Thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học về tư vấn, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được sự nhất trí của Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa, ngày 29/1/2018, Trường THCS Mai Đình và Trường Tiểu học Mai Đình số 1 đã tổ chức chương trình tư vấn, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua chuyên đề “Bác Hồ và những bài học triết lý nhân sinh” do Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo trình bày.
Các đại biểu dự buổi nói chuyện
Đến dự chương trình có các đồng chí Lãnh đạo thay mặt Đảng ủy, UBND xã Mai Đình, Ban giám hiệu, tập thể các Thầy cô giáo Trường THCS Mai Đình, Trường tiểu học Mai Đình số 1, đại diện các bậc PHHS, phóng viên trang Hiephoa.net và 564 em học sinh Trường THCS Mai Đình cùng 333 em học sinh khối 4,5 của Trường tiểu học Mai Đình số 1.
Giáo sự Hoàng Chí Bảo trong buổi nói chuyện
Mở đầu, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về Bản Di chúc của Bác, Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng trong Bản Di chúc trước lúc đi xa Bác để lại chỉ có 1.000 từ thôi nhưng Bác dặn dò không sót một điều gì. Bản Di chúc chứa đựng những giá trị rất thiêng liêng và chính thức được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia. Bản Di chúc cũng là động lực cho chúng ta trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Vì vậy mỗi người chúng ta cần phải thuộc lòng từng từ trong Bản Di chúc đó.
Tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng với giáo sự Hoàng Chí Bảo
Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể lại những mẩu chuyện về những giây phút cuối đời vô cùng xúc động của Người. Giáo sư nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, tận tụy, trung thành của nhân dân; trong sáng, giản dị, gần dân, lo cho dân… những mẩu chuyện có thật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được giáo sư truyền đạt hết sức gần gũi và cụ thể; giúp cán bộ, đảng viên, giáo viên, các bậc PHHS và các em học sinh nắm bắt thêm nhiều thông tin, câu chuyện về tấm gương, đạo đức của Bác.
Bên cạnh đó, Bác còn là tấm gương sáng đầy thuyết phục cho thế hệ trẻ về tinh thần tự học, theo Bác: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, việc học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự học là điều cốt yếu nhất để tích lũy kiến thức. Theo Bác thanh niên có tài mà không có đức là người vô dụng, cho nên việc tu dưỡng đạo đức với cán bộ, giáo viên và học sinh là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Dừ ngoài trời khá rét, học sinh vẫn chăm chú theo dõi những bài học đạo đức từ Bác Hồ kính yêu do giáo sư chia sẻ
Bác Hồ kính yêu, Người đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời làm cách mạng, Người đã “quên mình cho hết thẩy” để giải phóng, giữ gìn và phát huy sức mạnh Việt Nam. Trong đó, thế hệ thiếu niên, nhi đồng được Người đặc biệt quan tâm và dành cho tình thương yêu vô hạn.
Sinh thời, Bác đã chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do” …
Sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước. Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, vị Chủ tịch nước trong bộn bề công việc vẫn không quên “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp “bầy nô lệ trẻ con”. Bác gửi cho các em lời yêu thương tha thiết:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.
Trong bản di chúc của mình, Bác Hồ 2 lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Văn nghệ chào mừng
Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Bác. Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương sáng cho các em noi theo: “Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. Và Bác đã dạy rằng:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Bằng lối thuyết trình mạch lạc, có sức lôi cuốn đã gây xúc động mạnh cho người nghe. Buổi nói chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của GS. TS Hoàng Chí Bảo đã mang đến cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, các bậc PHHS, các em học sinh một cái nhìn tổng quát, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác - một con người với trí tuệ uyên bác và nhân cách cao cả, trọn đời vì nước, vì dân.
Buổi nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trong việc tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Bởi việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta tự phấn đấu, vươn lên, tự làm cho mình trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
Em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 7A, Trường THCS Mai Đình phát biếu sau buổi nói chuyện của Giáo sư Hoàng Chí Bảo “Em thực sự vô cùng xúc động sau khi nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Bác Hồ kính yêu. Những câu chuyện Giáo sư kể về Bác Hồ làm cho em cũng như các bạn càng tự hào và kính yêu Bác hơn, chúng em xin hứa sẽ thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, sẽ học tập thật chăm chỉ, vâng lời ông bà, bố mẹ và Thầy cô giáo, ra sức học tập, giành nhiều điểm tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”.
Thay mặt toàn thể cán bộ, Đảng viên, giáo viên và các em học sinh 2 nhà trường, Thầy giáo Nguyễn Minh Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Đình bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến những đóng góp của Giáo sư trong công tác nghiên cứu, truyền tải nhiều câu chuyện hay, đầy ý nghĩa về Bác đến cán bộ, đảng viên, thanh niên trẻ hiện nay. Qua những câu chuyện thấm đẫm tình người về Bác, thế hệ cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh luôn hướng về Bác, củng cố lòng tin, vô cùng tôn kính và tự hào về vị Cha già suốt cả một đời hy sinh cho dân tộc, cho đất nước, từ đó có kế hoạch học tập làm theo tấm gương đạo đức của Người thiết thực và hiệu quả.