Ngày: 15/05/2018
Khái niệm “Lớp học không tường”, “Dạy học ngoài nhà trường” lâu nay đã trở nên phổ biến. Và giáo viên cả nước cũng đã thực hiện khá nhiều. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều giáo viên thấy xa lạ, chưa từng tổ chức một tiết học nào ngoài nhà trường. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu kiểu lớp học này, về cách thức tổ chức sao cho đạt hiệu quả.
Đúng như tên gọi của nó, “lớp học ngoài nhà trường” là kiểu lớp học thoát ra khỏi không gian trường lớp, đưa học sinh đến với những không gian phù hợp với mục tiêu chương trình, kiến thức; để rồi ở không gian đó, giáo viên tiến hành tổ chức hoạt động học tập.
Kiểu “Lớp học ngoài nhà trường” sẽ tạo hứng thú, kích thích sự sáng tạo của học sinh; giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên nhất, kiến thức “thấm” vào học sinh từ chính sự chủ động, tích cực của các em nên nó sẽ “ở lại” với học sinh lâu bền nhất. Vậy tổ chức lớp học này như thế nào cho đạt hiệu quả?
Cần xác định kiến thức và lập kế hoạch
Giáo viên phải xác định kiến thức nào có thể tổ chức lớp học ngoài nhà trường. Trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh học hơn 10 môn, mỗi môn cần nghiên cứu kĩ chương trình môn học của từng khối, lớp. Từ đó xác định kiến thức nào phù hợp để tổ chức lớp học ngoài nhà trường.
Ví dụ, từ thực tế giảng dạy môn Văn, chúng tôi thấy với lớp 6 khi dạy về văn tự sự, chúng tôi đã đưa học sinh ra học tại Bến nhà Rồng (TPHCM) với dự án “Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người” hay với lớp 9, khi dạy Văn nghị luận xã hội, chúng tôi tổ chức cho học sinh đi Cần Giờ trong dự án “Tiếng gọi từ biển”...
Sau khi xác định được kiến thức sẽ tổ chức lớp học ngoài nhà trường, giáo viên cần lên kế hoạch tổ chức. Mỗi lần đưa học sinh ra ngoài nhà trường để học là một lần trải nghiệm của các em. Vì vậy, giáo viên cần lên được kế hoạch học tập, kế hoạch càng chi tiết càng thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Kế hoạch này chính là cái để thuyết phục Ban giám hiệu đồng ý để chúng ta tiến hành lớp học, và cũng là cái để chúng ta thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con em mình tham gia lớp học.
Với kinh nghiệm của bản thân, kế hoạch tổ chức Lớp học ngoài nhà trường thường được chia thành các mục lớn như: Mục tiêu, thời gian, địa điểm, phân công nhiệm vụ, dự kiến kinh phí…
Ngày hội Tiếng Anh ở Trường THCS Châu Minh
Tiến hành thực hiện
Khi đã được Ban giám hiệu phê duyệt, được phụ huynh, học sinh đồng thuận, chúng ta bắt đầu tiến hành các hoạt động học tập. Có nhiều cách tổ chức tiến hành khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra quy trình tổ chức. Để rõ ràng quá trình học tập của học sinh, giáo viên nên chia thành các giai đoạn học tập cụ thể. Thường sẽ là các giai đoạn: HỌC - TRẢI NGHIỆM - HOÀN THÀNH - RÚT KINH NGHIỆM.
Ở giai đoạn thứ nhất: Học sinh sẽ tiến hành học các kiến thức lí thuyết; các kiến thức này sẽ được dạy trong không gian trường lớp, chính là các tiết trong phân phối chương trình.
Ví dụ: Giáo viên có ý định tổ chức lớp học ngoài nhà trường với bài “Sài gòn tôi yêu” thuộc chương trình Ngữ văn 7 thì trước khi đi trải nghiệm, học sinh sẽ được học kiến thức của văn bản này trên lớp. Các kiến thức này sẽ là nền tảng để học sinh có những trải nghiệm thú vị, từ đó sẽ có cái nhìn đối sánh giữa văn bản với thực tế.
Ở giai đoạn thứ 2: Trải nghiệm. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định cho sự thành công của “lớp học ngoài nhà trường”. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kĩ trước chuyến đi. Chuẩn bị về địa điểm trải nghiệm, giáo viên cần nghiên cứu kĩ để chọn địa điểm phù hợp, thuận lợi nhất; chuẩn bị về phương tiện, kinh phí cho ngày trải nghiệm, học sinh đi bằng phương tiện gì? Ăn uống ra sao? kinh phí thế nào?
Chuẩn bị về các hoạt động cho trải nghiệm, giáo viên phải thiết kế được các hoạt động phù hợp với nội dung kiến thức môn học, Các hoạt động đó hấp dẫn, hứng thú, kích thích, và phải hội tụ đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng, thái độ…
Khi đã hội tụ đủ các yếu tố để thực hiện hoạt động trải nghiệm, giáo viên sẽ đưa học sinh đi thực tế và thực hiện các bước tiến hành đã tính toán từ trước.
Tốt nhất, trong chuyến đi nên có các lực lượng hỗ trợ là các giáo viên trong tổ, trong nhóm, là các bạn đoàn viên giáo viên của trường, là đại diện cha mẹ học sinh của các em. Như vậy lớp học ngoài nhà trường của chúng ta sẽ có phụ huynh tham gia cùng.
Ở giai đoạn thứ 3: Hoàn thành. Giai đoạn này học sinh sẽ thực hiện các sản phẩm hoàn thành quá trình trải nghiệm của mình. Các sản phẩm đó thể hiện được kiến thức bài dạy, phát huy được kỹ năng của học sinh và thể hiện được phẩm chất, thái độ của các em.
Mỗi lần trải nghiệm thực tế, giáo viên nên cho học sinh thực hiện tối thiểu 1 sản phẩm, tối đa 3 sản phẩm chính. Hạn chế đến mức có thể việc cho học sinh làm bài thu hoạch bằng viết tay hoặc đánh máy vì nó khá nhàm chán và không kích thích được học sinh.
Ví dụ, khi học sinh học kiến thức văn tự sự 9, tôi cho các em chuyển kiến thức đó vào đời sống, để các em đi trải nghiệm và hoàn thành các sản phẩm: Truyện ngắn về cuộc đời nhân vật, phóng sự ảnh về cuộc đời nhân vật, video về cuộc đời nhân vật…
Ở giai đoạn 4: Rút kinh nghiệm. Sau khi đã thực hiện “lớp học ngoài nhà trường”, giáo viên cần rút kinh nghiệm từ khi lên ý tưởng, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch… để các lần tổ chức sau sẽ tiến hành bài bản, chỉnh chu, hiệu quả hơn. Để rút kinh nghiệm trở nên sâu sắc, giáo viên nên đề nghị học sinh phản hồi và phân tích, tiếp nhận những phản hồi đó.
Các yếu tố cần lưu ý
Để “lớp học ngoài nhà trường” diễn ra thành công tốt đẹp cần có những lưu ý quan trọng.
Yếu tố đầu tiên là kiến thức giáo viên lựa chọn. Kiến thức đó có thực sự cần thiết để tố chức lớp học ngoài nhà trường hay không? Và với kiến thức đó, giáo viên sẽ thiết kế bài giảng thực tế như thế nào?
Tiếp đó là yếu tố hào hứng, tích cực, trách nhiệm của học sinh. Học sinh có thích thú tham gia lớp học ngoài nhà trường hay không? Trong quá trình tham gia đó, các em có thực hiện tốt các hoạt động giáo viên đưa ra không hay các em chỉ xem đó như một chuyến đi dã ngoại, vui chơi cùng nhau.
Sự đồng thuận của gia đình học sinh cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Có những lớp học ngoài nhà trường không tốn phí, nhưng cũng có những lớp học ngoài nhà trường tốn phí. Vì vậy, cần phải huy động kinh phí 1 phần từ nhà trường, 1 phần từ phụ huynh.
Vậy nên giáo viên khi lập kế hoạch, cần cho phụ huynh thấy con em họ sẽ học được gì, sẽ rèn luyện được kĩ năng gì, thể hiện được phẩm chất, thái độ gì sau khi tham gia lớp học ngoài nhà trường. Giáo viên cần truyền hứng thú của bản thân đến học sinh. Từ hứng thú của học sinh mà lây lan cảm xúc đến phụ huynh.
Buổi học ngoài trời cần nhận được đồng thuận từ Ban giám hiệu. Ban giám hiệu sẽ là những người phê duyệt, chấp thuận cho chúng ta thực hiện “lớp học ngoài nhà trường”. Và khi Ban giám hiệu chấp thuận, lãnh đạo sẽ ủng hộ hết mình, kể cả việc thuyết phục phụ huynh giúp giáo viên. Vì vậy, cần chuẩn bị chỉn chu các kế hoạch để trình duyệt.
Có thể nói, thực hiện “lớp học ngoài nhà trường” không dễ mà cũng không khó. Quan trọng là thái độ, tinh thần, trái tim của giáo viên có hướng đến học sinh và mong muốn học sinh có những tiết học thực sự hiệu quả mà vô cùng hấp dẫn hay không. |
(Báo điện tử Giáo dục và Thời đại)
19 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 3 tháng 9 năm 201419 - 09 - 2014
Training quản trị Cổng thông tin mới23 - 09 - 2014
Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ K2323 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 4 tháng 9 năm 2014