tin tức-sự kiện
Giáo viên không muốn mất nghề, nên...
Độc giả Lê Vũ Nga chia sẻ: Tôi đã từng dạy cấp 2 được 7 năm sau đó chuyển lên cấp 3 cũng được 9 năm tôi hiểu được một phần nào môi trường của 2 cấp giáo dục phổ thông. Thật lòng mà nói trong hơn 10 năm nay chúng ta có rất nhiều sai lầm về giáo dục mà sai lầm dễ nhận thấy nhất là phổ cập cấp 1,2 làm cho học sinh không học không biết gì cũng được lên lớp. Bệnh thành tích, tính điểm thi đua về học lực của học sinh dẫn tới tô hồng báo cáo. Trong khi đó, lương giáo viên quá thấp mà quyền của học sinh và phụ huynh thì quá nhiều. Bởi vậy, giáo viên không muốn mất nghề nên học sinh muốn làm gì thì làm...
Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Quốc Bình cho rằng, bây giờ giáo viên mà không chạy theo guồng máy thành tích thì là giáo viên cá biệt. Thầy cô bị khóa tay khóa chân, trên ép xuống dưới ép lên xã hội ép vào...thế là sinh ra kệ nó cho xong việc.
Độc giả Duyên đưa suy nghĩ, vấn đề trở nên "to chuyện" một phần do các bậc phụ huynh góp sức. Là giáo viên chủ nhiệm tôi trao đổi tình hình học sinh với phụ huynh thì bị phụ huynh nói là không biết dạy... Đến khi các chị đi trước khuyên "đừng có nói thật về tình hình con cái với phụ huynh mà cứ khen con họ trước mặt là được yên ổn". Tôi thực hiện thì đúng là yên ổn. Nghĩ lại, muốn làm đúng trách nhiệm người giáo viên sao khó quá?
Là giáo viên nhận mình có tâm huyết nhưng Lê Ngọc Phúc thở dài: Bệnh thành tích trong giáo dục nhiều hơn các ngành khác. Chỉ trong ngành giáo dục mới biết nên dù tâm huyết nhưng có lẽ chẳng thay đổi được gì...
Số đông các ý kiến cho rằng, bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến "thầy không ra thầy - trò không ra trò". Độc giả Nguyễn Yên chua xót: Sắp về hưu với nghề giáo, tôi thấm thía ý các vị vô cùng. Đúng là trò chẳng ra trò - thầy cũng chẳng thể ra thầy. Từ một người vô cùng tâm huyết, tôi thấy mình phải đi đồng lõa với các xấu trong nghề làm thầy. Không đồng lõa sao được. Tất cả thầy cô bây giờ là như thế cũng vì cái bệnh thành tích cố hữu của ngành giáo dục mà thôi. Vì yếu kém quá nên lấy thành tích bịt mắt thế gian....
Nghề cao quý không còn?
"Giáo viên bây giờ bị chèn ép quá. Học sinh một bên, nhà trường một bên. Lương thì không đủ sống" - độc giả Lê Hữu Lương nói. Người ta cứ nói nghề cao quý nhất nhưng thật sự bị coi chẳng ra gì, nhiều hôm đi dạy về buồn bực trong người không ngủ được. Nói vậy thôi và chỉ mong xã hội đừng khắt khe với chúng tôi quá. Chúng tôi cũng phải lo cơm áo gạo tiền để sống chứ?
Từ hòm thư nhimcon.hs@...độc giả này tỏ ra bi quan "vị thế thầy giáo ngày nay chẳng ra gì. Dạy học thì đủ áp lực..."
Cùng quan điểm từ hòm thư khanhvankshb@...độc giả nhìn nhận: Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề - nhưng sao mình chả thấy cao quý tí nào. Lương thì thấp, đến trường thì bao nhiêu áp lực. Có lúc lại còn gặp phải học sinh cá biệt nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn cho qua, thử hỏi cái uy của người thầy còn đâu, sự tôn trọng giữa thầy và trò còn đâu nữa?
Độc giả Nguyễn Văn Dần trăn trở, ông bà nói "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" - vậy mà, ngành giáo dục và một phần dư luận xã hội hiện nay lại tham gia "tước roi vọt" của thầy cô giáo thì làm sao mà dạy học sinh cho nổi?. Trước đây, thầy cô giáo la rầy, đánh học sinh mà phụ huynh ủng hộ thì học sinh ngoan ngoãn, biết kính sợ thầy cô. Còn hiện nay, nếu có đánh học trò thì lại mang tiếng xúc phạm nhân phẩm các em... dẫn đến các em sau này không chỉ mất nhân phẩm mà còn mất cả nền tảng tri thức, kiến thức để vào đời.
Độc giả Lê Túc góp lời, ngày nay không còn " tôn sư trong đạo", học trò là con những nhà quý tộc nên giáo viẽn " bất khả xâm phạm". Tư tưởng học đòì theo kiểu giáo dục phương tây về quyền bình đẳng thầy trò trong khi nền tảng kiến trúc thượng tầng không có và trình độ dân trí không cao thì sẽ phản giáo dục thôi!
Phụ huynh châm ngòi
"Bây giờ học sinh hư nhiều, phụ huynh không quan tâm thậm chí cũng cá biệt như chính con cái họ nên dạy bảo học sinh khó lắm. Một khi học sinh đã không thích học thì có ép thế nào vẫn không được, thế những mọi chuyện sẽ đổ lên đâu giáo viên hết" - là ý kiến của độc giả Nguyễn Hà.
Độc giả Lê Thị Lệ nêu quan điểm: Đúng là bệnh thành tích từ nhà trường đến phụ huynh, chỉ có giáo viên khổ thôi. Phải cho giáo viên quyền lực trong tay mới dạy dỗ được học sinh. Tôi không nghĩ người thầy nào nhẫn tâm đến mức học sinh không có lỗi mà cứ đem ra trách phạt, la rầy...
Độc giả Trần Lan thì cho rằng, vấn nạn của chúng ta hiện nay là kinh tế. Kinh tế phát triển phụ huynh giàu bỏ tiền ra tài trợ và rồi kèm theo yêu sách cho con. Cưng con quá nên cái gì đụng đến là có chuyện, nhiều em vin vào đó ỷ lại. Và cũng chính vì đồng tiền đó học trò coi thường việc học, coi thường thầy cô....
"Làm nghề giáo bây giờ đâu còn tôn sư như ngày xưa. Bởi vậy trọng đạo là điều khó tìm thấy ở giới trẻ hiện nay" - lời độc giả Trần Lan.
Nên chấp nhận học sinh cá biệt bằng thái độ sư phạm
Không ít ý kiến nhìn nhận, theo quan điểm giáo dục mới là phải dùng tình thương để giáo dục, nhưng độc giả Phạm Thảo cho rằng: Nhiều khi thương không nổi...
Từ kinh nghiệm đứng lớp độc giả Đinh Giang chia sẻ: Tôi đã từng bị treo một năm lương vì dám để học sinh điểm thực chất... Cho nên, nếu ai có tâm huyết với nghề giáo bây giờ thì không thể làm được giáo viên vì khi vào nghề mới thấy con người mình không phải cái gì tốt cũng làm được...
Ở góc độ khác, độc giả Trần Đức đưa lời khuyên: Các bạn giáo viên nên tư duy lại. Theo tôi đừng hi vọng mọi học sinh đều ngoan, đều nghe mình. Nên chấp nhận học sinh ngổ ngáo, cá biệt bằng thái độ sư phạm ôn hòa hơn.Các bạn giáo viên nên có cách nhìn rộng mở vì học sinh ngày nay năng động hơn và cá biệt hơn.
Là giảng viên một trường quân đội độc giả Nguyễn Văn Thành cho biết: Trong tiết dạy, nếu một học sinh nào ngủ gật tôi sẽ mời ra khỏi lớp và nhất quyết chỉ cho vào lớp khi có bản kiểm điểm cùng chữ ký của chỉ huy quản lý, chứ chưa nói hỗn láo sẽ không bao giờ được vào lớp tôi dạy nữa. Giá như các trường phổ thông, bỏ qua bệnh thành tích, tăng quyền hạn cho các thầy cô thì tôi nghĩ thầy cô đỡ vất vả hơn, học sinh cá biệt sẽ ít đi.
Còn chị Đồng Thị Hà chia sẻ, mình cũng đang chủ nhiệm lớp 10. Nhưng thực sự là mình chưa gặp học sinh như các thầy cô chia sẻ ở trên. Bây giờ cái gì cũng đòi bình đẳng. Thầy cô không phải là thánh thần mà hô mưa gọi gió. Học sinh hư, trước hết trách nhiệm thuộc về gia đình -không nên đổ lỗi hoặc gây áp lực quá lớn đối với các thầy cô.
Bài học được độc giả Huỳnh Nở đúc rút: Tôi đã từng là một học sinh không ngoan nhưng đã thành đạt,trong đó nhờ có những kỹ luật nghiêm khắc của thầy cô giáo, đến bây giờ tôi vẫn vô cùng biết ơn sự nghiêm khắc ấy.
"Ngành giáo dục muốn cải cách gì đi nữa thì điều quan trọng nhất tôi cho là phải giữ được sự tôn trọng của học trò đối với thầy cô giáo, đừng vì những hành động bức xúc nhất thời mà lên án giáo viên"- lời độc giả Huỳnh Nở.
- KẾT QUẢ THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CÁC CẤP NĂM HỌC 2017-2018
- HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT, CHỈ THỊ, KẾ HOẠCH
- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về nói chuyện với nhà trường
- Chế độ bồi dưỡng, chế độ trang phục đối với giáo viên thể dục thể thao
- Hiệu trưởng trường 'kinh dị' lắt léo bằng tài liệu đã bị chỉnh sửa
- Thăm quan hoc tập kinh nghiệm
- KH công tác pháp chế NH 2014-2015