tin tức-sự kiện
Bộ GD-ĐT sẽ chính thức áp dụng nhiều nội dung mới cho học sinh (HS) tiểu học, trong đó đặc biệt chú trọng tới khả năng tự học, tự trải nghiệm của HS.
Được viết lại sách giáo khoa
Từ năm học này, Bộ chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 1.447 trường tiểu học trên cả nước với tinh thần tự nguyện.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết các trường được lựa chọn thí điểm tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của HS; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, chú trọng tự đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập. Các trường tham gia thí điểm là những trường thực hiện mô hình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Chủ trương của Bộ là không nhất thiết phải chọn những trường tốt nhất tại mỗi địa phương nhưng cũng không thể chọn những trường có điều kiện dạy học và chất lượng quá kém.
Theo mô hình này, mỗi trường và giáo viên phải căn cứ vào nội dung của sách giáo khoa (SGK) hiện hành để viết lại SGK trong đó hướng dẫn luôn cách học. Với tài liệu này, HS có thể tự học, tự vận dụng kiến thức vào trong đời sống thực tế, gắn kết nhà trường với cộng đồng.
Tự bầu lớp trưởng, bàn ghế linh hoạt
Vai trò của giáo viên là giúp đỡ HS nhận ra bài học, có khó khăn gì thì hướng dẫn giải quyết. Ngoài việc ưu tiên khả năng tự học, mô hình trường học mới, theo ông Hiển, cũng sẽ ưu tiên hơn việc sinh hoạt tập thể để phát huy năng lực của HS.
Ở mô hình này, tính dân chủ trong mỗi lớp học sẽ được thể hiện rõ hơn. HS tự quản, tự đưa ra tiêu chí mà các em mong muốn cho lớp mình và đề ra nội dung thi đua. HS cũng tự bầu lớp trưởng, lớp phó... chứ không phải do áp đặt của giáo viên, giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn HS khi cần thiết.
Ông Hiển cho hay, việc bố trí lớp học ở những trường áp dụng mô hình này cũng sẽ phải khác hiện nay. Mỗi phòng học sẽ giống như phòng học bộ môn hoặc thư viện linh động, đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm được để ngay tại lớp học. HS cần học cái gì là có thể ra góc tài liệu hoặc thiết bị để lấy. Bàn ghế cũng linh hoạt để HS có thể học nhóm với nhau. Giáo viên có thể đến từng HS để giải quyết thắc mắc chứ không chỉ đứng trên bục giảng truyền thụ một chiều.
Cách đánh giá cũng khác, giáo viên sẽ phải quan sát nhiều hơn để nắm được từng bước đi của HS, đánh giá các em trong quá trình tự học, tự áp dụng kiến thức vào thực tiễn hoặc các buổi sinh hoạt tập thể giữa HS trong lớp.
Tự làm thí nghiệm
Cũng trong năm học mới, Bộ chính thức triển khai thí điểm phương pháp "bàn tay nặn bột" đối với các trường tiểu học và cả THCS tại cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là phương pháp dạy hình thành kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm. HS chia nhóm để tự làm, tự trao đổi, nghiên cứu, quan sát để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống. Người thầy chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Bộ triển khai thí điểm dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới tại 48 trường tiểu học ở 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương và Ninh Bình.
Ông Hiển cho biết, sẽ rút kinh nghiệm những mô hình, phương pháp mới. Nếu nội dung nào thực sự có hiệu quả sẽ được đưa vào Đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015.
- Phụ huynh có vai trò quan trọng quyết định kết quả học tập của con
- Một số giải pháp thực hiện chương trình đổi mới hình thức Giáo dục Âm nhạc ở độ tuổi Mẫu giáo
- Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Văn
- Nắm đặc điểm học sinh miền núi để làm tốt công tác giáo dục
- Hướng tới giờ dạy thân thiện