Tin từ đơn vị khác
Giáo dục thiếu tự do sẽ tiếp tục bế tắc!
25/09/2018, 08:35 (GMT+7)
Dành nhiều tâm huyết cho giáo dục, TS Giáp Văn Dương nhiều lần bày tỏ quan điểm, vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam (GDVN) hiện nay chính là tự do cho giáo dục.
Đến bây giờ chúng ta vẫn sử dụng một bộ sách giáo khoa. Vào cùng một ngày, một giờ có cả triệu học sinh học một nội dung, nói về một khái niệm, bất kể không gian địa lý và văn hóa bản địa để hình thành một thế giới quan nhận thức. Thử nghĩ xem, cái đó có sợ không?
TS Giáp Văn Dương mở đầu cuộc trò chuyện với PV NNVN bằng một lời bộc bạch như vậy và hỏi lại chúng tôi câu hỏi đó. Lẽ tự nhiên, tôi đáp, quá sợ!
TS Giáp Văn Dương |
Dành nhiều tâm huyết cho giáo dục, TS Giáp Văn Dương nhiều lần bày tỏ quan điểm, vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam (GDVN) hiện nay chính là tự do cho giáo dục.
Không có triết lý giáo dục
Thẳng thắn mà nói, đâu là điều ông trăn trở nhất hiện nay với GDVN?
Điều tôi trăn trở nhất, vẫn là những vấn đề rất cũ. Đó là hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa bao giờ phát biểu một cách tường minh về triết lý giáo dục, làm cho nhà trường không xác định được đang đào tạo con người nào. Hệ thống giáo dục chưa bao giờ rõ ràng và sòng phẳng về chuyện đó, và cũng chưa bao giờ chịu trách nhiệm về việc này.
Con người mô tả trong các chương trình giáo dục hiện tại chỉ là những tô vẽ ôm đồm, những trang trí lòe loẹt bên ngoài. Cái trang trí đó chỉ là hình dung của những đôi mắt chưa hẳn là tinh tường và thẩm mỹ. Còn con người thực sự, nằm sâu trong bản thể người, với tất cả sự sống động và thao thức của nó, thì không ai quan tâm. Cũng không ai muốn giúp bạn biết mình là ai. Tất cả chỉ quan tâm xem bạn có làm bài, có thi được hay không?
Kết quả là học sinh không biết mình là ai, cũng không biết học để làm gì, không còn động lực để học hỏi và khám phá.
Bằng chứng là tất cả trẻ em đều hạnh phúc trước khi đến trường. Còn sau khi đến tuổi đi học, niềm vui sống bị thay bằng sự lo lắng và sợ hãi.
Chưa sòng phẳng về triết lý giáo dục nên cuối cùng là chạy theo xu hướng. Khi anh không có giá trị cốt lõi thì anh không biết mình mạnh ở điểm nào. Quan sát một số trường tư thì chuyện giá trị cốt lõi của ngôi trường trở thành quan trọng và chúng ta thấy có những trường thay đổi cốt lõi hàng năm. Điều này cho thấy cái đó chỉ là chạy theo xu hướng. Vì thế cái thiếu của GDVN chính là triết lý và giá trị cốt lõi. Có hai cái đó vấn đề sẽ khác hẳn.
Vậy nếu được hiến kế cho một triết lý GDVN, ông sẽ đóng góp điều gì?
Tôi nhất quán từ trước tới nay, triết lý giáo dục mà tôi theo đuổi là “Đào tạo con người tự do có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống”. Trước khi triển khai các hoạt động giáo dục, nhà trường phải trả lời được câu hỏi mấu chốt: Chúng ta muốn đào tạo con người nào? Nếu không trả lời được, các hoạt động giáo dục sẽ rơi vào bế tắc và hỗn loạn. Trả lời tường minh được câu hỏi này chính là đã tìm ra triết lý giáo dục.
Một cách chung nhất, dù được thiết kế và vận hành theo nhiều nguyên tắc khác nhau, nhưng con người mà các hệ thống giáo dục đào tạo ra sẽ chia thành hai loại cơ bản: Con người công cụ và con người tự do.
Trong góc nhìn đó, tôi chọn đào tạo ra những con người tự do. Tuy nhiên, tự do rất dễ suy thoái thành phóng túng và vô tổ chức. Vì thế con người tự do đích thực phải có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống.
Ông đã gặp phản ứng nào về triết lý giáo dục mình đưa ra?
Hiện tại thì chưa vì trong sâu thẳm mỗi con người, chúng ta ai cũng có khát vọng được tự do. Vì thế, chưa thấy ai thực sự phản đối triết lý giáo dục này.
TS Giáp Văn Dương: Tôi nhất quán từ trước tới nay, triết lý giáo dục mà tôi theo đuổi là “Đào tạo con người tự do có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống” |
Cũng phải nói thêm, tự do ở đây trước hết là tự do nội tại của mỗi người. Đó là thứ tự do nằm ở trong tâm trí, trong tư tưởng. Thứ tự do nội tại này bất khả tước đoạt và quan trọng hơn tự do ngoại tại ở bên ngoài rất nhiều. Vì nó không phụ thuộc vào người khác, đóng vai trò định hướng và điều tiết mọi nhận thức, hành xử của chúng ta. Còn khi đã ra khỏi thế giới đó, tự do của chúng ta sẽ bị giới hạn. Anh không thể nói tôi là con người tự do nên tôi cứ đi giữa đường được. Tai nạn chết ngay tắp lự.
Vì thế, tự do ở đây là con người có được tự do trong tâm trí, tự do trong tư tưởng, chứ không phải là thích làm gì thì làm.
Phương pháp đồng kiến tạo
Thưa TS, từ quan điểm đưa ra khá mạch lạc như vậy, xin hỏi ông đào tạo con người tự do theo phương pháp nào?
Tôi sử dụng phương pháp đồng kiến tạo. Theo đó, sự trưởng thành của học sinh là do cả thầy và học sinh tạo ra, chứ không phải là một sự áp đặt từ thầy lên trò. Muốn vậy thì cả thầy và trò phải có tự do. Nếu không, cả thầy và trò là kết quả của sự áp đặt từ đâu đó xuống.
Tùy theo mức độ trưởng thành mà con người tự do đạt được đến nhiều tầng bậc khác nhau. Tầng đầu tiên là tự do tư tưởng. Con người hơn con vật ở khả năng nhận thức và tư tưởng. Nếu không nhận thức được, không có ý thức giữ gìn và phát triển, nhiều khả năng mình sẽ đánh mất nó mà không biết.
Vì thế việc đầu tiên tôi làm cho học sinh phải được tự do về tư tưởng. Để họ nhận thức rõ hơn về cuộc sống, những gì mình phải đối mặt trong cuộc sống gần với sự thật nhất.
Học sinh phải có tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ để tìm ra sự thật. Về cái gì? Về bản thân mình, về thế giới xung quanh, trong đó có những nội dung được giảng dạy. Để làm gì? Để có được cách sống và hành xử đúng. Vì càng gần sự thật bao nhiêu, chúng ta càng hành xử đúng và hành xử thiện bấy nhiêu.
Tiếp đến là tự do lựa chọn. Tự do lựa chọn chỉ có thể xuất hiện khi đã có tự do tư tưởng. Chỉ như vậy, tôi mới có thể đưa ra lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm với nó. Nếu không, lựa chọn của tôi thực chất là lựa chọn của người khác, có thể được ngụy trang tinh vi theo nhiều cách khác nhau. Và hẳn nhiên, nếu tôi không lựa chọn, thì tôi cũng không chịu trách nhiệm.
Đến đây thì xuất hiện câu chuyện trách nhiệm. Chúng ta không thể đòi hỏi người khác có trách nhiệm nếu như không cho họ tự do lựa chọn. Tôi có được lựa chọn đâu mà đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm. Như thế, tự do và trách nhiệm là một cặp song sinh, chứ không đối lập nhau.
Ảnh minh họa |
Tầng thứ ba của tự do là tự do trở thành người mình muốn, tức tự do tạo ra chính mình. Tôi chọn trở thành nhà giáo, vậy nên tôi trở thành nhà giáo. Anh chọn trở thành nhà báo, nên anh đang phỏng vấn tôi. Như thế, chúng ta đã tạo ra chính mình thông qua lựa chọn. Nếu tôi không chọn trở thành nhà giáo, thì dù có đứng lớp 30 năm, tôi vẫn chỉ là thợ dạy, chứ không phải là một nhà giáo thực sự. Tôi chỉ trở thành nhà giáo vào giây phút tôi lựa chọn trở thành nhà giáo mà thôi.
Như vậy, sau tự do lựa chọn là tự do trở thành. Vì thế với học sinh là phải được hướng dẫn và giúp đỡ để tìm ra thế mạnh, đam mê của mình, để từng bước trở thành người mình mong muốn và làm chủ được sự trở thành đó. Nếu không, mỗi người chỉ là một bản sao không hoàn hảo của người khác.
Cuối cùng là tự do kiến tạo. Khi tôi muốn làm việc gì đó to lớn mà một mình tôi không làm được, mà trên thực tế là giờ đây có rất ít công việc một người có thể tự làm, thì tôi cùng làm việc với người khác. Chỉ như vậy, tôi mới cùng họ kiến tạo ra một điều gì đó to lớn. Vì thế, ở đây sẽ xuất hiện thứ tự do mới, tự do kiến tạo, với chính mình và với những người khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trò không phải cái bát để thầy đổ đầy nước vào TS Giáp Văn Dương cho rằng, trong giáo dục không được áp đặt một chiều. Trò không phải cái bát để thầy đổ đầy nước vào. Thầy và trò phải cùng nhau làm việc, cùng nhau kiến tạo. Kiến tạo một nhận thức, một thế giới quan mới mỗi ngày cho một sự trưởng thành. Vì thế, không ai có thể chấn hưng được giáo dục ngoài chính ngành giáo dục. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là giáo dục phải được tự do. Không thể hô hào chấn hưng mà cứ bóp nghẹt giáo dục. Chúng ta không thể bảo một đứa trẻ rằng hãy trưởng thành đi, hãy tốt lên mà được. Tốt lên, hay trưởng thành, phải đến từ bên trong của đứa trẻ đó. |
- trải nghiệm cửa khẩu Tân Thanh
- Dạy thêm - sự tiếp tay cho gian dối
- Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển?
- Ủy ban Kiểm tra TƯ chiêu mộ sinh viên xuất sắc vào 15 vị trí
- Trung thu của các em học sinh trường THCS Đoan Bái
- Lùi thông qua luật Giáo dục để bàn kỹ kỳ thi tốt nghiệp THPT
- ữ sinh đạt điểm thi Olympic cao nhất thế giới: "Thiên nhiên vô cùng thú vị"
- Lao động vệ sinh chào mừng năm học mới 2018 - 2019
- Hiến máu, nghĩa cử cao đẹp
- FC Võ Yến thi đấu với Fc 9C
- Giải bóng đá học sinh chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3
- Thi bóng chuyền cụm Công đoàn
- Tập luyện bóng chuyền đi thi cụm Công đoàn
- Chuẩn đầu vào cao không phải là động lực để nhân tài phụng sự giáo dục
- Bộ trưởng tặng bằng khen cho học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất
- 18 tiêu chí "chuẩn" của người giảng viên sư phạm
- “Giáo dục mở” với công tác đào tạo cán bộ
- Ai sẽ bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư?
- Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm
- Cô và trò trường THCS Đoan Bái tham gia cuộc thi tài năng tiếng anh cấp huyện