Tin từ đơn vị khác
Tối 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2017. Hình ảnh cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể xuất hiện trên sân khấu và bắt tay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gây xúc động mạnh cho những người tham dự chương trình.
Đinh Văn K'Rể là người dân tộc Hơ rê, em sinh ra đã mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). Năm nay K'Rể 9 tuổi nhưng em chỉ cao vỏn vẹn 58 cm và nặng 3,9 kg. Cuộc gặp gỡ giữa em và thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba cách đây 5 năm chính là khởi đầu cho câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi khó khăn nhất của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm K'Rể tròn 7 tuổi, thầy Đặng Văn Cương đã đón em về sống cùng với thầy tại nhà công vụ của nhà trường và bắt đầu hành trình gieo hy vọng cho em. Chia sẻ về kỷ niệm khó quên nhất với cậu học trò đặc biệt của mình, thầy Đặng Văn Cương xúc động nhớ lại lần đầu tiên đưa K'Rể ra Hà Nội khám bệnh.
Cậu học trò tí hon tươi cười khi gặp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Thầy kể, để có đầy đủ các xét nghiệm cho em, các bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương phải lấy đủ 5 ống máu. 5 ống máu với một cậu bé hơn 3 kg thực sự là một “cuộc chiến đấu” của lòng dũng cảm của cả thầy và trò. Trò khóc, thầy khóc khi đến ống máu thứ 3 K'Rể gần như kiệt sức, thầy gạt nước mắt dỗ dành trò, kiên nhẫn để đến cuối ngày mới có trọn vẹn được 5 ống máu.
Đối với thầy Cương đây sẽ là kỷ niệm mãi mãi không thể quên, còn với những người lắng nghe câu chuyện của thầy, không ai còn nghĩ đây là thầy giáo của Đinh Văn K'Rể nữa mà chính là người cha của em. Với thầy Cương, K'Rể đã thực sự trở thành một phần máu thịt.
Sau 2 năm đến lớp trong tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, giờ thì Đinh Văn K'Rể đã có thể viết được chữ O, số 1, em cũng đã dạn dĩ hơn rất nhiều, biết nói “ạ”, biết làm một số việc cá nhân. Đặc biệt em có thể quan sát, lắng nghe và hiểu hết những vấn đề xung quanh mình. Việc em đến tham dự chương trình rất đông người như thế này theo thầy Đặng Văn Cương đã là một việc mà cách đây một năm thầy không bao giờ dám nghĩ tới.
Xúc động và cảm phục trước nghị lực của trò, tình yêu thương của thầy, dù không có trong kịch bản chương trình nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Ban tổ chức được lên sân khấu để đứng thật gần hai thầy trò và được trao tặng một phần quà nhỏ từ cá nhân ông.
Khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi cậu học trò Đinh Văn K'Rể “thầy có thể bế con được không?”, cậu bé đã không ngần ngại sà vào vòng tay Bộ trưởng. Chia sẻ về khoảnh khắc này, Bộ trưởng nói rằng, đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động nhất trong cuộc đời làm thầy giáo, làm một nhà quản lý giáo dục như ông. Bộ trưởng chia sẻ, sẽ nỗ lực hơn nữa trên cương vị của mình để đồng hành với các thầy cô giáo, san sẻ bớt gánh nặng khó khăn cùng các thầy cô trên khắp mọi miền đất nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xúc động khi được bế trên tay cậu học trò tí hon
Bắt tay cậu học trò đặc biệt của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hẹn một ngày gần nhất sẽ đến tận nơi để thăm thầy và trò Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba. Bộ trưởng chúc thầy Đặng Văn Cương và em Đinh Văn K'Rể sẽ có thêm nhiều sức khỏe, nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình gieo chữ, gieo hy vọng, gieo niềm tin của mình và truyền cảm hứng cho mọi người.
Bộ trưởng cũng gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các cô giáo, thầy giáo đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.
“Thay lời tri ân” là chương trình được tổ chức hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhằm tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo nỗ lực vượt khó, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chương trình trình năm nay đã kể lại những cuộc hành trình gian nan thầy đi tìm trò đầy xúc động và sâu lắng. Trong chương trình năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng bằng khen cho 168 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ các địa phương và cơ sở giáo dục trong cả nước.
- Cô giáo dạy toán gây sốt mạng xã hội vì lời phê siêu dễ thương
- Những lưu ý quan trọng trong thi tổ hợp THPT quốc gia 2018
- Danh sách các máy tính bỏ túi được mang vào phòng thi THPT quốc gia 2018
- Tuyển sinh 2018: Không còn tâm lý “chạy theo đám đông”
- Công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2018
- Viết luận về nghề giáo, cô gái Việt xinh đẹp giành học bổng thạc sĩ ĐH danh tiếng Mỹ
- Cần duy trì thói quen sử dụng sữa cho trẻ tiểu học
- Có nên "ép" con trẻ học nhiều môn năng khiếu cùng lúc?
- Hài hước bài văn điểm 10 tả bố “không bằng bố người ta” của cô bé lớp 5
- Thư viện thân thiện
- Sẽ có quy định mới về chuẩn chính tả
- Ảnh hưởng không khí lạnh, tối nay Hà Nội mưa giông
- Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: "Nghề của mình buồn lắm phải không em?"
- Bốn bài luận ấn tượng nhất năm 2017 của du học sinh Việt
- Bạn đọc viết: Ngày 20/11, món quà ý nghĩa là tình cảm chân thành
- Cảm phục cô học trò một chân
- Vinh danh 127 tấm gương giáo dục tiêu biểu nhất cả nước
- Bài Văn điểm 10 mổ xẻ “mặt trái” của điểm số
- Nhiều chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2017
- Lương công chức, viên chức chính thức tăng từ 1/7/2017