Chủ nhật, 05/01/2025 14:17:43
Vẻ đẹp sang thu trong Sang Thu của Hữu Thỉnh

Ngày: 26/02/2017

BÀI LÀM
 
Một bức tranh giao mùa tình tứ, bài thơ của cảm nhận tinh tế với những hình ảnh màu sắc giàu sức gợi cảm, suy nghĩ bằng thể thơ 5 chữ, ấy là Sang thu (1978) của Hữu Thỉnh. Sang thu vẽ bức tranh thiên nhiên đổi mùa từ gần đến xa, từ thấp lên cao và khép lại bởi những nghĩ ngợi về mùa thu – cuộc đời.

Câu thơ đầu gây cho ta cảm giác ngỡ ngàng. Nguyên do chính bởi từ bỗng. Nhưng cái đột ngột ấy mới nên làm thơ làm sao! Vì làm nên sự ngỡ ngàng lại đột khởi từ mùi hương ổi. Có phải đó là một trong những mùi hương quả đặc trưng của mùa thu miền Bắc Việt Nam? Có lẽ mùi hương ổi phải đậm đà, lan tỏa lắm nên mới được chưng cất trong từ phả nối đầu câu. Tiếp theo:  Phả vào trong gió se. Không gian đầu thu tĩnh lặng. Hơi thở mùa thu nồng nàn. Gió thu se se lành lạnh, mơn man thấm tận đáy lòng. Thấy cả sắc vàng ươm của nắng, nhuộm chín vàng trái ổi, thấy hương vị chuyển mùa, thời gian và không gian nhẹ nhàng sang thu. Họa sĩ đưa tiếp một nét cọ mềm mại, mỏng manh: Sương chùng chình qua ngõ. Từ láy chùng chình biến làn sương thiên nhiên vô tình, vô cảm thành người bạn duyên dáng, đài các của mùa thu. Người bạn còn bận gì hay vương vấn chi mà bước chân dùng dằng, nửa đi nửa ở? Hình ảnh sương qua ngõ làm ta nhớ lại đến cái ngõ trúc quanh co khách vắng teo trong tuyệt bút Thu điếu (Nguyễn Khuyến). Khác chăng là ngõ trúc của Tam Nguyên ở Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam; còn ngõ trong Sang thu hẳn là ngõ tre Vĩnh Phúc – quê nhà thơ hiện đại. Cảm nhận: Hình như thu đã về khá tinh tế. Người vẽ tranh tạm gạt sang bên bộn bề, ưu tư của cuộc sống thường nhật để đôi mắt thơ – đôi mắt tâm hồn cảm nhận được sự đã về vừa rõ ràng vừa hiện hữu vừa mờ ảo, ngập ngừng của thu, như phỏng đoán, trong niềm bâng khuâng, xao xuyến.

Bức tranh thu rộng mở ở khổ hai. Dòng sông cuối hạ đầu thu bắt đầu cạn dần, chầm chậm uốn lượn giữa đôi bờ tre, bãi mía trung du. Thêm từ láy dềnh dàng, sông thành người bạn tri âm tri kỉ dịu hiền, mà thanh thản. Ngước lên cao, gặp hình ảnh những đàn chim vội vã bay đi tránh rét – một hình ảnh rất quen thuộc, phổ biến trong thực tế và văn chương. Đáng để ý ở đây là sự tương phản giữa hai hành động dềnh dàng – vội vã của sông và chim tạo nên vẻ đẹp và cái hồn riêng của mùa thu phương đông, xứ Bắc. Trong Chiếu sông Thương, Hữu Thỉnh đã vẽ bức tranh chiều thu làng quê miền Bắc với những nét rất quen thuộc và đặc trưng, nhưng cái nhìn hơi bị hướng ra ngoài: Nắng thu đang trải đầy, Đã trăng non mùi bưởi, Bên cầu con nghé đợi, Cả chiều thu sang sông. Những hình ảnh đẹp, khá thú vị và khá bất ngờ, mới mẻ trong Sang thu, theo tôi, có lẽ là : Có đám mây mùa hạ, Vắt nửa mình sang thu.

Lại nhớ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (Thu điếu) thuở nào. Cái hay và mới của hình ảnh đọng ở lối nói vắt nửa mình, khiến ta hình dung một dải mây mềm mại như lụa trải, như áng tóc bồng bềnh mềm mại của người con gái thời mới dậy thì… vừa hờ hững, vương vấn với chút gì của hạ, lại vừa háo hức trong cái yên ắng, tĩnh lặng của bầu trời đầu thu. Thực ra, làm gì có đám mây cụ thể nào như thế? Làm gì có sự ngăn cắt – dù rất nhỏ, rất mảnh – giữa hai mùa, trong không gian, nhất là trong thời gian? Đây chính là sản phẩm tưởng tượng của nhà thơ đa tình. Nguyễn Xuân Sanh từng viết : Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay. Mùa xuân mới hồng tươi, vắt ngang mình qua núi cũ; cụ thể hóa trong trừu tượng hóa, nhưng còn nghiêng về phía thực. Đến Hữu Thỉnh, đám mây chuyển mùa đã thành đám mây tâm hồn duyên dáng, đầy tâm trạng: không giấu được nỗi luyến tiếc mùa hạ - tuổi hoa niên.

Khổ cuối, cảm nhận giao mùa lắng vào chiều sâu suy nghĩ. Vẫn còn bao nhiêu nắng. Vẫn còn là chưa hết những dấu hiệu sắp kết thúc cái chói chang nắng hè, để thay thế bằng vàng dịu nắng thu. Nắng cũng có thể đo đếm được bằng từ chỉ lượng: bao nhiêu. Những cơn mưa xối xả, ào ạt như đổ cây nước của mùa hạ vơi dần, giảm dần. Thiên nhiên biến chuyển thật rõ, thật chậm, nhẹ dần, dịu dần,… Hai câu kết: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hang cây đứng tuổi chủ yếu mang ý nghĩa ẩn dụ. Bớt (nghĩa là thỉnh thoảng vẫn còn, chưa hết hẳn) những tiếng sấm, sét đoành đoành, inh tai nhức óc trong những trận mưa dông mùa hạ nên hàng cây đứng tuổi (vẫn chưa phải cổ thụ) không còn bị giật mình nữa mà bình thản đón đợi. Nhưng tiếng sấm – âm thanh của trời kia, phải chăng còn gợi đến những vang động, va đập, biến chuyển đột ngột, bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời? Hàng cây đứng tuổi là hình ảnh của người đã ngoài tam thập (30), tứ thập (40), đã từ nhi lập (lập nghiệp, trưởng thành) đến nhi bất hoặc (không còn nghi ngờ) lịch lãm, từng trải. Khi con người đã qua tuổi thanh niên, cường tráng, bồng bột (mùa hạ) Sang thu cuộc đời – vững vàng, trưởng thành, đằm chín hơn, ít bị bất ngờ trước những biến cố bất thường của số phận. Nếu đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác của nó: năm 1978, trong mối liên hệ với cuộc đời tác giả - nhà thơ của binh chủng thiết giáp với bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng: Năm an hem trên một chiếc xe tăng, ta còn thấy suy ngẫm, liên tưởng sâu xa hơn của Hữu Thỉnh về đất nước và nhân dân Việt Nam vừa trải qua 30 năm chiến tranh gian khổ và thắng lợi vẻ vang, đang vừa khẩn trương vừa xây dựng lại, vừa sẵn sang bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc trước nguy cơ xâm lược mới, dù là từ phía Tây Nam hay từ phía Bắc. Suy ngẫm gửi gắm của tác giả có khi còn gửi qua nhan đề bài thơ. Không phải là Thu sang mà là Sang thu. Thể thơ 5 chữ cổ điển với nhịp điệu đều, chậm biến đổi 3/2, 2/3, 1/2/2… góp phần thể hiện bước đi của thời gian giao mùa, lại giúp người đọc đồng cảm, lắng sâu vào cảm nhận và liên tưởng, nghĩ suy, thấm thía, Tản Đà từng viết Cảm thu, Tiễn thu; Xuân Diệu từng viết Đây là thu tới, Thơ duyên với những cảm nhận riêng tinh tế, tài hoa, Hữu Thỉnh, với Sang thu tiếp tục góp một khám phá mới, làm phong phú thêm, vĩnh cửu lúc giao mùa – mùa thu.
c2maidinh
Tin liên quan