Ngày: 28/02/2017
HOÀNG HOA THÁM VÀ PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA YÊN THẾ
Kỷ niệm 104 năm ngày mất của Hoàng Hoa Thám (10/2/1913 - 10/2/2017)
Trong phong trào khởi nghĩa võ trang chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiêu biểu hơn cả là cuộc khởi nghĩa Yên Thế ở Bắc Giang do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Xuất phát từ cuộc đấu tranh của nông dân chống lại kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã dần phát triển lên thành một phong trào giải phóng dân tộc kéo dài gần suốt 30 năm (1884-1913).
1. Về danh nhân Hoàng Hoa Thám:
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của những người đi trước cho biết: Hoàng Hoa Thám quê chính ở thôn Dị Chế, xã Minh Khai, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, từ nhỏ lớn lên ở làng Trũng, nay thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên.
Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho có truyền thống thượng võ và bất khuất. Cả cha mẹ đều tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn ở Sơn Tây chống lại triều đình Huế nên bị nhà Nguyễn sát hại. Cha ông vốn gốc họ Trương tên là Trương Văn Thận, lên Sơn Tây tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn đổi là họ Đoàn, ông mang tên là Đoàn Văn Nghĩa được người chú là Trương Văn Thân nuôi dưỡng đem đi trốn khỏi sự truy lùng của triều đình và cải tên là Thiên. Quanh quẩn ở vùng Sơn Tây không yên, hai chú cháu chạy về làng Trũng, xã Ngọc Châu, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang ở, cải họ Hoàng, chú lấy tên là Quát, cháu lấy tên là Thám - Hoàng Hoa Thám.
Về năm sinh của Hoàng Hoa Thám cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau. Một số tác giả với cứ liệu của mình cho rằng ông sinh 1840, 1846, 1858. Trong các tài liệu về Hoàng Hoa Thám do Pháp để lại, đáng chú ý có một văn bản về “Lễ tuyên thệ ở Phồn Xương” của nghĩa quân Yên Thế được viết ngày 26/2/1908 và đọc “nhân lễ thọ ngũ tuần” của Hoàng Hoa Thám trước toàn thể quân tướng ở đồn Phồn Xương. Theo văn bản này thì đây là tài liệu duy nhất đáng tin cậy giúp chúng ta xác định được rõ năm sinh của Hoàng Hoa Thám. 1908-50=1858. Có lẽ cũng từ văn bản này mà tác giả Pháp như PônSắc (1933), Bút Sê (1939) Maliveny… Có lý khi trong sách của mình đã xác định năm sinh của Hoàng Hoa Thám là 1858. Năm sinh đó cũng chính là ý kiến của chúng tôi khi trở lại vấn đề này. Theo cách tính tuổi của người Việt Nam, khi Hoàng Hoa Thám 50 có nghĩa là tính theo tuổi ta. Từ đó ta hiểu năm sinh của Hoàng Hoa Thám là năm 1857. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với con cháu Cai Cờ - Giáp Văn Phúc nói rằng Giáp Văn Phúc đồng niên với cụ Đề Thám cùng sinh năm 1857. Gần đây, tác giả Khổng Đức Thiêm trong công trình mới nhất của mình: Hoàng Hoa Thám - xuất bản năm 2014 xác định ông sinh năm 1836.
2. Đề Thám một tuỳ tướng tài ba (1885-1892):
Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Hoa Thám gắn liền với phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Ông đã từng tham gia vào phong trào khởi nghĩa của Đại Trận- Khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh, trước khi trở về tham gia vào phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm lãnh đạo từ năm 1885. Điều này cũng được chính nghĩa quân xác định trong lời tuyên thệ ở Phồn Xương ngày 26/2/1908 nhân lễ mừng thọ Hoàng Hoa Thám tròn 50 tuổi: “Một lòng kiên cường, tướng công quyết tâm diệt trừ quân tham tàn, diệt hết bọn trộm cướp để lương dân được yên ổn làm ăn. Suốt 20 năm trời ròng rã tướng công vừa chống lại thổ phỉ vừa chống lại thực dân, chiến công oanh liệt của tướng công vượt qua biên giới lan rộng sang các nước láng giềng.
Hàng trăm trận chiến đấu đã làm tướng công trở nên một danh tướng”
Trở về với phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm lãnh đạo, Hoàng Hoa Thám nhanh chóng được chủ tướng tín nhiệm và giao trọng trách đóng giữ tiền dinh. Dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Nắm phong trào chống Pháp ở Yên Thế trong giai đoạn này vô cùng sôi nổi: “Không một nơi nào ở Bắc Kỳ lại luôn có chiến sự ác liệt diễn ra như ở đây”. Đó là nhận định của quan tư Pháp Pêrô về phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Thế.
Thực tế bước vào năm 1888, mọi hoạt động của nghĩa quân Yên Thế diễn ra rất sôi nổi và ở vào thế chủ động hoàn toàn. Ngày 10-1-1888 quân của Quản Ẩm tấn công vào thị xã Bắc Ninh, giao chiến với lính khố xanh của trung uý Blang - xác diệt 4 tên. Nghĩa quân của Cai Biều - Tổng Bưởi tấn công vào Nghĩa Liệt (5-4), còn nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy thắng lớn trong trận đánh vào đồn khố xanh Bỉ Nội (25-4). Một lực lượng do Đề Công - Đề Nguyên lãnh đạo đông tới 500 người rời Tam Đảo làm náo động cả một vùng từ Bắc Ninh đến Hà Nội, một lực lượng khác gồm 200 người quấy rối uy hiếp đồn binh Hà Châu (4-7).
Đây cũng là thời kỳ vùng Yên Thế dồn tụ nhiều lực lượng khởi nghĩa nhất. Ngoài lực lượng của Đề Công - Đề Nguyên ở Tam Đảo mới trở lại, còn có một số toán nghĩa quân từ Bãi Sậy lên, Cai Kinh từ Hữu Lũng sang do phong trào bị đàn áp dữ dội hoặc tan rã. Đó là chưa kể toán do Đề Thám - Bá Phức chỉ huy lui dần về Yên Thế, toán của Cai Biều - Tổng Bưởi cũng áp dần đến sông Thương. Nó đã gây ra nhiều sự phức tạp trong chỉ đạo. Chính vì vậy việc thống nhất lực lượng và sự chỉ đạo trở nên hết sức cấp thiết.
Vào ngày rằm tháng bảy năm Mậu Tý (22/8/1888) các thủ lĩnh nghĩa quân đã họp ở đình Dĩnh Thép và thống nhất cử ra một bộ chỉ huy tối cao.
- Bá Phức, làm chánh tướng, tổng thống quân vụ
- Đề Nắm, phó tướng, tả dực tướng quân, phụ trách hậu cần.
- Đề Thám, phó tướng, hiển dực tướng quân, phụ trách quân đội.
Đại hội Dĩnh Thép tháng 8/1888 đã đánh dấu bước chuyển biến về chất tạo đà cho cuộc khởi nghĩa phát triển. Chính vì thế nghĩa quân Yên Thế đã có một sức bật quyết định. Họ tiếp tục tiến công vào đồn binh Bỉ Nội, Kép (25.9.1888), Úc Sơn (10-12), Lan Tràng (16.12)…
Bước sang năm 1889, nhịp điệu vẫn tiếp tục phát triển. Cai Biều - Tổng Bưởi cho nghĩa quân cải trang phụ nữ giết chết tên Quản Nhất ở Mỹ Thái (23.1). Họ còn phục kích toán thám báo của trung uý Vêra ở Kép, giết chết 4 tên (6.4) bao vây Phủ Lạng Thương (10.5) rồi lại Kép, Quang Hiển, Cầu Sơn (10.6)…
Đúng như Lịch sử quân sự Đông Dương đã nhận xét: “Đã từ lâu vùng thượng Yên Thế nằm trong tay một số thủ lĩnh phiến loạn. Đóng trong một vùng vô cùng thích hợp với chiến tranh du kích, những toán quân của họ không ngừng phát triển lên”.
Sang năm 1890, nghĩa quân hoạt động vẫn rất mạnh mẽ. Cai Biều - Tổng Bưởi chỉ huy quân tấn công địch khắp địa bàn Bảo Lộc (26.1), Quang Hiển (9.3), Hà Vị (20.3). Tại Yên Thế trận Luộc Hạ (25.3) nổi tiếng do Đề Thám chỉ huy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong dân chúng và nỗi khiếp sợ cho thực dân Pháp. Tháng 6.1890 trong trận làng Phan địch chết một Quan hai. Sau hai trận này địch mong manh biết được nghĩa quân lại xuất hiện ở Yên Thế với một lực lượng đáng sợ.
Chiến thắng Cao Thượng - Luộc Hạ:
Tháng 10/1890 chúng tổ chức một đạo quân lớn gồm 700 súng trường và 5 cỗ trọng pháo do tướng Gô Đanh chỉ huy. Mục tiêu cuộc tấn công là đánh chiếm Cao Thượng, một vị trí tiền tiêu của nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy, một đơn vị khố xanh đã tấn công nhưng thất bại.
Ngày 6/11, địch tập trung hai cánh quân đánh vào Cao Thượng, còn một cánh khác do đại uý Tê Ta chỉ huy càn quét dọc con đường Luộc Hạ đi Bố Hạ. Nghĩa quân đã kịp thời biết được kế hoạch của địch để một bộ phận nhỏ kiềm chế hai phần ba lực lượng địch ở Cao Thượng, còn đại bộ phận phục kích dọc đường cái lớn để bao vây tiêu diệt cánh quân Tê Ta.
Tại Cao Thượng tuy lực lượng ít nhưng nghĩa quân biết dựa vào địa hình thuận lợi nên chiến sự diễn ra rất ác liệt từ 7 giờ 30 (sáng) đến 15 giờ 30 (chiều). Địch phải bắn tới 197 phát đại bác, mất hai chục tên vừa chết vừa bị thương mới chiếm được Cao Thượng chỉ còn cột nhà cháy “dở”. Nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy đã rút quân về Luộc Hạ an toàn. Sau trận đánh thiếu tá Bê-Li-ê tham dự trận đánh đã phải bày tỏ sự khâm phục của mình: “Khó mà ước đoán được quân số của giặc (nghĩa quân) trong trận đánh này. Chắc hẳn con số không lớn lắm và không quá 100 tên. Nhưng cuộc kháng cự đã diễn ra rất kịch liệt và người ta không thể hiểu nổi tại sao một nhóm người trong một địa bàn nhỏ hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 thước trong một thời gian khá lâu như vậy”.
Trong khi quân Pháp bị giam chân ở Cao Thượng, thì trên đường Luộc Hạ đi Bố Hạ, nghĩa quân đã bao vây chặt cánh quân của đại uý Tê Ta trên các ngọn đồi gần làng Luộc Hạ. Suốt ba ngày (6/11-9/11) địch loanh quanh trên các ngọn đồi lo chống trả các đợt xung phong gan dạ của nghĩa quân. Mãi tới sáng 9.11, sau khi địch làm chủ được Cao Thượng và kéo lên giải vây nghĩa quân mới chịu rút. Hôm sau (10.11), trong trận chống càn ở làng Sặt một toán nghĩa quân lại phục kích giết được Quan hai Pơla (Plat).
Chiến thắng Hố Chuối:
Hố Chuối là một hệ thống đồn nằm trong một thung lũng rậm rạp được các ngọn đồi xung quanh che chở thuộc xã Phồn Xương. Đồn chính hình chữ nhật có 4 pháo đài, có một lớp chông tre bảo vệ xung quanh rộng 40 m với nhiều hầm chông hố sập. Suối Gồ là con hào thiên nhiên cũng cắm đầy chông. Cách đồn chính chừng 100m là pháo đài bắc và pháo đài nam. Pháo đài bắc chu vi 300m, pháo đài nam chứa đựng 50 người. “Do số lượng những công trình phòng ngự và những trở ngại chồng chất làm cho nó trở thành một công sự vô cùng hùng mạnh, cái đồn (Hố Chuối) này quả thật xứng đáng với cái tên là “đồn Thần Chết” như người dân địa phương đã đặt cho nó” (Phơ -rây). Đồn Hố Chuối do Đề Thám chỉ đạo xây dựng và chỉ huy.
Tướng Gô - Đanh bị thua đau ở Cao Thượng cho quân về đóng ở Nhã Nam để tìm mọi cách trả thù.
Ngày 9/12/1890 đồn trưởng Nhã Nam PlátXie đem 145 lính, 1 sơn pháo luồn sâu vào Hữu Thượng vừa kịp phát hiện ra đồn Hố Chuối thì đã bị đánh bật ra khỏi căn cứ này.
Ngày 10/12/1890, Gô - Đanh cử tên thiếu tá Tan đem 5 sĩ quan, 286 lính, 1 sơn pháo đánh Hố Chuối lần thứ hai. “12 giờ 40 phút, nhận thấy phải đương đầu với các toán nghĩa quân đang được khoảng 100 người từ các làng lân cận đến tăng cường, đồng thời nhận thấy sự bất lực hoàn toàn của bộ binh đối với công sự cũng như khả năng đại bác không chọc thủng được căn cứ, thiếu tá Tan - ra lệnh rút quân.”
Gô - Đanh phải điều thêm quân ở Đáp Cầu, Thái Nguyên, Bố Hạ, Kép đến tăng viện. Trung tá VanhKenMayơ đem 586 lính, 7 sĩ quan, 3 đại bác tấn công Hố Chuối lần thứ ba vào ngày 21/12/1890, Nghĩa quân đã “bảo vệ kiên quyết các pháo đài, đồng thời còn tấn công chúng ta (quân Pháp) ở đồn chính và đánh vào hai bên sườn, vào hậu quân. Ba lần toán quân trái (của Pháp) xung phong vào là ba lần thất bại”. Chiều hôm đó giặc Pháp bỏ chạy khỏi Hố Chuối đem theo gần 100 xác chết và lính bị thương.
Ba lần bị thất bại, quân Pháp có nhiều nao núng muốn bỏ dở chiến dịch. Qua điều tra chúng biết được nghĩa quân có 1000 khẩu súng loại Oan-sét-xtơ, Rim mintông và Gra. Có nhiều toán quân được phong danh hiệu vô địch, tinh nhuệ, dũng liệt. Để đối phó lại viện quân Pháp từ Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, Phả Lại lại được điều lên Nhã Nam cùng 25 đại bác, 2 cối, 2 tàu chiến cùng cá bảng chắn đạn, thuốc nổ, dầu hoả.
Ngày 2-1-1891, đại tá Phơ - rây đem 1100 quân lính cùng các sĩ quan đã từng nếm đòn thất bại ở Hố Chuối (Vanh - Ken Mayơ, Tan) và các sĩ quan khác mở chiến dịch lần thứ 4.
Đề Thám đã chuẩn bị sẵn sàng. Hai bên đánh nhau quyết liệt suốt 7 ngày đêm và giặc chỉ quanh quẩn được ở vòng ngoài. Nhiều cuộc phản công của nghĩa quân đã giành được thắng lợi, tiêu diệt hàng trăm lính, nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan, khiến cho địch phải bỏ chạy ở nhiều phía. Nghĩa quân còn dùng súng thần công bắn vào đội hình địch. Ngày 12.1.1891, nghĩa quân rút khỏi căn cứ Hố Chuối.
Chiến thắng Khám Nghè - Đồn Hom:
Rời căn cứ Hố Chuối, nghĩa quân rút về hệ thống 7 đồn xây dựng ở dọc sông Sỏi. Đề Nắm về Khám Nghè, Đề Thám về Đồn Hom, Đề Hậu về Đồng Vương, Đề Trung về Ao Rắn, Thống Tài về Hang Sọ và các đồn Đề Lâm, Bá Phúc. Đây là hệ thống đồn luỹ liên hoàn có khả năng hỗ trợ nhau.
Tháng 3-1892, tướng Voarông đem 2400 lính từ ba ngả mở cuộc tấn công vào hệ thống phòng thủ sông Sỏi. Khi tiến đánh vào đồn Hom, ngay loạt đạn đầu, giặc đã bị tiêu diệt 45 tên. Ở Khám Nghè chúng dồn dập nã đại bác vào đồn rồi cho quân chặt phá rào luỹ tấn công nhưng bị thất bại nặng nề. Chúng phải kêu lên: “Những toán quân của Đề Nắm không mạnh như những toán quân của Lưu Kỳ nhưng lại là những người An Nam gan góc, chống cự quân Pháp rất ngoan cường”.
Sau chiến dịch càn quét của Pháp vào căn cứ nghĩa quân dọc sông Sỏi tháng 3/1892, một số thủ lĩnh tỏ ra mệt mỏi muốn từ bỏ cuộc chiến. Trong khi Đề Nắm - Đề Thám còn đang băn khoăn trăn trở tìm hướng đi mới cho cuộc khởi nghĩa thì xảy ra sự kiện ngày 11/4/1892. Đề Sặt đã sát hại Đề Nắm tại căn cứ Khám Nghè để ra hàng Pháp vào ngày 12/4/1892.
Cái chết của Đề Nắm đã gây nên một tổn thất lớn lao đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế làm hoang mang dao động cho một số thủ lĩnh khác và làm giảm sút sức mạnh của phong trào.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Hoàng Hoa Thám - con người đã được tôi luyện trong lửa đạn, từng đương đầu với đủ loại tướng tá sừng sỏ của Pháp đã đứng ra gánh vác trọng trách, tiếp tục lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
3. Hoàng Hoa Thám thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa Yên Thế (1892-1913)
Từ khi trở lại tham gia vào phong trào khởi nghĩa Yên Thế dưới cờ nghĩa của Lương Văn Nắm (1885), với tài năng quân sự của mình, Hoàng Hoa Thám sớm trở thành linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Ông đã biến núi rừng Yên Thế thành trợ thủ và chỗ dựa của mình. Ông đã làm chủ hoàn toàn từng tấc đất, từng gốc cây. Butuer, người đã từng được xua vào chiến trường Yên Thế trong tấm thảm kịch ở Đông Dương đã phải viết.
“Rừng núi như thể là một trở ngại lớn lao vô cùng khi mà người ta không làm chủ được mình và không làm chủ được nó, mà cái khả năng làm chủ núi rừng thì không ai có thể hơn được Hoàng Hoa Thám. Hoàng Hoa Thám đã từng đào công sự trong đá gan gà và đá vôi những chiến hào đó đã trở thành những công sự phòng ngự dã chiến rất đáng kể… Phải nói rằng ông ta thực sự có tài”.
Chính vì lẽ đó mà sức mạnh của nghĩa quân được tăng lên gấp bội. Hơn nữa “về tinh thần, Đề Thám có đất nước đứng với mình, còn về thực tế xứ sở là vì ông ta” (Jang Againbe). Đề Thám đã từng tuyên bố thẳng với thực dân Pháp. “Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên. Tôi bảo vệ đất nước của tôi. Tôi không muốn làm giặc.” Và “Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt, chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu rời bỏ các phong tục đó dù cho đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào trời đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh”.
Vì vậy Đề Thám suốt đời theo đuổi một mục đích đánh đuổi bọn thực dân và chỉ “mơ tưởng đến việc đánh đuổi ra khỏi xứ Bắc Kỳ bọn người ngoại quốc đã sinh cơ lập nghiệp ở đấy, trái với những pháp luật”.
Với mục đích và bản lĩnh ấy, Đề Thám đã bước vào cuộc chiến mới với một niềm tin tất thắng.
Đề Thám tiếp tục chiến đấu:
Tháng 12-1892, Đề Thám đã tổ chức lễ tế cờ ở đình làng Đông (Bích Sơn - Việt Yên) chính thức thay Đề Nắm lãnh đạo phong trào Yên Thế. Đến mồng 7, rạng ngày 8/2/1893, Đề Sặt và 40 đồ đảng bị Đề Thám trị tội. Hành động đó đã làm nức lòng nghĩa quân và nhân dân.
Sang đầu năm 1893, thanh thế của nghĩa quân Đề Thám lan rộng, khắp các tổng ở vùng Nhã Nam. Các toán quân lẻ, các chỉ huy nghĩa quân bấy lâu thất lạc, có người đã bỏ về nhà làm ăn nay đều trở lại dưới ngọn cờ của Hoàng Hoa Thám.
Sau trận thắng ngày 19/5/1894, nghĩa quân Yên Thế rời lên hoạt động ở Đại Từ- Võ Nhai, đến tháng 8/1894 đã trở về hoạt động ở địa bàn cũ. Ông cho củng cố, xây dựng lại đồn luỹ ở Phồn Xương, Khám Nghè, Hom…
Ngày 17/9/1894, Đốc Kế bắt sống hai tên Pháp, buộc giặc phải chuộc tiền giảng hoà với nghĩa quân. Đề Thám được cai quản 4 tổng là Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng, Nhã Nam gồm 22 xã, 2600 nhân khẩu và được thu thuế trong 8 năm. Nhưng đến cuối tháng 11/1895, thực dân Pháp bội ước đã cử đại tá Galiênni đem quân đến đánh căn cứ Phồn Xương. Chiến sự nổ ra ác liệt ở Đồn Hom, Bãi Mét, Lim Dù. Nghĩa quân phải chuyển lên hoạt động ở vùng giáp ranh Thái Nguyên, Tam Đảo, Đại Từ, Phổ Yên. Đầu tháng 7/1897 mới trở lại Yên Thế.
Pôn-Đu-me sang làm toàn quyền Đông Dương bèn cử trung tá Perô lên tiếp tục bình định Yên Thế. Các căn cứ của nghĩa quân ở núi Đót, làng Sặt, Phồn Xương, Đồn Hom, Bến Chăm… luôn bị lùng sục. Các cố đạo Tây Ban Nha cũng được sử dụng vào việc dụ hàng Đề Thám. Không kết quả, thống sứ Bắc Kỳ lại xua 250 khố xanh nhảy vào càn quét Yên Thế.
Từ tháng 10/1897, nhịp độ thương thuyết của hai bên bắt đầu dồn dập. Sang tháng sau cuộc hoà hoãn được bắt đầu với sự thoả thuận của hai bên.
Mười năm xây dựng củng cố lực lượng:
Tuy bị ràng buộc bởi hoà ước ký tại đình Nẻo (Liên Sơn - Tân Yên) ngày 17/4/1901, nhưng Đề Thám và những người bạn chiến đấu của ông vẫn không sao nhãng mục đích cuối cùng của mình. Họ vẫn thường trực ý chí chiến đấu.
Nhiều cơ sở mới của nghĩa quân được xây dựng ở Thanh Hoá, Tuyên Quang hoặc Từ Sơn, Thuận Thành, Văn Lâm. Ngay vùng Sơn Tây, Nam Định cũng nhen nhóm phong trào. Một hành lang cơ sở được kéo từ Yên Thế sang Hiệp Hoà vượt sông Cầu sang Phúc Yên, Vĩnh Yên. Vũ khí được mua thêm nhất là việc tích luỹ đạn dược và vận chuyển nó từ biên giới về Yên Thế. Đề Thám và bộ chỉ huy nghĩa quân đã mở rộng tầm nhìn. Nhiều nhà yêu nước đã có mặt ở Phồn Xương như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huấn, Nguyễn Đình Tân… Quan điểm của Đề Thám đã xích lại gần những quan điểm của các sĩ phu yêu nước.
Cũng từ cuối năm 1897, thực dân Pháp bắt đầu khai thác đất đai ở vùng Yên Thế. Bọn Gila, Táctaranh, Setsnay, BoaSadam, Bonnaphông… đều lập đồn điền và nhiều tên đã la lối lên vì sự tồn tại của Đề Thám ở Phồn Xương. Công sứ Thái Bình, Bắc Giang đã yêu cầu toàn quyền Đông Dương phải thanh toán cái gai nhọn này. Năm 1903 khi mở hội chợ Hà Nội, Pháp có mời Đề Thám về dự nhưng Đề Thám đã kiên quyết từ chối.
Nghĩa quân bắt đầu hoạt động quân sự trở lại. Năm 1906 cốt cán của nghĩa quân nằm trong binh lính khố đỏ Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hoá và Nhã Nam định nổi dậy mấy lần. Các binh lính khác có chân trong đảng Nghĩa Hưng hoạt động sôi nổi trong năm 1907 và bùng nổ tháng 6/1908 bằng “Hà Thành đầu độc”. Tháng 8/1908, 47 nghĩa quân hoạt động mạnh ở Phú Yên, Vĩnh Yên.
Những ngày quật khởi cuối cùng của phong trào Yên Thế:
Đánh giặc ở căn cứ Yên Thế: Ngày 28/1/1909, thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15 nghìn quân có mặt ở Nhã Nam cùng với 4 đại đội bộ binh, gần 4 đại đội lính khố đỏ, 1 khẩu đội súng cối, 1 khẩu đội sơn pháo 75 và 80 ly, 1 đại đội công binh, 1 trung đội kỵ binh do đại tá Batay chỉ huy chia làm hai cánh bất ngờ tấn công vào căn cứ Phồn Xương.
Mờ sáng ngày 29/1, viên đại uý Nhã Nam mang ba toán lính khố xanh một ít dân binh đánh vào Phồn Xương, đợt tấn công đầu liền bị đẩy lùi và bị tiêu diệt 20 tên. Sáng ngày 30/1 nghĩa quân rút khỏi Phồn Xương. Giặc phải mò mẫm đến tận ngày 10/2/1909 mới gặp nghĩa quân ở Đồng Đảng, Sơn Quả, Đồn Đèn và đều bị thiệt hại nặng. Chúng đành phải chốt lại ở Canh Nậu, Cúc Sao, Đồng Vương, Đồng Kỳ, Cầu Rễ, Dĩnh Thép, Hà Châu, Phương Độ, Đức Thắng, Đông Lỗ, Bích Động, Mỏ Trạng, Phồn Xương.
Ở phía Vĩnh Yên, Phúc Yên giặc bị Hai Nôm tấn công ở Thạch Lỗi, Thanh Trì và Cả Dinh, Ba Biều tấn công ở Hàm Lợn, Thanh Thuý. Cuối tháng 3/1909 giặc bao vây Đề Thám ở rừng Phe. Đến 25/3, khi phá vòng vây để rút lên Tam Đảo, Cả Trọng đã hy sinh anh dũng, còn Cả Huỳnh cũng bị thương nặng. Cai Tề sa vào tay giặc.
Đánh giặc ở hậu cứ Vĩnh Yên, Phúc Yên: ngày 4/6/1909 toàn bộ các tốp nghĩa quân Yên Thế hoạt động ở Vĩnh Phúc, Phúc Yên tập trung về Vệ Linh để đón Đề Thám. Ngày 14/6, Đề Thám vượt sông Cầu qua Thù Lâm tới Vệ Linh để cùng 50 thủ hạ và nghĩa quân rút về căn cứ núi Sáng.
Ngày 5/7, nghĩa quân bắt sống tên Voadanh đã đem theo hai đại đội bộ binh, hai đại đội khố đỏ và nhiều trung đội, phân đội khác do tên thiếu tá Sốp lê chỉ huy đi dò tìm. Giặc bao vây làng Cần nhưng đến ngày 13/7, nghĩa quân đã rút lui an toàn. Nhiều trận đánh đã xảy ra ở Lập Chi (19/7), Xuân Lai (22/7), Hiền Lương (25/7) và cuối cùng Voadanh được phóng thích. Trong suốt 3 tuần lễ ấy nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất lớn. Có trận hai phần ba trung đội súng máy của địch bị loại ra khỏi vòng chiến đấu hoặc cả ba trung đội Pháp đều bị thiệt hại.
Giới cầm quyền rất lo ngại, chúng bèn dùng đến tổng đốc Hải Dương là Lê Hoan đem 400 quân, nhảy vào cuộc chiến. Ngày 30/7, giặc đánh nhau với Ba Biều ở Bạch Đa. Chúng bị thất bại nặng nề. Ngày 16.8, Ba Biều hy sinh ở Thượng Yên. Thiếu tá Sốp - lê bị triệu hồi, thiếu tá Bônniphaxi đến thay. Toàn bộ nghĩa quân đã rút lên núi Sáng.
Ngày 3/10/1909 giặc mò đến núi Sáng. Hai bên đánh nhau dữ dội, nghĩa quân đã tiêu diệt 56 tên địch trước khi rời khỏi căn cứ, tiến về phía Tam Đảo. Hùng Sơn (Đại Từ) Phục Linh, Cù Vân, Lục Ba, Bờ Đậu, Bờ Dạ.
Trở lại chiến đấu ở căn cứ Yên Thế: đầu tháng 11/1909 Đề Thám đã trở lại Yên Thế, có mặt ở Mỏ Trạng, Dĩnh Thép, Cầu Gồ. Giặc Pháp cũng đánh hơi thấy và mò theo, tổ chức ổ mai phục. Ngày 1/12/1911 bà Ba Cẩn sa vào tay giặc.
Giặc Pháp rút bớt lực lượng ở Yên Thế và bắt đầu đưa những nghĩa quân bị chúng bắt được đi đày ở Côn Đảo, Guy Am. Lực lượng nghĩa quân bị thiệt hại đáng kể. Đề Thám chỉ còn lại một ít thủ hạ nhưng vẫn diệt hàng chục lính Pháp ở trận Yên Lễ (2/11/1911), Bằng Cục (22/3/1912) và tiêu diệt nhiều tên tay sai như phó đội Liên ở Dĩnh Thép, Đồng Cửu ở Luộc Giới.
Ngày 10-2-1913 Đề Thám bị sát hại. Đây cũng là mốc đánh dấu sự kết thúc của phong trào khởi nghĩa Yên Thế sau gần 30 năm chiến đấu vô cùng dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc./.
19 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 3 tháng 9 năm 201419 - 09 - 2014
Training quản trị Cổng thông tin mới23 - 09 - 2014
Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ K2323 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 4 tháng 9 năm 2014