Tin từ đơn vị khác

GIAO DỤC HS NHƯ THẾ NÀO

Cần đào tạo thế hệ học trò biết tự đặt câu hỏi, tự tìm câu trả lời

Ông Ju Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực của Hàn QuốcÔng Ju Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc

GD&TĐ - Cần đào tạo thế hệ học trò biết tự đặt câu hỏi, tự tìm câu trả lời - ông Ju Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc, chia sẻ quan điểm này tại hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nguyên lãnh đạo ngành Giáo dục Hàn Quốc thừa nhận xã hội Châu Á dường như chú ý nhiều hơn đến vai trò của người thầy và sự tuân thủ của học trò, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển từ cách học gạo, học nhồi nhét sang cách học mới dựa trên tư duy tích cực.

“Có nhiều điểm tương đồng trong hệ thống học tập Châu Á. Học trò giỏi trong thi cử, ghi nhớ, trả lời câu hỏi. Nhưng trả lời tốt câu hỏi chưa hẳn giúp chúng ta thành người tiên phong.

Quan trọng là tạo thế hệ học sinh biết tự đặt câu hỏi, tự tìm câu trả lời; cần có mô hình kích thích tư duy học trò thay bằng chỉ trả lời câu hỏi qua các bài thi” – Ông Ju Ho Lee nêu quan điểm.

Cho rằng cần dữ liệu nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc đặc biệt lưu tâm đến cần thay đổi hệ thống học tập để đảm bảo sự thành công trong tương lai; rất nhiều học trò Châu Á thành công ở các nước phương tây, nên môi trường rõ ràng có vị trí quan trọng.

“Tôi gặp lãnh đạo, học trò nhiều trường khác nhau, thấy các em có năng lực, trường cũng đưa ra những định hướng tốt. Tôi tin với định hướng rõ ràng, Việt Nam sẽ thành một nước tiên phong như vậy ở Châu Á” - ông Ju Ho Lee cho hay.

Học trò thay đổi, người thầy tất yếu cũng phải thay đổi, nhưng nhiều giáo viên, đặc biệt người có tuổi khó thích nghi với môi trường học tập ứng dụng công nghệ cao.

Trước thực tế này, theo ông Ju Ho Lee, người thầy hiện nay cần có khả năng lĩnh hội kiến thức mới từ nhiều nơi trên thế giới. Nếu nhận thức được vai trò và sự thay đổi vai trò của mình, người thầy sẽ có động lực mạnh mẽ để ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ mới phải luôn kết hợp với phương pháp truyền thống.

“Chúng ta nên tập trung vào giáo viên trẻ vì đó sẽ là tương lai của giáo dục. Với người lớn tuổi có thể ngại công nghệ cao, nhưng với người trẻ đó lại là niềm thích thú. Họ sẵn sàng thích nghi và sẽ ứng dụng công nghệ tốt hơn trong giảng dạy” - ông Ju Ho Lee nêu ý kiến.

Hiếu Nguyễn

Tác giả: SƯU TẦM

Xem thêm

Tin tức