Chủ nhật, 22/12/2024 23:35:41
Bỏ môn lịch sử

Ngày: 06/10/2015

 Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn, thì bản chất là thủ tiêu môn học này. Chúng tôi sẽ có kiến nghị về dự thảo này...", Giáo sư Phan Huy Lê nêu quan điểm.

 

Lịch sử sẽ trở thành môn tự chọn?

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT vừa ban hành lấy ý kiến có nhiều sự thay đổi.

Theo đó, nhiều môn học sẽ bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn học bắt buộc và tăng dần các môn tự chọn. 

Cấp THCS, số môn học bắt buộc sẽ giảm từ 13 môn xuống còn 7 môn, trong đó có môn tích hợp. 

Cụ thể, học sinh sẽ học bắt buộc các môn sau: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, giáo dục công dân, thể dục, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Môn tự chọn bao gồm: Ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc, các môn thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học tự nhiên.

Đặc biệt, với cấp THPT, số môn bắt buộc sẽ chỉ còn 4 môn: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, công dân với tổ quốc.

Các môn tự chọn bao gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, tin học, lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, công nghệ, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các chuyên đề học tập về mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Điều đáng lưu ý, nếu như môn lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội ở cấp tiểu học và THCS theo dạng bắt buộc thì ở cấp THPT, môn học này lại được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. 

Nhiều ý kiến lo ngại, học sinh sẽ bỏ qua nhiều môn học mang tính bản lề như môn lịch sử?

Tự chọn thực chất là thủ tiêu môn Lịch sử?

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT ban hành cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới việc tích hợp môn Lịch sử trong bộ môn khoa học xã hội.

Hôm 5/10, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn, thì bản chất là thủ tiêu môn học này.

“Tôi đã cảnh báo nhiều lần, làm gì thì làm, nếu xóa bỏ môn Lịch sử trong hệ thống tri thức phổ thông là cực kỳ nguy hiểm.

Công dân lớn lên mà không biết, hoặc biết mơ hồ về lịch sử Việt Nam thì ai sẽ chịu trách nhiệm hệ quả đào tạo này?”, Giáo sư Phan Huy Lê cảnh báo.

Cũng theo Giáo sư Phan Huy Lê, việc tích tích hợp môn Lịch sử trong bộ môn khoa học xã hội vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

“Tôi cho rằng, chúng ta mới tiếp thu lý thuyết về tích hợp, chưa mang tính cụ thể gì cả. Nếu muốn đưa ra thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi thì phải đi vào cụ thể vấn đề tích hợp như thế nào? Vấn đề sách giáo khoa, đào tạo, bổ sung giảng dạy ra sao…?”, Giáo sư Phan Huy Lê nêu quan điểm

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, với cách thi, cách dạy như hiện nay thì không riêng môn Lịch sử mà các môn xã hội nói chung cũng bị hạ thấp, coi là môn phụ.

“Thông qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, tôi thấy rất nhiều người yêu môn Lịch sử, ham học hỏi kiến thức lịch sử.

Tuy nhiên, với quan điểm, cách thức giảng dạy môn Lịch sử hiện nay, người ta dần quay lưng lại với môn Lịch sử là điều có thể thấy rõ.

Do đó, môn Lịch sử mà không đi vào tâm thức lớp trẻ, tuyệt đối không phải vì nội dung lịch sử, không phải vì người ta không yêu thích lịch sử mà trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục”, Giáo sư Phan Huy Lê chỉ rõ.

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết thêm: "Sắp tới Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các nhà quản lý giáo dục về Dự thảo thảo này. Các ý kiến sẽ được tập hợp và gửi Bộ GD&ĐT xem xét…”.

Coi nhẹ lịch sử là có tội với đất nước, tổ tiên

Đây là quan điểm của Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ nhấn mạnh: “Nếu đã quan niệm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thì đầu tiên phải học lịch sử. 

Thời cổ xưa khi chúng ta chưa biết nhiều về các môn khoa học tự nhiên, thì môn Sử trở thành môn bắt buộc, chính yếu trong nhà trường.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, môn học này luôn có tầm quan trọng và giữ nguyên giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tạo dựng nhân cách cho con người nói chung...”.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ, Lịch sử là môn một văn hóa trong nhà trường thì nó (lịch sử - PV) phải được đối xử ngang bằng nhau như các môn văn hóa khác. 

“Tôi chưa thấy ở quốc gia nào có quan niệm, thích học lịch sử thì học, không học thì thôi. Trên thế giới, có quốc gia đã chọn môn sử là môn bắt buộc trong thi công chức…

Người ta quan tâm lịch sử dân tộc như vậy, còn chúng ta thì sao?

Do đó, việc học Lịch sử hay không học, quan trọng hay không quan trọng là do người cầm cán.

Tôi nghĩ chính người lớn chúng ta đang làm hư con trẻ.

Thử đặt câu hỏi, sẽ thế nào nếu con, cháu chúng ta không biết về lịch sử dân tộc, không biết gốc gác của mình là ai?”, Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ đặt câu hỏi.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môn Lịch sử cũng phải được quan tâm đúng mức.

“Nhiều môn thi có điểm 0 thì chẳng ai nói gì, trong khi học sinh đạt điểm thấp môn Lịch sử thì cả xã hội “lên án”.

Điều này cũng cho thấy, môn sử rất quan trọng trong giáo dục và được cả xã hội quan tâm.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải học lịch sử. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến nước ta, trong đó có vấn đề chủ quyền biển đảo".

Từ những phân tích trên, Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ cho rằng, vấn đề cốt yếu trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục lịch sử nhằm trang bị kiến thức bản lề trong cuộc sóng, chứ không phải bỏ đi môn học này.

Có lịch sử mới có tương lai. Học lịch sử để dạy các em biết, tổ tiên ông cha ta đã lập quốc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc như thế nào, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Còn chúng ta, nếu không quan tâm đến lịch sử là có tội với tổ tiên…

 

QUỐC TOẢN
Tin liên quan