Ngày: 26/10/2014
Đề án dạy và
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 đã
được triển khai gần 4 năm. Tính đến hết năm học 2013 - 2014 đã có 11 Bộ, ngành,
cơ quan ngang Bộ và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban
chỉ đạo; 53 tỉnh, thành phố có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm
vụ của Đề án (trong đó có 11 Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, 45 tỉnh, thành phố có
kế hoạch được phê duyệt).
Bộ GD-ĐT cho biết, công tác bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại
ngữ ở trong nước và ngoài nước đã được quan tâm ở hầu hết các Bộ, ngành, địa
phương; bước đầu đổi mới chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp
giảng dạy và thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ theo hướng hình thành
năng lực sử dụng ngoại ngữ trong môi trường giao tiếp đa văn hóa, đa ngôn ngữ;
quan tâm bổ sung cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngoại ngữ theo hướng hiện
đại bằng các nguồn vốn của trung ương và địa phương, khai thác các nguồn học
liệu nước ngoài, đặc biệt là qua internet để phục vụ dạy và học ngoại ngữ.
Tuy vậy, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án và Chương trình
còn chậm và bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Hoạt động chỉ đạo của nhiều Ban Chỉ
đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hiệu quả, chưa có sự
phối hợp tốt giữa các sở, ban ngành; Công tác lập kế hoạch, tổng kết, báo cáo
kết quả triển khai thực hiện Đề án còn chậm. Trong nhiều bản kế hoạch, mục tiêu
chưa cụ thể, thiếu các chỉ số hoạt động rõ ràng dẫn đến khó khăn trong phối hợp
và đánh giá hiệu quả; Việc rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ đội ngũ giáo
viên tiếng Anh phổ thông thiếu tính chuyên nghiệp.
Phương thức bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên
ngoại ngữ phổ thông chưa phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học của giáo
viên; Còn lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng theo hình thức vừa làm vừa học, không
giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng
giáo viên chưa đạt yêu cầu.
Tại nhiều địa phương, việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các
hạng mục chi; chi quá nhiều cho thiết bị; mua sắm không dựa trên đánh giá nhu
cầu thực tế, không xem xét khả năng có thể khai thác tốt tại địa phương, đơn
vị, vì vậy thiếu hiệu quả, không đồng bộ, lãng phí. Công tác thông tin và
truyền thông chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của
các cấp quản lý và cộng đồng.
5 nhiệm vụ trọng tâm để
giải quyết bất cập
Để giải quyết những bất cập nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu
Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Đề
án các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường
ở các cấp học và trình độ đào tạo tập trung thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tăng
cường công tác quản lý, giám sát thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, đánh
giá hiệu quả các hoạt động Đề án. Điều này được thể hiện qua việc gắn
công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án và Chương trình với việc thực
hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục; đảm bảo các điều kiện thực hiện
nhiệm vụ, nhất là điều kiện đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; xác định
đổi mới dạy học ngoại ngữ nhằm giúp giáo viên, giảng viên, và người học sử dụng
được ngoại ngữ là một trong những khâu đột phá để hội nhập quốc tế, nâng cao
chất lượng giáo dục.
Rà soát kỹ tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và
Chương trình để có kế hoạch tiếp tục thực hiện, trong đó chú ý kết quả về đổi
mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm
nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của người học…
Hoàn thành công tác rà
soát, đánh giá và bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ của giáo viên Hoàn thành công
tác rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ
các cấp học và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu bồi dưỡng đạt
chuẩn và nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện
thực tế của từng địa phương, trường học; lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên,
giảng viên theo hướng ưu tiên giáo viên, giảng viên cận chuẩn, đảm bảo chất
lượng, hiệu quả, tránh áp đặt và yêu cầu đồng loạt. Gắn mục tiêu bồi dưỡng năng
lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy với năng lực đổi mới phương pháp giảng dạy,
kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học
và trình độ đào tạo.
Khuyến khích, hỗ trợ giáo viên, giảng viên tự chủ trong bồi dưỡng
thông qua việc tự đăng ký kế hoạch bồi dưỡng để đạt chuẩn: thời gian tự bồi
dưỡng để đạt chuẩn, bài thi sẽ sử dụng và cơ sở đánh giá (trong số các cơ sở
đánh giá và bài thi được công nhận). Đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ
giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo
quy định tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao năng
lực cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, chuyên gia về giảng dạy, kiểm tra đánh
giá năng lực ngoại ngữ trong nước; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các
đơn vị và Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc huy động, sử dụng đội
ngũ giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài và lựa chọn nội dung giảng dạy, bồi
dưỡng, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Đổi mới phương thức thi,
kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng
cho Việt Nam: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện ngân hàng đề thi
quốc gia; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên soạn câu hỏi thi, đội ngũ
giám khảo phục vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ trong hệ
thống giáo dục quốc dân. Thành lập và đưa Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ
quốc gia vào hoạt động. Từng bước hình thành mạng lưới cơ sở tổ chức thi, kiểm
tra, đánh giá, công nhận năng lực ngoại ngữ; thống nhất quản lý chặt chẽ việc
in ấn, cấp phát, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia theo Khung năng lực ngoại
ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trước mắt có thể liên kết với các tổ chức khảo thí
nước ngoài có uy tín để áp dụng các giải pháp tiên tiến về kiểm tra, đánh giá,
công nhận năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học Xây dựng và ban hành cơ
chế quản lý, thanh tra, giám sát độc lập hoạt động của các cơ sở tổ chức thi,
kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực ngoại ngữ. Công khai kết quả thanh tra,
kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.
Quan tâm đầu tư cơ sở
vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
hỗ trợ đổi mới dạy học ngoại ngữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu
trong nước và quốc tế nhằm tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững: Xây dựng tiêu chí đánh
giá, lựa chọn thiết bị, các chương trình học trực tuyến, các nguồn học liệu mở
phù hợp với yêu cầu đổi mới dạy học ngoại ngữ nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng
phí; đảm bảo tính đồng bộ của thiết bị và các học liệu khác, tận dụng tối đa
các thiết bị hiện có; tập huấn người dạy và người học biết sử dụng; thống nhất
lựa chọn phần mềm quản lý, dạy và học ngoại ngữ dùng chung cho toàn hệ thống và
có tính đến đặc thù của cấp học. Tận dụng các nguồn học liệu về dạy và học
ngoại ngữ như sách giáo khoa, tài liệu dạy và học, phần mềm đã được phát triển
bởi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nướccó uy tín. Đẩy mạnh các hoạt động
huy động các nguồn lực xã hội, các sáng kiến hỗ trợ thực hiện Đề án. Tăng cường
tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trong nước và quốc tế, hình thành
môi trường học và thực hành, sử dụng ngoại ngữ sâu rộng trong cộng đồng.
Tổng kết, phổ biến kinh
nghiệm xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ: Tổng kết, đánh giá kết
quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; lựa chọn những đơn vị tiêu biểu để phổ
biến, nhân rộng điển hình; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những tập
thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.