THẦY TÔI – GƯƠNG SÁNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Ngày đăng : 10-01-2018
Sáng nay, bắt gặp hình ảnh thầy trên trang báo “Điện tử Cần Thơ” với những đóng góp trong phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố, lòng tôi chợt bồi hồi với những cảm xúc hạnh phúc, tự hào, kính phục. Vì người được bài báo ca ngợi đó là thầy tôi, thầy Trang Minh Thiên – giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, thành phố Cần Thơ. Thầy đã để lại ấn tượng trong tôi không chỉ là hình ảnh bài học, bục giảng, phấn bay mà còn là lòng thán phục trước nghị lực vượt lên khó khăn trong cuộc sống và một tâm hồn nghệ sĩ, yêu đời, yêu người.
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên thầy đến lớp với gương mặt xương xương, đôi mắt sáng, dáng người cao, ốm yếu và chiếc áo sơ mi bạc màu. Thầy nghiêm khắc trong dạy học và thi cử làm chúng tôi tỏ thái độ phẫn nộ, bất bình. Học trò mà, vô tư, thấy gì nghĩ liền ngay đó. Học với thầy suốt một năm học, kiến thức và điểm số chúng tôi tiến bộ từng ngày. Chúng tôi tiếp xúc với thầy nhiều và dần hiểu thầy hơn. Thầy cũng cởi mở, xem chúng tôi như những đứa em ruột thịt ở quê nhà mà quê thầy thì xa lắm, tận tỉnh Trà Vinh. Khác với các bạn đồng trang lứa, thầy Thiên từng đội nắng, đội mưa, từng bị la mắng khi đi làm thêm, thầy cũng khoái khẩu món mì tôm…sao cho có tiền trang trải cho đời sinh viên. Nhìn bạn mình học xa nhà nhưng được chu cấp chẳng thiếu thứ gì đôi lúc cũng chạnh lòng. Có một khoảng thời gian, thầy được nhà chùa cưu mang. Ở đây, tâm hồn thầy thanh tịnh, tập trung vừa học vừa làm công quả cho chùa. Có lẽ vì thế mà bên trong một thân hình gầy gò là một nội tâm vô cùng sâu sắc… Càng nghe chuyện thời sinh viên qua lời kể lại tôi càng tự trách mình hơn. Được ở trọ, tiền chi tiêu mỗi tháng gia đình cho cũng không ít, thế mà nhiều lần tôi cáu gắt vì phải ở chung đông người, còn đòi hỏi tiền cha mẹ cho phải có dư để sắm quần áo mới. Trong khi đó, thầy tôi chỉ ở căn phòng trọ đơn sơ, chật hẹp, mỗi bữa cơm đạm bạc không quá hai mươi ngàn. Dư bao nhiêu thầy gởi về cho cha, mẹ sửa lại căn nhà lá ở tận ngoài ruộng xa đang liêu xiêu trước mưa to gió lớn và lo đàn em thơ trong tuổi học hành.
Tạm biệt giảng đường đại học với tấm bằng loại giỏi, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, bắt đầu trang mới của cuộc đời. Người ta thường nói, nghề giáo là nghề cao quí nhất nhưng cũng bạc bẽo nhất, bao lần khách sang sông được mấy lần khách trở về thăm lại người lái đò. Hơn thế, đồng lương của một thầy giáo trẻ cũng không mấy nhiều, đủ sống qua ngày. Thầy vẫn trải qua những bữa cơm đạm bạc, lâu lâu chỉ dám thưởng cho mình món cá, món thịt chứ không dám lê la hàng quán. Với lòng tận tâm ham học hỏi, hết lòng với học sinh, dần dần thầy có kinh nghiệm hơn, chuyên môn sâu hơn và có nhiều uy tín với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Thầy dạy thêm, ôn thi đại học, được bao nhiêu tiền phần ít giữ lại cho mình còn phần nhiều gửi về quê lo cho các em ăn học. Chiếc áo sờn vai, cái quần đã bạc màu cũng phải đắn đo suy nghĩ mua hay là không? Thầy nghĩ bụng chắc học sinh cũng cười thầy mất thôi, thầy có cái áo màu nào các em nhớ hết…
“Đời người trải qua giông tố nhưng không được đối đầu với giông tố”. Thầy Trang Minh Thiên của chúng tôi đã đứng vững và bước đi cho đến ngày hôm nay. Thầy trở thành giáo viên dạy môn Công nghệ được nhiều lớp học trò quí mến, là một trong những giáo viên tiêu biểu, đi đầu trong phong trào sáng chế đồ dùng học tập, đạt được nhiều giải thưởng về sáng tạo của Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật, thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố. Thầy còn hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tôi không lấy làm bất ngờ khi hình ảnh của thầy tôi xuất hiện trên các trang viết ở các báo ca ngợi tấm gương người tốt, việc tốt, về những điển hình tiên tiến, về tấm gương tự học và sáng tạo. Trong 6 năm công tác tại Trường, thầy đã có sáng kiến Các mạch điện tử thực hành Công nghệ 12 tạo sự hứng thú cho học sinh khi thực hành và giúp các em hiểu bài hơn. Bằng cách kết hợp các những linh kiện đơn giản, bộ đồ dùng này kết hợp song song với việc mô tả, hướng dẫn học sinh trong quá trình học lý thuyết cũng như thực hành một cách trực quan sinh động mà giá thành chỉ khoảng 400 ngàn đồng. Ngoài ra thầy còn sáng chế nhiều đồ dùng học tập hữu ích khác như sáng kiến Mạch chống trộm vừa có tác dụng chống trộm, vừa có tác dụng mở đèn với giá thành chỉ 150 ngàn đồng, bộ thí nghiệm Sự giãn nở vì nhiệt của vật rắn... Hơn thế thầy cũng là giáo viên cốt cán của trường tham gia chương trình WINDY, thầy hướng dẫn học sinh tái chế chai nhựa, ống hút bỏ đi, làm thành vật dụng sinh hoạt. Thầy còn là một người chồng, người cha có trách nhiệm, một bờ vai đủ vững để tựa vào… Cuộc sống của thầy hôm nay đã khác xưa, thầy không còn phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng, cô đơn một mình, “ăn không dám ăn, mặc không dám mặc”. Mỗi tháng, thu nhập của hai vợ chồng cũng đủ chi trả cho phí sinh hoạt gia đình và có dư. Sự viên mãn đã đến với một người trẻ biết đạp lên bàn chông mà xông pha về phía trước vì lẽ sống, vì khát vọng, vì đam mê. Tuy nhiên, cái tính giản dị, xem cuộc sống nhẹ tựa lông hồng vẫn còn đấy. Một người trẻ như thầy trước bước chuyển nhảy vọt của cuộc sống, trước ánh màu lung linh của cám dỗ cuộc đời rất dễ bị sa ngã. Với sự bình thản tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, thầy vẫn là người thầy giản dị, bao dung, thích tìm tòi, khám phá khoa học của ngày nào. Vẫn những giờ ở trường rồi về nhà, không tiệc rượu, không xa xỉ, không sân si. Chiếc áo sơ mi sờn vai năm nào thầy vẫn thường hay mặc, đặc biệt là chiếc áo màu tím thầy yêu được học sinh tặng thầy vẫn trân quí khoác lên người. Nghị lực sống, nhân cách sống của thầy lan tỏa, làm ngọn đèn soi sáng ước mơ sư phạm trong tôi. Tôi yêu cái nghề này như yêu chính nhân cách cao đẹp của thầy. Người ta vẫn thường nói nghề giáo lao đao với học trò và lận đận với đồng lương ít ỏi nhưng cuối cùng tôi cũng đang trên hành trình theo đuổi con đường dạy học. Chúng tôi, những đứa học trò, chẳng làm được gì cho thầy nhưng lòng thì luôn muốn nói: “Thầy ơi! Dẫu cho cuộc sống mỗi người là một nốt nhạc, lúc thăng, lúc trầm, dẫu không ai có quyền chọn số phận cho mình nhưng thầy không kém cỏi so với những người có trong tay quyền lực và tiền bạc. Thầy có rất nhiều, đặc biệt là những đứa học trò luôn biết đồng cảm và hết mực kính trọng. Dù cho thầy có đi đến bến sông nào đi nữa thì những người khách đi đò này sẽ mãi không quên ơn, không quên những ngày đùa vui trên con đò nhỏ. Sẽ có thêm một người thầy mẫu mực như thế nữa, biết vươn lên khó khăn từ những lứa học trò xem thầy là tấm gương, sẽ có thêm những con người giàu niềm tin và hy vọng”.
Con đường phía trước của thầy vẫn còn rất dài, thầy vẫn còn phải cống hiến nhiều hơn nữa. Tôi tin thầy sẽ tiếp tục gặt hái thành công và vẫn giữ một tâm hồn sáng trong như ánh mặt trời, giữ cách sống giản dị như bây giờ và mãi về sau. Tôi hi vọng thế hệ trẻ Trường THPT Nguyễn Việt Dũng sẽ có nhận thức và thái độ đúng đắn khi hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Ánh sáng, niềm tin, sức mạnh không ở đâu xa bởi nó đang hiện hữu, đang lan tỏa từng ngày, từng giờ trong cuộc sống đời thường, ngay tại ngôi trường yêu quý mà tôi đã từng theo học.