Ngày: 21/12/2016
Khác biệt đặc trưng giữa dạy hát và dạy Tập đọc nhạc là khi dạy hát, giáo viên phải cung cấp giai điệu cho học sinh thông qua tiếng đàn và hát mẫu để các em hát đúng giai điệu, lời ca. Còn khi dạy Tập đọc nhạc, học sinh cần tự giải mã và khám phá được giai điệu của bản nhạc. Giáo viên chỉ nên hướng dẫn học sinh luyện tập cao độ, luyện tập tiết tấu và phần nào đó là dùng nhạc cụ giúp các em đọc đúng giai điệu. Giáo viên không nên đọc mẫu, vì đó là dạy truyền khẩu, giảm tính tích cực của học sinh và cũng không nên sử dụng đàn quá nhiều, làm giảm đi sự khám phá của các em.
- Giáo viên treo bài Tập đọc nhạc lên bảng.
- Giáo viên giới thiệu ngắn gọn về tên, tác giả bài Tập đọc nhạc.
Dạy bài hát thì có thể mở rộng thông tin về tác giả nhưng dạy bài Tập đọc nhạc thì không nên. học sinh chỉ cần biết bài Tập đọc nhạc do ai sáng tác, trích từ bản nhạc nào, không cần những thông tin mở rộng về tác giả, vì không có nhiều thời gian để làm việc đó.
b) Tập nói tên nốt nhạc (Tiểu học) Tìm hiểu về bài Tập đọc nhạc (Trung học cơ sở)
Yêu cầu của bước này ở Tiểu học thấp hơn so với ở Tập đọc nhạc, học sinh Tiểu học chỉ cần nắm vững và nói đúng tên các nốt nhạc. Giáo viên có thể thực hiện bằng cách chỉ vào từng nốt trong bài Tập đọc nhạc để cả lớp đồng thanh nói tên nốt hoặc chỉ định một vài học sinh nói tên nốt trong từng khuông nhạc. Nói tên nốt khác với đọc nhạc ở chỗ, học sinh chỉ cần biết tên nốt nhạc là Đô, Rê, Mi, Pha, Son… mà không cần thể hiện đúng cao độ của chúng.
Ở Trung học cơ sở, khi tìm hiểu về bài Tập đọc nhạc, học sinh cần trả lời một vài câu hỏi như: Bản nhạc viết ở nhịp nào? Có dùng nhịp lấy đà không? Bản nhạc có những kí hiệu âm nhạc nào? Có những hình nốt nào? Bản nhạc có thể chia thành mấy câu? Quãng rộng nhất giữa hai nốt nhạc gần nhau là quãng mấy?... Đôi khi cũng có thể cho học sinh tập nói tên nốt nhạc trong từng câu nếu giáo viên nhận thấy các em chưa thật sự nắm vững tên nốt nhạc.
c) Luyện tập cao độ
- Giáo viên hỏi học sinh về cao độ các nốt trong bài Tập đọc nhạc từ thấp lên cao, giáo viên viết lên bảng thành thang âm.
- Giáo viên dịch giọng cho phù hợp với giọng của học sinh.
- Giáo viên đàn để học sinh đọc cao độ các nốt từ thấp lên cao rồi theo chiều ngược lại. Đôi khi giáo viên cũng nên hướng dẫn các em tập đọc các quãng trong thang âm.
Luyện tập cao độ và tiết tấu là hai hoạt động rất cần thiết khi dạy Tập đọc nhạc. Tâm lí của học sinh là muốn khám phá tên nốt nhạc trong bài Tập đọc nhạc, vì vậy giáo viên nên hướng dẫn học sinh đọc cao độ vì hoạt động này vừa giúp các em nắm vững tên nốt, vừa đọc cao độ của bài.
d) Luyện tập tiết tấu
- Giáo viên viết tiết tấu của bài Tập đọc nhạc lên bảng (thông thường là tiết tấu câu đầu tiên). Nếu không viết lên bảng, giáo viên cần chỉ vào bài Tập đọc nhạc để học sinh nhận ra âm hình tiết tấu đó.
- Giáo viên gõ tiết tấu làm mẫu.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện tập tiết tấu.
Những lưu ý khi luyện tập tiết tấu:
+ Có nhiều cách luyện tập, trong đó có 4 cách khá phổ biến mà giáo viên thường áp dụng, đó là: đọc tiết tấu, gõ tiết tấu, đọc kết hợp gõ tiết tấu, đọc tiết tấu kết hợp gõ phách. Tuy nhiên, trong mỗi bài Tập đọc nhạc, chỉ nên chọn 1-2 cách luyện tập thích hợp.
Cách thứ nhất, giáo viên đọc: đen đơn đơn đen đen đen đơn đơn trắng. Cách thứ hai, chỉ gõ tiết tấu mà không đọc. Cách thứ ba, giáo viên vừa đọc vừa gõ tiết tấu. Cách thứ tư, đọc tiết tấu kết hợp gõ phách.
+ Thời gian luyện tập tiết tấu không nên kéo dài, chỉ thực hiện trong khoảng 2-3 phút. Bởi nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thời gian của các bước khác.
+ Chỉ nên hướng dẫn học sinh luyện tập tiết tấu câu mở đầu trong bài Tập đọc nhạc, tuy nhiên khi tập đọc từng câu, nếu xuất hiện những tiết tấu khó, giáo viên có thể hướng dẫn các em luyện tập thêm.
+ Việc đọc hoặc gõ tiết tấu rất khó thể hiện đúng với nốt nhạc ngân dài, vì vậy giáo viên cần qui ước với học sinh bằng động tác mở rộng hai bàn tay (nếu là nốt ngân dài) hoặc úp hai bàn tay (nếu là dấu lặng)…
+ Nếu bài Tập đọc nhạc có tiết tấu khó, giáo viên nên sử dụng cách luyện tập tiết tấu đơn giản (đọc tiết tấu hoặc gõ tiết tấu), ngược lại bài có tiết tấu dễ, có thể áp dụng cách luyện tập phức tạp (đọc kết hợp gõ tiết tấu hoặc đọc tiết tấu kết hợp gõ phách).
+ Cần cho học sinh sử dụng tiết tấu đã luyện tập khi tập đọc từng câu.
e) Tập đọc từng câu
Nếu chỉ qua bước luyện tập cao độ và luyện tập tiết tấu mà học sinh tự đọc được giai điệu bài Tập đọc nhạc thì đó là điều lí tưởng, vì như vậy các em đã thật sự khám phá được giai điệu của bản nhạc. Tuy nhiên đó là nhiệm vụ không khả thi, vì 3 khó khăn: rất hiếm học sinh phổ thông có khả năng tự đọc nhạc; bài Tập đọc nhạc mới lạ nên không dễ đọc; thời gian học ngắn (20-30 phút). Để khắc phục 3 khó khăn đó, sau khi học sinh đã luyện tập cao độ và tiết tấu, giáo viên có thể dạy các em tập đọc từng câu theo cách sau:
- Giáo viên đàn giai điệu cả bài một lần để học sinh bước đầu hình dung ra giai điệu, đồng thời giúp các em thấy tự tin hơn.
- Giáo viên dùng nhạc cụ để lấy âm thanh mẫu rồi chỉ từng nốt của câu 1 để cả lớp đồng thanh đọc (sẽ có rất ít học sinh đọc đúng giai điệu theo cách này, nhưng đây là điều cần làm để tạo cơ hội cho các em được khám phá giai điệu của bản nhạc). Khi học sinh không đọc được, giáo viên nên đàn giai điệu câu 1 vài ba lần, nhắc học sinh vừa lắng nghe, vừa quan sát nốt nhạc và đọc nhẩm theo.
- Giáo viên chỉ nốt nhạc cho tất cả cùng đọc câu 1 vài ba lần.
- Giáo viên chỉ định một số học sinh đọc lại.
- Giáo viên giúp các em sửa chỗ sai (nếu có).
- Cả lớp tiếp tục đọc câu 1 sau khi sửa sai.
- Đọc các câu tiếp theo tương tự, nếu câu nào giống câu trước thì để học sinh tự nhận biết và tự đọc.
Nếu giáo viên dạy Tập đọc nhạc theo cách kết hợp 2-3 bước lại với nhau thì có thể thực hiện:
- Chỉ nốt nhạc trong câu 1 để cả lớp đồng thành nói tên nốt nhạc (thường áp dụng ở Tiểu học).
- Luyện tập cao độ câu 1: giáo viên đàn một vài âm để làm chỗ dựa cho học sinh đọc cao độ các nốt nhạc.
- Luyện tập tiết tấu câu 1.
- Giáo viên đàn giai điệu rồi chỉ nốt nhạc để cả lớp tự đọc câu 1 (kết hợp cao độ và tiết tấu vừa luyện tập).
- Học sinh khá xung phong đọc lại.
- Giáo viên đàn giai điệu để tất cả tự kiểm tra và sửa sai.
- Đọc câu 2 và các câu tiếp theo tương tự, nếu có câu giống câu trước thì để học sinh tự nhận biết và tự đọc.
f) Tập đọc cả bài
- Giáo viên dùng thước chỉ vào bài Tập đọc nhạc để học sinh tập đọc cả bài.
- Giáo viên đàn giai điệu, học sinh đọc cả bài hoà với tiếng đàn, vừa đọc vừa gõ tiết tấu.
- Giáo viên chỉ định một vài học sinh khá đọc bài, làm mẫu cho các bạn.
- Giáo viên lắng nghe học sinh đọc (không nên sử dụng nhạc cụ) để phát hiện chỗ sai, hướng dẫn các em sửa chữa.
g) Ghép lời ca
- Giáo viên đàn giai điệu, nửa lớp đọc nhạc đồng thời nửa kia tập ghép lời (hoặc giáo viên đàn, học sinh tự hát).
- Giáo viên chỉ định học sinh hát lời.
- Giáo viên sửa chỗ sai.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh hát lời và gõ phách.
h) Củng cố, kiểm tra
- Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc nhạc, ghép lời kết hợp gõ phách hoặc đánh nhịp.
- Hướng dẫn học sinh đọc nhạc kết hợp thể hiện cường độ của phách mạnh, phách nhẹ.
- Học sinh trình bày bài Tập đọc nhạc theo tổ, nhóm hoặc cá nhân.
- Học sinh xung phong lên bảng, quan sát bài Tập đọc nhạc, chỉ nốt kết hợp đọc nhạc, hát lời.
Trần Thị Trang