Tin từ đơn vị khác
Dạy thêm - sự tiếp tay cho gian dối
THANH AN
07:50 19/10/18
(GDVN) - Với cách dạy và học như vậy có rất nhiều hệ lụy cho học trò. Các em học sinh sẽ luôn ỷ lại và không có động lực học tập, phát huy khả năng, trí tuệ của mình.
LTS: Cho rằng, việc dạy thêm là sự tiếp tay cho gian dối trong giáo dục, thầy giáo Thanh An đã đưa ra bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhiều năm trước, tôi chưa bao giờ dạy thêm cho học trò, phần vì sức khỏe và phần vì bản thân cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Thế nhưng, khi có người bạn cũng là giáo viên mở một trung tâm gia sư ở thành phố thì mời tôi tham gia giảng dạy.
Vì trung tâm mới mở nên người bạn của tôi cũng muốn kéo một số thầy cô có kinh nghiệm đến giảng dạy để thu hút học trò.
Nể bạn, tôi nhận lời dạy 1 lớp cuối cấp và theo đuổi công việc này đúng được 1 năm thì đành lấy lý do để từ chối bạn bởi bản thân không muốn cứ mãi đi giải bài kiểm tra trước cho học trò.
Hiện nay, ở các thành phố có rất nhiều trung tâm gia sư, ai có điều kiện, có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu thì đều được cấp giấy phép hoạt động.
Các em học sinh sau giờ tan lớp tại một trung tâm dạy thêm (Ảnh minh họa: nld.com.vn). |
Chính vì nhiều trung tâm gia sư trên cùng một địa bàn nên họ cũng tìm mọi cách để lấy lòng phụ huynh và học sinh.
Phụ huynh thì thấy con em mình được điểm cao, tổng kết có danh hiệu là tín nhiệm trung tâm gia sư nên thường cho con em mình học luôn hết cả khóa học.
Tuy nhiên, khoảng cách điểm cao và lực học thực của học sinh thường lại mâu thuẫn với nhau.
Các điểm của học sinh học ở nhà trường hiện nay là điểm miệng, điểm thường xuyên (kiểm tra 15 phút), điểm định kỳ (từ 1 tiết trở lên). Việc hướng học sinh tới điểm cao hiện nay không khó.
Phải nói rằng, các trung tâm gia sư hiện nay phục vụ rất tận tình những em học sinh theo học ở trung tâm của mình.
Không chỉ các em học bài trước mà các bài cũ đã học trên lớp cũng được các thầy cô kèm để học thuộc lòng.
Đối với những bài kiểm tra thì thường các giáo viên ở trường giới hạn kiến thức trước, thậm chí là ra một số đề trước. Đến ngày kiểm tra là lấy 1 trong các đề đã giới hạn để cho học sinh làm.
Một trung tâm dạy thêm không phép, có dạy cả tiểu học ở quận Bình Tân
|
Chính vì thế, các đề này thường được học sinh mang đến trung tâm gia sư để các thầy cô ở đây giải trước và trung tâm yêu cầu học sinh học thuộc lòng rồi hôm kiểm tra cứ vậy mà chép vào bài của mình.
Với cách dạy và ôn trước như vậy thì học sinh không được điểm cao mới là lạ.
Dù học sinh có yếu cỡ nào thì khi đến với các trung tâm gia sư cũng được “kèm cặp” để tiến bộ từng ngày.
Kết quả học tập của học sinh phổ thông hiện nay thì phải phụ thuộc vào điểm số kiểm tra trên lớp.
Nhưng, điểm kiểm tra này đã có thầy cô giáo ở các trung tâm gia sư …lo trước. Vì thế, điểm kiểm tra của các em học ở trung tâm thường rất cao.
Tuy nhiên, với cách dạy và học như vậy có rất nhiều hệ lụy cho học trò. Các em học sinh sẽ luôn ỷ lại và không có động lực học tập, phát huy khả năng, trí tuệ của mình.
Từ cái dễ nhất, đến cái khó nhất đều có thầy cô ở trung tâm lo cho cả sẽ khiến cho các em mất hẳn động lực phấn đấu.
Điều quan trọng hơn nữa là các em luôn có tư tưởng đối phó, trông chờ vào người khác để đối phó với thầy cô giảng dạy trên lớp. Từ đó, sẽ tạo nên sự giả dối và hình thành thói quen xấu trong tập.
Đối với thầy cô giảng dạy ở các trung tâm cũng tự đánh mất mình, tự đánh mất lòng trung thực và a dua theo cái xấu của học trò.
Mục tiêu của các trung tâm gia sư là lợi nhuận. Họ không có tiêu chí cho sự phát triển của giáo dục nên việc quản lý học sinh, dạy dỗ cũng không tạo được nền nếp.
Rất ít trung tâm khắt khe với học trò bởi họ luôn đặt mục tiêu kéo được càng nhiều học sinh đến với trung tâm mình thì càng tốt.
Vì thế, tiêu chí của các chủ trung tâm là luôn trao đổi với giáo viên giảng dạy là đáp ứng mọi yêu cầu của học sinh từ học tập đến vui chơi.
Dịch dạy thêm, học thêm trái phép bắt đầu bùng phát tại Hải Phòng
|
Sau một năm giảng dạy, dù kết quả mà học sinh đạt được khá cao và trung tâm cũng rất tín nhiệm nhưng bản thân tôi đã cương quyết xin nghỉ dạy.
Vẫn biết, đi dạy thì có thêm thu nhập, có đồng ra đồng vào trang trải tiền sinh hoạt trong gia đình. Nhưng, đi dạy mà lương tâm không thoải mái, lương tâm thấy cắn rứt thì chẳng vui vẻ gì.
Nhất là khi thầy cô đang dạy cho học trò lòng trung thực, sự vươn lên trong học tập mà bản thân người thầy lại đi tiếp tay cho sự giả dối thì chẳng có gì vui vẻ cả.
Học thêm - dù dạy ở nhà thầy cô, ở các trung tâm gia sư hay gia sư tại nhà học sinh thì phần giáo viên vẫn dạy trước chương trình, thậm chí là phụ huynh yêu cầu điều này.
Chính vì dạy trước chương trình nên học sinh đến lớp đã biết trước và nắm cơ bản nội dung bài học. Vì thế, không chỉ tạo nên sự chủ quan cho học trò mà tạo nên tính ỷ lại cho các em rất cao.
Điều quan trọng là phụ huynh đang tốn một số tiền rất lớn cho việc làm phi khoa học này.
Chỉ vì mong có thành tích cao, có điểm đẹp mà nhiều người đã vô tình làm thui chột động lực phấn đấu, suy nghĩ của học trò.
Thiết nghĩ, các phụ huynh cũng cần thật cẩn thận khi gửi gắm và cho con mình tham gia học thêm hiện nay.
Mục tiêu nào cũng chỉ hướng tới những con người trung thực, có tri thức để sau này đảm đương được công việc của mình. Nhưng, bên cạnh tri thức của mỗi con người cũng cần lắm nhân cách, sự trung thực.
Vậy nhưng, ngay từ nhỏ thì người lớn đã dạy học sinh không trung thực, không có ý chí tiến thủ thì tương lai của các em sẽ ra sao đây?
- trải nghiệm cửa khẩu Tân Thanh
- Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển?
- Ủy ban Kiểm tra TƯ chiêu mộ sinh viên xuất sắc vào 15 vị trí
- Giáo dục thiếu tự do sẽ tiếp tục bế tắc!
- Trung thu của các em học sinh trường THCS Đoan Bái
- Lùi thông qua luật Giáo dục để bàn kỹ kỳ thi tốt nghiệp THPT
- ữ sinh đạt điểm thi Olympic cao nhất thế giới: "Thiên nhiên vô cùng thú vị"
- Lao động vệ sinh chào mừng năm học mới 2018 - 2019
- Hiến máu, nghĩa cử cao đẹp
- FC Võ Yến thi đấu với Fc 9C
- Giải bóng đá học sinh chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3
- Thi bóng chuyền cụm Công đoàn
- Tập luyện bóng chuyền đi thi cụm Công đoàn
- Chuẩn đầu vào cao không phải là động lực để nhân tài phụng sự giáo dục
- Bộ trưởng tặng bằng khen cho học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất
- 18 tiêu chí "chuẩn" của người giảng viên sư phạm
- “Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ
- Ai sẽ bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư?
- Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm
- Cô và trò trường THCS Đoan Bái tham gia cuộc thi tài năng tiếng anh cấp huyện