Ngày: 20/04/2015
GD&TĐ - Trong khi nhiều địa
phương vẫn còn loay hoay tìm giải pháp xây dựng trường điển theo Đề án Ngoại
ngữ Quốc gia 2020, thì tại Trường THCS Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã có những bước
đi ổn định, bước đầu đã phát huy được vai trò nòng cốt của một trường điển hình.
Mới đây, thầy Đinh Tiến Hoa – Hiệu trưởng - đã có buổi giao lưu
trực tuyến với bạn đọc báo Giáo dục & Thời đại nhằm chia sẻ những kinh
nghiệm từ thực tế triển khai trường điển hình của nhà trường.
Ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Ở trường tôi, vào dịp hè tổ chức tập
huấn cho giáo viên soạn giáo án điện tử. Tổ chức cuộc thi soạn giáo án điện tử
riêng, sau đó là thi giáo viên dạy giỏi cấp tổ, cấp trường trên nền công nghệ
thông tin.
Ngoài ra, nhà trường giao nhiệm vụ cho
một số giáo viên giỏi về công nghệ thông tin hỗ trợ các giáo viên khác. Trong
các buổi sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi có lồng ghép tập huấn, hướng dẫn đến
các giáo viên còn yếu về việc soạn giáo điện tử. Phương châm là: Khó đâu gỡ
đấy, yếu đâu bổ trợ đấy!
Trước những câu hỏi của bạn đọc về việc nhà trường ưu tiên tập
trung vào bồi dưỡng giáo viên hay mua sắm máy móc, thiết bị dạy học để nâng
chuẩn cơ sở vật chất và có cách nào hài hòa cả hai hay không?
Thầy Hoa thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi ưu tiên tập trung vào
đội ngũ, đầu tư cho giáo viên, khuyến khích các giáo viên tự bồi dưỡng. Khi
giáo viên đã đạt chuẩn rồi thì mọi việc sẽ không còn là khó khăn.
Khi mua sắm cơ sở vật chất, nhà trường luôn quan tâm đến yếu tố
khai thác và sử dụng sao cho hiệu quả. Khi mua cũng căn cứ vào trình độ của
giáo viên và mua có chọn lọc những thiết bị thiết thực đáp ứng ngay nhu cầu dạy
và học”.
Liên quan đến việc cử giáo viên đi tập huấn – một trong những
vấn đề mà hiện nay nhiều trường vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc, thầy Hoa cho
rằng: Để làm được điều này trước hết, Ban Giám hiệu nhà trường cần thường xuyên
tuyên truyền về những ưu điểm của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, khi giáo viên
hiểu thì họ sẽ rất hứng thú để tham gia.
Về phía nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho giáo viên về giờ
dạy, kinh phí và các chế độ ưu đãi cho giáo viên khi tham gia tập huấn để họ
yên tâm tham gia bồi dưỡng nâng chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Không khó để dạy một lớp học nhiều trình
độ
Trả lời câu hỏi về việc huy động các
nguồn lực ngoài nhà trường tham gia vào quá trình xây dựng trường điển hình,
thầy Hoa không - chia sẻ:
Điều quan trọng là nhà trường phải phải
khẳng định được chất lượng đào tạ. Một khi chất lượng nhà trường đã ổn định và
không ngừng được đi lên thì việc huy động các nguồn lực sẽ thuận lợi rất
nhiều.
Tiếp đến việc thực hiện xã hội hóa giáo
dục phải thực hiện đúng các quy trình hướng dẫn của các cấp. Không được lạm
dụng Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện xã hội hóa.
Công tác thu, chi phải công khai, minh
bạch với phụ huynh. Thu đúng, chi đúng mục đích. Khi kết thúc công việc phải
báo cáo lại với cơ quan chủ quản.
Thực tế cho thấy, nhiều trường khi xây dựng mô hình trường điển
hình, học sinh chưa thực sự hào hứng tham gia.
Lý do đơn giản là các em ở các lớp này luôn bị yêu cầu cao hơn,
dẫn đến điểm bình quân các em thấp hơn so với lớp khác, trong khi năng lực lại
hơn hẳn.
Chính vì vậy mà dẫn đến tình trạng nhiều học sinh xin ra khỏi
lớp học thí điểm dạy theo Đề án.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Hoa tâm sự: “Ngay tại Trường THCS
Vĩnh Tường, thời gian đầu cũng xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên mọi chuyện giờ
đã khác.
Học sinh đã hào hứng với từng tiết học. Nhiều học sinh còn có
nguyện vọng muốn được vào học lớp “điển hình”.
Để có được những chuyến biến trên, kinh nghiệm của thầy Hoa là:
việc làm đầu tiên là phải tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ bản chất
vấn đề.
Điều quan trọng là phải giúp các em thấy được những lợi ích
thiết thực khi tham gia học theo chương trình thí điểm của Đề án. Đó là những
kỹ năng nghe – nói mà ở chương trình cũ còn hạn chế.
Tiếp đến nhà trường chú trọng tăng cường nâng cao bồi dưỡng cho
học sinh để các em có đủ kiến thức và yên tâm hơn trong học tập.
“Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên tổ chức các hoạt động “học mà
chơi – chơi mà học” như: Tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà
trường. Trong mỗi tiết học, yêu cầu giáo viên tổ chức các hoạt động để tạo hứng
thú cho các em” - thầy Hoa trao đổi.
Trước câu hỏi về việc dạy học như thế nào khi có sự chênh lệch
về trình độ học sinh trong một lớp học, thầy Hoa bộc bạch: “Không khó để dạy
một lớp học có nhiều độ khác nhau.
Trước hết, chúng tôi yêu cầu giáo viên chia lớp thành các nhóm
nhỏ. Sau đó cho các nhóm tự giao tiếp với nhau dưới sự giám sát, hỗ trợ của
giáo viên.
Mục đích của việc chia nhóm nhằm tạo điều kiện cho tất cả các em
đều được thực hành nghe – nói. Khi cho các em thực hành, giáo viên có thể đi
đến từng nhóm quan sát và hỗ trợ nếu các em gặp khó khăn.
Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên trước khi lên lớp
phải chuẩn bị học liệu và xây dựng kế hoạch: Hôm nay dạy gì? Cho các em thực
hành như thế nào? Tổ chức hoạt cảnh ra sao?…
Bên cạnh đó, hướng dẫn các em học sinh tham khảo các bài học
tiếng Anh trên mạng. Đối với các em yếu về kỹ năng nghe – nói, giáo viên sẽ
giao bài tập theo chủ đề đơn giản sau đó khuyến khích em đó thuyết trình trước
nhóm.
Nhà trường cũng luôn quan tâm đến phân hóa trình độ học sinh. Từ
đó có những kế hoạch tăng cường bồi dưỡng, nâng cao khả năng nghe – nói.
“Hiện chúng tôi tổ chức các hoạt động ngoại khóa hàng tuần như:
Giao lưu giữa học sinh lớp, các khối với nhau. Tổ chức cho học sinh giao lưu
với những người bản xứ ở các thành phố lớn.
Khuyến khích các lớp chia nhóm để hỗ trợ nhau trong học tập. Mỗi
một nhóm phải có ít nhất một em có trình độ nghe – nói tốt” – Thầy Hoa trao
đổi.