Thư viện ảnh

  • Lễ khai giảng ở nơi học sinh… tay không đến lớp
  • Bỡ ngỡ trong lễ khai giảng đầu tiên
  • Nhiều trò chơi vui nhộn trong lễ khai giảng

Thống kê

Đang online:

Tổng lượng truy cập:

Tin tức : (Phòng Giáo dục & Đào tạo Huyện Cukuin)/Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao nhiệm vụ trọng tâm trước thềm năm học mới

17/07/2017

Phát biểu tại hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2017 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp trong năm học 2017 – 2018 của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Chỉ rõ điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hiện nay, Bộ trưởng biểu dương những địa phương có điểm sáng và nhấn mạnh những điểm sáng này cần được đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm.

Nhiều địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp theo hướng đổi mới. Đặc biệt, cả nước đã hoàn thành công tác đổi mới thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được phối hợp tổ chức nhịp nhàng từ Trung ương đến các địa phương, là một điểm sáng, thành công lớn của ngành trong năm học. Bộ trưởng lưu ý các Sở GD&ĐT phải tiếp tục chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp theo tinh thần đơn giản, giảm nhẹ gánh nặng cho học sinh và nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Công tác truyền thông cũng là điểm sáng trong năm học vừa qua, giúp xã hội hiểu và đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ hơn với ngành. Tuy nhiên so với yêu cầu phải cố gắng nhiều hơn nữa; ”Các địa phương phải có chiến lược truyền thông trong từng việc, nhiệm vụ cụ thể” - Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh công tác tham mưu của các Sở GD&ĐT với chính quyền địa phương là đặc biệt quan trọng để tranh thủ các nguồn lực dành cho phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Thực tế cho thấy ở địa phương nào có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, việc thực hiện những nhiệm vụ trên đây có những thành tựu, điểm sáng...

Tạo đà cho năm học mới

Ý kiến tham luận của các Giám đốc Sở khẳng định việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của năm học đã tạo đà cho giáo dục các tỉnh khởi sắc.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải phòng cho rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã sát sao làm việc, tháo gỡ với từng địa phương. Sau buổi làm việc của Bộ trưởng thì Thành ủy Hải Phòng đã có sự chỉ đạo ngay với ngành GD&ĐT. Cùng với đó, công tác thông tin-truyền thông của Bộ cũng có những đổi mới tích cực. Bộ cũng đã rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học.

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh báo cáo tại hội nghị đã đánh giá sát sao và cụ thể nhằm giúp các địa phương rút ra được những kinh nghiệm, bài học trong việc triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ và các giải pháp.

Ngay khi kết thúc năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chủ động báo cáo tình hình hoạt động của ngành với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đã được các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh rất chia sẻ và đồng tình hưởng ứng.

Nêu kiến nghị, ông Bùi Trọng Đắc bày tỏ: Việc thực hiện bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cần rất nhiều kinh phí, trong đó có nguồn kinh phí của địa phương. Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để bố trí kinh phí thực hiện và có cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với chính quyền địa phương trong việc tổ chức, huy động nguồn kinh phí cho công tác này.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết: Trong năm học qua khi thực hiện các nhiệm vụ năm học, Thừa Thiên Huế có rất nhiều thuận lợi từ sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và từ tỉnh. Bộ đã có những chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể trong quá trình thực hiện. Sở GD&ĐT đã tham mưu với tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều đề án, chương trình GD&ĐT có hiệu quả.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017-2018, Bộ cần rà soát thật kỹ tình hình thực hiện năm vừa qua nhằm có những giải pháp điều hành, chỉ đạo hiệu quả hơn.

“Trong năm học 2016 -2017, chúng tôi thật sự rất phấn khởi trước những định hướng của Bộ GD&ĐT về xây dựng Luật Nhà giáo, cơ chế tự chủ...Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến công tác tài chính và nội vụ, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay”, ông Sơn kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhận định trong năm học 2016 – 2017, việc Bộ ban hành 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp rất cụ thể đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các địa phương trong thực hiện và đánh giá kết quả.

Kết thúc năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức tuyển sinh trực tuyến đã được thực hiện rất tốt. Tất cả mọi thông tin đều được kết nối và đưa vào một đầu mối chung, tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc quản lý, điều hành và tổ chức. Học sinh, phụ huynh có thể ngồi tại nhà nhưng vẫn biết mọi thông tin cần thiết...

Năm học tới sẽ là tâm điểm thực hiện tự chủ

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp trong năm học 2017 – 2018 của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Cụ thể, về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, ngay sau khi Bộ GD&ĐT hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên, giảng viên sư phạm, trên cơ sở đó các tỉnh rà soát số lượng giáo viên từ mầm non đến phổ thông, kết hợp với các trường sư phạm xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng. Tránh làm xáo trộn nhưng không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Tăng cường phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từ xa. Tăng cường quản lý chất lượng khâu đầu ra, đánh giá, sát hạch, bằng các chuẩn, quy chuẩn phân tầng, xếp hạng giáo viên.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng được hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GD&ĐT thông suốt cơ sở dư liệu.

Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ, năm học 2017 – 2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, nhất là tự chủ về nghiệp vụ, trong đó có tự chủ về nhân lực, tài chính.

Để cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục, phải rà soát hệ thống trường lớp, có kế hoạch rõ ràng cho các trường thực hiện dạy học 1 buổi, 2 buổi/ngày, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn; trong kế hoạch này, có kế huy động vốn cụ thể từ nguồn vốn trung ương, vốn địa phương, nguồn xã hội hóa để khắc phục tình trạng trường, lớp học không được kiên cố hóa.

Về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát lại giáo dục cơ bản, giáo dục mũi nhọn, củng cố trường THPT chuyên, Bộ sẽ cân nhắc việc xây dựng thông tư hướng dẫn riêng về nhiệm vụ này, lấy nòng cốt từ kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa để các kỳ thi nhẹ nhàng hơn, thúc đẩy giáo dục mũi nhọn, tạo nguồn bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phân luồng và định hướng nghề nghiệp, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện phân luồng, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, việc hướng dẫn phân luồng, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa học đại học và học nghề nghiệp.

Về các giải pháp, trước hết là rà soát, sửa đổi những quy định chưa hợp lý, tâm điểm là sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Về nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị các Sở thiết kế chương trình bồi dưỡng cán bộ để kịp thời đáp ứng chuẩn; tổ chức đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bố nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Phải căn cứ vào thực tế, đối với lãnh đạo nhìn vào năng lực, kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở cần tích cực tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh bàn các giải pháp xã hội hóa theo hướng đầu tư cho bậc học mầm non, tiểu học thì ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương phải đầu tư; nhưng với mục tiêu ở trường chất lượng cao, phải mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân có khả năng đầu tư vào đó; khắc phục tình trạng trong trường công lập lại có một phần chất lượng cao.

Về giải pháp tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ sẽ kết nối các thông tư trong lĩnh vực này thành các bộ chuẩn chất lượng và công bố cho các địa phương làm căn cứ thước đo thực hiện, để thấy được mặt bằng chất lượng giáo dục các địa phương đang ở đâu.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, công tác truyền thông đã có bước chuyển tốt nhưng cần đi vào chiều sâu, chủ động truyền thông bài bản trong năm học mới.

pgdcukuin

Các tin khác
Xem thêm...

Tin tức