Chủ nhật, 22/12/2024 19:45:09
HIỆP HÒA - NƠI GIÀNH CHÍNH QUYỀN ĐẦU TIÊN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Ngày: 25/10/2016

HIỆP HÒA - NƠI GIÀNH CHÍNH QUYỀN ĐẦU TIÊN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

 

Ngọ Văn Tuấn

Trường THCS Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang

 

Hiệp Hòa, một quê hương có truyền thống cách mạng bất khuất kiên trung trong các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, nơi có an toàn khu thứ II(hay còn gọi là an toàn khu dự bị, an toàn khu đệm, được viết tắt là ATK II) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, mà trung tâm(cái nôi) của ATK II là Hoàng Vân, là “Xóm Đỏ” thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Ngày 8/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1041/QĐ-TTg công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hòa là An toàn Khu II, trong đó có xã Xuân Cẩm. Xã Xuân Cẩm nằm ở phía Tây Nam của huyện Hiệp Hòa. Đây là một làng cổ, có lịch sử tụ cư từ rất lâu đời, nơi đây là địa bàn thuận tiện cho việc di chuyển lên lên Thái Nguyên - Việt Bắc - căn cứ địa cách mạng của cả nước, hoặc theo quốc lộ 3 về Hà Nội trung tâm của cả nước, đồng thời xuôi Sông Cầu vượt sang Yên Phong - Tiên Du - Từ Sơn, Bắc Ninh về Hà Nội địa bàn của “ATK I” của Trung ương. Chính vì vậy, xã Xuân Cẩm đã là một bộ phận của ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ vận động cách mạng tháng Tám.

Nhân dân xã Xuân Cẩm vốn giàu lòng yêu nước và cách mạng, sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái đi theo Đảng làm cách mạng. Nơi đây là địa bàn hoạt động của các đ/c: Hoàng Quốc Việt, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh, Ngô Duy Phương…trong đó, đình, chùa các thôn Cẩm Xuyên, Cẩm Bào, Cẩm Hoàng, Xuân Biều trở thành địa điểm hội họp, liên lạc, tuyên truyền, nơi đưa đón cán bộ cách mạng từ ATK I(Hà Nội) lên ATK II và lên chiến khu Việt Bắc.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp và độc chiếm Đông Dương ngày 9/3/1945. Đêm  9/3/1945, Hội Nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng do Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì họp tại Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh). Kết thúc Hội nghị ngày 12/3/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ra Chỉ thị nổi tiếng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” , vạch rõ kẻ thù lúc này của nhân dân ta là phát xít Nhật. Khẩu hiệu của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói, đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền về tay nhân dân”. Bản chỉ thị này đã chính thức phát động quần chúng cách mạng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.  Sau hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, đ/c Tổng Bí thư Trường Chinh cử đ/c Lê Thanh Nghị – đặc phái viên Trung ương Đảng và đ/c Nguyễn Trọng Tỉnh- Trưởng Ban cán sự Bắc Giang được cử ngay về Hiệp Hòa để chỉ đạo cao trào kháng Nhật cứu nước và tổ chức các hội nghị phổ biến bản chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Về tới Xuân Biều (thuộc tổng Cẩm Bào), thấy chính quyền địch ở đây hoang mang dao động đến độ cao, nhân dân sôi sục khí thế đấu tranh giành quyền sống. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Thị Thuận (tức Thái Bảo) đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào chiều ngày 12/3/1945 tại đình Xuân Biều, thành lập UBDT giải phóng. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi sớm nhất trên địa bàn 02 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và sớm nhất cả nước kể từ khi có chỉ thị “ Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi từng phần tạo điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa hoàn toàn trong toàn quốc.

Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, nhân dân huyện Hiệp Hòa nói chung và nhân dân xã Xuân Cẩm nói riêng đã hưởng ứng nhiệt tình. Đình, chùa, nghè thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm đã trở thành xưởng chế tạo vũ khí. Nhân dân đã đóng góp sức người, sức của ở mức cao nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kẻ thù tổ chức nhiều trận càn quét, ném bom, đốt phá nhà cửa…nhưng nhân dân Cẩm Xuyên vẫn kiên cường bán trụ chiến đấu cùng với cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc nhưng miền Nam vẫn chưa được giải phóng vì sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Thực hiện đường lối cách mạng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân dân Hiệp Hòa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, đã tích cực thực hiện cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, tiến hành xây dựng CNXH chi viện cho đồng bào miền Nam, đồng thời tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng niềm Nam thống nhất tổ Quốc.

Cẩm Xuyên là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, luôn đi theo Đảng làm cách mạng và rất trung thành với Đảng nên tại soi Vải xứ Đồng Nương thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm đã được Đảng, Chính phủ chọn làm nơi mở trường tập huấn của Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất. Tại đây, hơn 2000 cán bộ cải cách đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang đã về đây học tập từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1955 và đã được các đ/c lãnh đạo của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng…cùng các đ/c lãnh đạo khác của Chính phủ về thăm và nói chuyện với trường tập huấn. Đặc biệt nhất, ngày 8/2/1955(tức ngày 16 tháng Giêng Ất Mùi) vinh dự cho hội nghị và quê hương Hiệp Hòa, Hồ Chủ Tịch với trách nhiệm và tình cảm cao nhất với cuộc cải cách ruộng đất đã về làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên; thăm khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên; nói chuyện thân mật tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở khu hội trường soi Vải xứ Đồng Nương thôn Cẩm Xuyên; sau đó Người đi thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên.

Sau cải cách ruộng đất, nhân dân lao động được chia rộng đất để ổn định cuộc sống. Việc người cày có ruộng đã đáp ứng ước mơ ngàn đời của người nông dân. Chính vì vậy, nhân dân tích cực tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh chi viện cho đồng bào Miền Nam.

Để kỷ niệm ngày Bác về thăm Cẩm Xuyên, ngày 28/4/2000, nhân dân thôn Cẩm Xuyên làm việc với đ/c Vũ Kỳ (Nguyên là thư ký riêng của Bác Hồ) tại Hà Nội để đề nghị xây dựng nhà bia kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên ngày 8/2/1955.

Ngày 01/01/2001 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định số: 40/QĐ-CT về việc đăng ký di tích lịch sử văn hóa: Di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên.

Năm 2005 Nhà nước cấp kinh phí xây dựng di tích. Năm 2006 di tích được khánh thành. Tại di tích lưu niệm “Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên” có gắn bia đá ghi: “Ngày 8/2/1955 Bác Hồ về dự Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang và thăm bà con nông dân thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang.” Hình ảnh về đợt viếng thăm này của Bác Hồ hiện còn lưu giữ tại Việt Nam thông tấn xã, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, còn có các nhân chứng sống đó là các đảng viên lão thành cách mạng, nhân dân thôn Cẩm Xuyên đã trực tiếp được gặp Bác đã để lại những kỷ niệm sâu sắc mà năm tháng không thể xóa nhòa.

Từ xưa đến nay, di tích lưu niệm “Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên” luôn là trung tâm văn hóa của địa phương, nơi chung đúc những nguyện vọng thiết tha nhất, những tình cảm nồng thắm nhất của cán bộ đảng viên và nhân dân Cẩm Xuyên với Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc.

Để phát huy hơn nữa giá trị to lớn của di tích, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về tình cảm của Bác dành cho mảnh đất, con người Bắc Giang nói chung và nhân dân Hiệp Hòa, nhân dân Cẩm Xuyên nói riêng. Trong những năm tới dựa vào nguồn kinh phí Chính Phủ cấp cho xã ATK II, huyện Hiệp Hòa sẽ từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo khu di tích. Đây sẽ là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi về Hiệp Hòa.

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân thôn Cẩm Xuyên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) năm1953.

Hiệp Hòa, tháng 8/2016

Ngo Van Tuan
Tin liên quan