Thứ hai, 23/12/2024 11:14:07
TRƯỜNG TIỂU HỌC HỢP THỊNH SỐ 1 VỚI VIỆC ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP “BÀN TAY NẶN BỘT” VÀO DẠY VÀ HỌC

TRƯỜNG TIỂU HỌC HỢP THỊNH SỐ 1

VỚI VIỆC ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP “BÀN TAY NẶN BỘT” VÀO DẠY VÀ HỌC

 

  Việc hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần chiếm ưu thế. Phương pháp “ Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất của vấn đề.

   Áp dụng phương pháp “ Bàn tay nặn bột” vào dạy và học là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của năm học  mà PGD& ĐT đề ra. Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà ngành đề ra, đồng thời cũng nhận thức rõ được những ưu điểm cũng như  hiệu quả mà phương pháp này mang lại đối với chất lượng dạy và học các môn khoa học, trường Tiểu học Hợp Thịnh số 1 đã vận dụng một cách tích cực và triệt để vào tất cả các tiết học khoa học có thể áp dụng được phương pháp này. Mặc dù khi vận dụng phương pháp này vào dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ cho tất cả các học sinh; một số giáo viên thiếu kĩ năng về phương pháp mới,... Song từ khi áp dụng phương pháp này vào dạy và học, không thể phủ nhận được những sự thay đổi theo chiều hướng tích cực từ phía người dạy và người học. Giáo viên chủ động và sáng tạo hơn trong việc xử lý các tình huống trên lớp; Phương pháp này đòi hỏi mỗi giáo viên không ngừng tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến thức và năng lực sư phạm. Các em học sinh như được thổi một luồng gió mới, hào hứng hơn, say mê và sáng tạo hơn. Bởi học theo phương pháp này, các em không còn thụ động như học theo phương pháp cũ mà trong mỗi bài học, các em trở thành những người làm chủ thật sự, được tham gia các thí nghiệm rồi tự đua ra đánh giá, thảo luận, so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết luận.

(Ảnh HS thí nghiệm)

   Hầu hết tất cả các em đều cảm thấy hứng thú, chủ động hơn trong suốt quá trình thời gian của tiết học. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được, nắm bài sâu hơn.  Qua đó, học sinh sẽ hình thành  khả năng suy luận theo pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành.

 

                                                                               

Tác giả: Dương Thị Giang

Xem thêm