Tin từ đơn vị khác

Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm

Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm

THÙY LINH

07:01 28/02/18

(GDVN) - Việc quy định điểm đầu vào mới chỉ là mong muốn của Bộ còn việc học sinh giỏi có muốn học ngành sư phạm hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dư luận là bắt đầu từ năm 2018, sẽ siết chặt đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên

Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau:

Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc siết điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai là hết sức cần thiết, song điều này cũng sẽ rất khó khả thi nếu như chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm vẫn còn bỏ ngỏ.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá:

Việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm là điều cần thiết và được xem như giải pháp đột phá để có thể thay đổi chất lượng nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt trong tình trạng điểm đầu vào ngày càng thấp thì việc siết điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào là một chủ trương sáng suốt và cần thiết trong thời điểm này.

Thầy Đinh Quang Báo cũng nhấn mạnh, giải pháp này cũng là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển. Cụ thể, ở các quốc gia này, ngành sư phạm bao giờ cũng tuyển chọn những thí sinh có chất lượng tốp đầu trong trường phổ thông.

Chuẩn đầu vào cao không phải là động lực để nhân tài phụng sự giáo dục

 

Tuy nhiên, khi nhìn nhận từ thực tiễn tại Việt Nam thì thầy Đinh Quang Báo nhắn nhủ, việc quy định điểm đầu vào cao đó mới chỉ là mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn việc học sinh giỏi có muốn học ngành sư phạm hay không thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Từ đó, thầy Báo kiến nghị, muốn thu hút nhân tài vào ngành sư phạm thì cần có chế độ ưu đãi hấp dẫn đối với người học, từng ưu đãi đó phải gắn liền với các giải pháp cụ thể từ khâu đào tạo, sử dụng, tuyển dụng...

Cụ thể, người tốt nghiệp ngành sư phạm đạt chất lượng thì phải đảm bảo cho họ đầu ra có việc làm. Và khi sử dụng lao động thì cần tạo điều kiện để giáo viên có được chế độ đãi ngộ xứng đáng cả về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm công tác, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Siết chặt điều kiện đầu vào, vậy đầu ra sẽ giải quyết thế nào?

Theo quan điểm của Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã đến lúc Nhà nước xác định số lượng sinh viên sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo chứ không nên đào tạo ồ ạt, tránh tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp gia tăng. 

Bởi lẽ, ông Nhĩ cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn do đó Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học. 

Từ đây, ông Nhĩ khuyến cáo, trong thời gian tới, khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm thì cần phải nêu rõ chiến lược phát triển giáo dục phổ thông, kết cấu hệ thống, quy mô ra sao để từ đó định hướng tới số lượng học sinh, số lớp học, tính toán số giáo viên...

Tác giả: THCS Đoan Bái

Xem thêm

Tin tức