Ngày: 07/08/2018
Ngày 5-9-1945, ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người lại viết “Thư gửi cho học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa! Bức thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư liệu lịch sử quý báu không chỉ của ngành GD-ĐT, mà còn của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta – thể hiện sáng ngời tư tưởng chủ đạo của Bác Hồ đối với sự nghiệp GD-ĐT. Bức thư là tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học sinh – sinh viên cả nước (trong thư này, khái niệm “học sinh” bao gồm cả sinh viên – ghi chú của ĐB), là “muôn vàn tình thân yêu”, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập cho được giỏi giang, để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giầu mạnh.
Trước năm 1990, có nhiều ấn phẩm in “Thư gửi cho học sinh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song có nhiều chỗ thiếu sót và không chuẩn xác. Năm 1990, GS Hà Thế Ngữ và các cộng sự, dựa trên những tài liệu mới được phát hiện (do Ban Bí thư TƯ Đảng, Viện Mác – Lênin, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và NXB Sự thật công bố), đã in nguyên vẹn bức thư của Bác trong tập “Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, trang 36 – 38. Đây là văn bản xác thực nhất, lần đầu tiên được công bố về bức thư bất hủ của Bác Hồ.
Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác Hồ cùng hòa vui với học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học mới: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” (Trích nguyên văn, theo tài liệu đã dẫn).
Cách mạng Tháng Tám – 1945 đã đổi đời cho dân tộc ta, từ kiếp nô lệ lầm than đứng lên làm chủ nước nhà, mở ra tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ. Bác Hồ khẳng định: Cách mạng Tháng Tám đã tạo dựng một nền giáo dục mới, khác hẳn về bản chất nền giáo dục nô dịch của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Nền giáo dục mới, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả – tôn trọng con người, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Tư tưởng và tình cảm của Bác sâu lắng và chứa chan trong lời văn ấm áp, chân tình: “Trước đây, cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Để có được một nền giáo dục tốt đẹp như vậy, nhân dân ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu giành độc lập! Bác Hồ không quên nhắc nhở học sinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Bác viết: “Các em được hưởng cái may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà”.
Trọng tâm của bức thư, Bác Hồ căn dặn học sinh cả nước với tình cảm của “một người anh lớn”: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em!”.
Trước đây, trong các văn bản (in sách, đăng báo, diễn văn…), nhiều người thường trích dẫn phần cuối của đoạn văn trên, song không đúng với nguyên bản bức thư của Bác, và lại không dẫn chứng phần đầu của đoạn văn nổi tiếng này. Thật là một thiếu sót lớn và rất đáng tiếc. Trong nguyên bản bức thư, Bác Hồ có cách xưng hô rất khiêm tốn và chân tình – đó là đặc trưng tính cách của Người, nhất là ở những ngày tháng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Đối với học sinh, Bác nhận mình là “người anh lớn”, xưng “tôi”, gọi học sinh là “các em” như tình cảm ruột thịt. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Sáng tháng Năm).
Đoạn văn trên đây của Bác Hồ là một đoạn văn bất hủ! Lời văn tâm tình, thiết tha, gần gũi, giản dị mà bay bổng, không chỉ thuyết phục lý trí mà còn khơi gợi và lay động sâu xa tình cảm của hàng triệu trái tim. Bác Hồ không đứng ở vị thế của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà hòa nhập vào tình cảm gia đình của các em mà bày tỏ tư tưởng và tình cảm của mình. Bác không chỉ khuyên nhủ học sinh tu dưỡng đạo đức, gắng công học tập cho được giỏi giang, mà hơn thế, Người còn thể hiện niềm tin vào khả năng và vai trò to lớn của các em trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Vừa đề ra yêu cầu cao đối với các em, vừa bộc lộ niềm yêu mến và tin cậy vào thế hệ trẻ – đó là một phương pháp giáo dục hiện đại, khoa học và tiên tiến nhất mà Bác Hồ đã truyền dạy cho chúng ta. Lời văn của Bác thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt và rất giầu tình cảm, với lời lẽ thống thiết, khiến người đọc xúc động tận đáy sâu tâm hồn, để rồi từ đó tạo thành một sức mạnh cổ vũ lớn lao, khích lệ mọi người tiến tới.
Trong hoàn cảnh nước nhà mới giành được độc lập, thực dân Pháp rắp tâm xâm lược nước ta lần nữa, Bác Hồ đã nhắc nhở học sinh ý thức công dân, nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Đối với các học sinh lớn, Bác khuyên các em sẵn sàng tham gia vào công cuộc phòng thủ đất nước.
Đoạn cuối bức thư, Bác viết: “Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ/ Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.
71 năm đã trôi qua và 47 năm Bác Hồ đã về với “thế giới người hiền”, đọc lại “Thư gửi cho học sinh” của Bác, chúng ta thấy bức thư quý giá đó vẫn tươi mới, nồng ấm, thiết tha! Hôm nay, Bác Hồ vẫn đang cùng hơn một triệu giáo viên các cấp và hơn hai mươi ba triệu HS-SV cả nước, cùng tất cả dân tộc Việt Nam ta vui ngày khai giảng năm học mới 2016 – 2017 để tiếp tục thực hiện ý nguyện cao cả của Người: Đưa dân tộc ta “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu!”.
Yêu kính và biết ơn Bác Hồ, các thầy, cô giáo và các em HS-SV nước ta tiếp tục rèn đức, luyện tài, “Dạy tốt và học tốt”, để “trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (Thư Bác Hồ gửi ngành giáo dục, ngày 15-10-1968; sđd, tr. 256), làm vẻ vang cho dân tộc và đất nước ta.
19 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 3 tháng 9 năm 201419 - 09 - 2014
Training quản trị Cổng thông tin mới23 - 09 - 2014
Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ K2323 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 4 tháng 9 năm 2014