Tin từ đơn vị khác

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY XƯA VÀ NAY

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY XƯA VÀ NAY


Cách đây 400 năm, J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “ chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “ sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. A.Đixtecvec nhận định: “chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man. K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người”..

Nước ta có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người giáo viên vẫn luôn được nhân dân yêu mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “ không thày đối mày làm nên”, “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy... Cả đến khi công thành doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “ Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.

Ở thời kỳ phong kiến - khi mà tri thức là thầy, thầy là tri thức, thầy có quyền ban phát tri thức cho người học. Thì thời đại ngày nay, tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau, người thầy lúc này chỉ là người cầu nối, là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.

Do vậy trong thời đại ngày nay, giáo dục luôn được xem là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của người giáo viên đặc biệt được coi trọng, chức năng của người giáo viên có nhiều thay đổi và yêu cầu đối với nhân cách người giáo viên cũng ngày càng cao hơn.

Vị trí, vai trò của người giáo viên trong lịch sử giáo dục thế giới

Lịch sử phát triển của giáo dục và nhà trường qua các thời kì xã hội, đã chứng tỏ rằng trong xã hội, có giai cấp thì giai cấp thống trị bao giờ cũng dành độc quyền về giáo dục, dùng giáo dục làm công cụ, phương thức truyền bá tư tưởng chính trị, đường lối chính sách và duy trì vị trí xã hội của mình.

Do vậy, giai cấp thống trị xã hội bao giờ cũng nắm lấy đội ngũ giáo viên, tìm mọi cách buộc đội ngũ giáo viên trở thành người tuyên truyền tư tưởng, thực hiện ý đồ và bảo vệ những quyền lợi của giai cấp thống trị.

Xét trên quan điểm lịch sử, bất kì một chế độ xã hội nào, một giai đoạn phát triển nào của nhân loại, mục đích giáo dục vẫn là chuẩn bị một lớp người thay thế, là chăm sóc, dạy dỗ con người..., cho nên, đội ngũ giáo viên trong xã hội ấy vẫn là lực lượng chủ yếu thực hiện mục đích giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đã có nhiều thầy giáo dám đấu tranh với những bất công trong xã hội, có những tư tưởng tiến bộ, những đóng góp lớn lao vì một nền giáo dục tiến bộ.

Họ là những tấm gương lớn về nhân cách của nhà giáo mà sử sách còn lưu truyền đến hôm nay...

Tóm lại: Điểm quan vài nét những tư tưởng, quan điểm về vai trò, chức năng của người giáo viên trong lịch sử giáo dục thế giới, chúng ta thấy rằng giáo dục là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả mọi chế độ, mọi giai đoạn phát triển của lịch sử. Do vậy, dù khác nhau về địa lý, lịch sử, truyền thống, dù được đặt vào những vị trí khác nhau trong từng chế độ xã hội.... nhưng vai trò, tác dụng của người giáo viên vẫn được khẳng định và đánh giá cao trong lịch sử giáo dục của nhân loại.

Còn ở Việt nam, vai trò của người thầy ra sao?

Đất nước ta luôn tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến. Lịch sử dân tộc ta ghi nhiều trang oanh liệt, văn chương và tư tưởng Việt Nam có vẻ đẹp riêng, khoa học kỹ thuật Việt Nam vẫn đúc kết nên những kinh nghiệm nhất định...Tất cả những thành quả ấy là do sức sống, do bản lĩnh của nhân dân, trong đó có phần của những thầy giáo qua các thời đại.

Ở nước ta, trong xã hội cũ trước năm 1945 ( xã hội phong kiến và thời kỳ Việt Nam bị nước ngoài đô hộ), giai cấp thống trị cũng luôn ý thức một cách sâu sắc vai trò, ý nghĩa của giáo dục nên cũng luôn tìm cách nắm lấy đội ngũ giáo viên, buộc họ phải thực hiện ý đồ chính trị, tư tưởng đạo đức của giai cấp mình.

Trong cuộc đấu tranh gây gắt giữa các giai cấp về giáo dục, đội ngũ giáo viên bị phân hoá thành hai bộ phận: một bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho con em giai cấp thống trị, do vậy, họ có điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn; đại bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho con em nhân dân lao động thì có cuộc sống vật chất khó khăn, không được tôn trọng về mặt pháp lý, bị coi thường, luôn phải chịu đựng những bất công...

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chung đó, một bộ phận giáo viên đã thể hiện tài đức cao sáng và có công lớn trong việc đem giáo dục đến với quần chúng nhân dân lao động

Nhìn chung, vị trí của người giáo viên Việt Nam trong xã hội cũ là không xứng đáng với nghề nghiệp của họ, nhưng đội ngũ giáo viên đã đóng góp to lớn vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần tôn sư trọng đạo, nói một cách thiết thực hơn là hiếu học, trọng thầy của nhân dân ta luôn có những nét riêng biệt. Nhân dân, học sinh trọng thầy, biết ơn thầy vì gắn thành quả của thầy với thành quả của lao động, “ Không thầy đố mày làm nên”. 

Mặt khác, ông thầy trong xã hội Việt nam xưa – không kể bọn thầy đồ, nho sĩ tha hoá - đại đa số là những người thực sự có công với đất nước.

Có thể khẳng định rằng, trên thế giới này, ít có một đất nước mà hầu hết những con người có vai trò quan trọng trong lịch sử đều trải qua nghề thầy và có khá nhiều người thầy không có chức tước, học vị gì cao, nhưng lại có công lớn ( Lý Công Ẩn đào tạo ra Lý Thường Kiệt, Trương Văn Hiến dạy dỗ Quang Trung, Nguyễn Thức Tự bồi dưỡng cho Phan Bội Châu...). Người thầy giáo vẫn được coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai.

Trong thời đại mới, vai trò của người thầy đóng vai trò một cách quan trọng. Giáo viên là người giáo dục và đào tạo học sinh - thế hệ tương lai của dân tộc, của đất nước.

Chức năng trọng yếu của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện.

Lực lượng chủ yếu đảm nhận và thực hiện chức năng ấy là đội ngũ giáo viên. Việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ đang lớn lên là trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đội ngũ giáo viên có trách nhiệm nặng nề nhất vì họ là những người chuyên trách công việc giáo dục.
Người giáo viên là những người trực tiếp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ theo đúng mục đích giáo dục.

Cụ thể người giáo viên có trách nhiệm truyền đạt cho thế hệ trẻ hệ thống tri thức khoa học, và kỹ năng, kỹ xảo lao động nghề nghiệp, truyền bá cho họ lý tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện họ trở thành những lớp người có ích cho đất nước.

Nền văn hoá của nhân loại và dân tộc chỉ được bảo tồn và phát triển thông qua sự lĩnh hội và sáng tạo của thế hệ trẻ. Muốn cho sự lĩnh hội đó của thế hệ trẻ đầy đủ, chính xác, muốn cho nền văn hoá đó biến thành những cơ sở trọng yếu để xây dựng nhân cách cho họ thì họ phải được rèn luyện theo phương thức đặc biệt - phương thức nhà trường thông qua vai trò người thầy giáo.

Có thể nói thầy giáo là cái “ dấu nối” giữa nền văn hoá xã hội và việc tái sản xuất nền văn hoá đó ở thế hệ trẻ. Mặt khác, việc hình thành và phát triển nhân cách con người là một quá trình lâu dài, nhưng giai đoạn được giáo dục ở nhà trường là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nhân cách.

Vì vậy, những tác động và kết quả giáo dục của giáo viên đối với học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giáo viên. Giáo viên chính là người “ kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” học sinh.

Ngày nay, những ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình dạy học ngày càng nhiều, các phương tiện kỹ thuật dạy học ngày càng phát triển hiện đại... nhưng chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên chứ hoàn toàn không thể thay thế vai trò của họ.

Điều đó có thể lý giải rằng giáo viên không chỉ dạy tri thức khoa học,dạy kỹ năng, kỹ xảo; phát triển trí tuệ học sinh mà còn truyền bá cho họ thế giới quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy và bồi dưỡng cho họ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, năng lực sáng tạo của một người công dân.

Giáo viên phải giáo dục học sinh về tâm hồn, về đạo lý,công lý...phải thông qua “dạy chữ” mà “dạy người”.Giáo viên phải giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình, cho nên không có máy móc nào hiểu được con người, tác động đến con người sâu sắc bằng chính con người.

Trong bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nhân loại, đội ngũ giáo viên đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục - đào tạo thế hệ tương lai.

Ở nước ta, trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, nhân dân ta, Đảng và nhà nước ta luôn luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Đội ngũ giáo viên đã không quản khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thiếu thốn có mặt trên khắp mọi miền đất nước, cống hiến toàn bộ tài năng cho sự nghiệp “ trồng người”, góp phần vào sự nghiệp chung.

Ngày nay, trước xu thế đổi mới của thế giới - thời đại của khoa học - công nghệ hiện đại. 

Đất nước Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - một xã hội công nghiệp, hiện đại, văn minh, công bằng, thì vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, của người giáo viên đã có sự thay đổi cơ bản.

Người giáo viên của thế kỷ XXI phải được đào tạo ở trình độ cao về học vấn cả về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục; phải nắm vững phương pháp dạy học theo xu thế dạy học lấy học sinh làm trung tâm; phải được trang bị những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin và ứng dụng vào trong quá trình dạy học. Người giáo viên không chỉ thực hiện chức năng dạy học, giáo dục mà còn là một nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà đạo đức, nhà hoạt động xã hội....

Ghi chép: Ngọ Văn Tuấn

Tác giả: Tổng hợp: Ngọ Văn Tuấn

Xem thêm

Tin tức