầu”, tập trung phát triển giáo dục đại học theo mô hình các trường đại học ưu tú của Đức; mô hình trường học công lập dựa trên đạo đức và sự công bằng cho mọi người từ Anh; cùng với phương châm “Trường học phải đảm bảo sự phát triển cho tất cả trẻ em” đến từ John Dewey, một nhà triết học và nhà cải cách giáo dục Mỹ. Nhờ việc dạy cho trẻ triết lý “ái quốc”, một lực lượng đông đảo trí thức Nhật tiếp thu Tây học nhanh chóng quay về, đưa Nhật Bản theo kịp quá trình hiện đại hóa quốc gia với nhiều nước phương Tây.

Bài 2: Nhật Bản:“Giáo dục đạo đức” là cốt lõi
Giáo dục Nhật Bản tạo ra những con người biết cống hiến cho đất nước trên nền tảng “kỷ luật thép” và sự chia sẻ gánh nặng với mọi người xung quanh. (Ảnh minh họa: jaccc.org)

Hiện nay các lớp học ở Nhật không tổ chức theo kiểu “gom học sinh có điểm số cao lại với nhau”. Nhà trường cũng không chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.

Cho đến vài năm gần đây Nhật Bản mới chủ trương thí điểm kỳ thi cho các em lớp 6 và lớp 9 nhằm giám sát hiệu suất của hệ thống giáo dục chứ không phải đánh giá năng lực học sinh. Kỳ thi chính thức duy nhất chỉ được tổ chức để các em học sinh vào học trường trung học và đại học.

Gánh nặng thi cử được chia sẻ lên vai của thầy cô, cha mẹ, bạn bè cùng lớp của các em học sinh. Thầy cô dạy cho trẻ nghĩa vụ giúp bạn vượt khó vì đó là giá trị “đạo đức” - yếu tố truyền thống của người Nhật, đồng thời cũng là cơ hội để cả học sinh yếu tiến bộ, còn học sinh giỏi trải nghiệm và rút kinh nghiệm được nhiều điều từ người bạn của mình.

Trách nhiệm của thầy cô với trẻ rất cao, được thể hiện thông qua môi trường học tập thầy cô xây dựng cho trẻ trải nghiệm; mối quan hệ tương trợ của thầy cô với trẻ em ngoài giờ học; sự kết hợp giữa thầy cô với phụ huynh để giúp trẻ vượt khó khăn và phát triển toàn diện. Năng lực của giáo viên được đánh giá thông qua những thành quả hiện hữu, những sáng kiến đột phá, mức độ đóng góp vì cộng đồng… của các em học sinh mà họ giảng dạy (chứ không phải điểm số).

Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên của các trường học được phân bố theo các quận và luân chuyển thường xuyên để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự độc tài nào tồn tại. Chưa kể việc phân bổ tài chính, y tế, khuyến học… từ chính phủ cũng rất công bằng, nhằm hình thành tư duy công bằng trong suy nghĩ trẻ. Từ triết lý “đạo đức”, môi trường giáo dục công bằng qua nhiều thế hệ tạo ra một nước Nhật rất minh bạch, với tỉ lệ tiêu cực và tham nhũng rất thấp. Theo số liệu mới nhất, Nhật Bản đứng thứ 17/178 nước trên thế giới về minh bạch.

Ý thức “tuân thủ kỷ luật” tuyệt đối

Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong (Nigeria) trong bài viết “Triết lý giáo dục và những ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của quốc gia” đã dẫn lời nhà nghiên cứu giáo dục F. N. Kerlinger (1951) nhận định giáo dục Nhật Bản sau thời Minh Trị, rõ nhất là từ giữa thế kỷ 20 cho đến tận nay, vẫn vận hành theo triết lý “shữshin”. Hiểu nôm na, “shữshin” được gói gọn trong từ “đạo đức” - trung tâm của giáo dục kiến thức, đời sống, sinh hoạt, kỹ năng làm việc của người Nhật.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bản dịch Luật giáo dục cơ bản (được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006) đã chỉ ra triết lý “đạo đức làm nền tảng trong giáo dục” của người Nhật được mô tả: “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng quốc dân có thể mài giũa nhân cách bản thân...”. Tuy nhiên, triết lý giáo dục “đạo đức” không còn là đào tạo người trung quân ái quốc.

Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong còn cắt nghĩa “đạo đức” trong triết lý giáo dục người Nhật ngày nay chính là tính kỷ luật trong đời sống, sinh hoạt và làm việc. Bassey Ubong mô tả “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm”.

Người Nhật luôn tin tưởng rằng nếu giáo dục tính kỷ luật hiệu quả cho một thế hệ trẻ em hôm nay thì trong tương lai gần Nhật Bản sẽ nhận được một thế hệ nhân tài trưởng thành “kỷ luật thép”, có khả năng đóng góp to lớn cho tổ quốc. Các nguyên tắc kỷ luật: Quản lý thời gian; tuân thủ quy trình làm việc, nguyên tắc hợp tác và phối hợp, tự phê bình bản thân, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hoàn cảnh, văn hóa từ chức… được người Nhật hiểu và vận dụng thuần thục. Lý thuyết ngành kinh tế học đã chứng minh được rằng người Nhật đã đúng khi tích lũy tính kỷ luật cho từng thế hệ trẻ em. Qua nhiều thập niên, các thế hệ người trưởng thành cộng hưởng các giá trị kỷ luật, tạo thành một dân tộc làm việc khoa học, bài bản, hiệu quả tối đa.

Giáo dục tư duy “tự lập” để học tập suốt đời

Trên nền tảng triết lý giáo dục đạo đức, trẻ em Nhật còn được định hướng “đạo đức = tự lực cánh sinh”. Mỗi bản thân cố gắng học tập, làm việc tự chủ, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức. Việc tự lập còn giúp học sinh có cuộc đời phong phú, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời mình và có thể vận dụng thích hợp những thành quả đó.

Để thực hiện triết lý này, nội dung và phương pháp giáo dục môn nghiên cứu xã hội được nhấn mạnh “học sinh làm trung tâm” và nhấn mạnh giá trị trải nghiệm từ các bài học hơn là nhồi nhét kiến thức. Nhật thay đổi hệ thống sách quốc định thành kiểm định - nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để tăng cường khả năng phản biện cho học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo.

Chưa dừng tại đó, trong các lớp học, học sinh phổ thông sớm được giáo viên dạy rằng “không có chân lý đúng vĩnh viễn”. Thế nên các bài học thầy cô đưa ra đều được “trích nguồn”, cổ vũ các em tìm thêm nguồn thông tin, góc nhìn, phát hiện vấn đề mới. Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật nằm trong tốp đầu các quốc gia có lượng bằng sáng chế “khủng” nhất thế giới với vô số thương hiệu tồn tại xuyên thế kỷ.

Thầy cô thường xuyên trao đổi, tư vấn cho bậc cha mẹ chủ động dạy cho con họ tính tự lập, ngay trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

demo
Tin liên quan